Tu Mơ Rông: Phát triển cây dược liệu

26/10/2016 09:03

Nhằm phá thế độc canh trong sản xuất nông nghiệp, phá bỏ dần sự lệ thuộc vào cây mỳ hay lúa rẫy, trong những mùa rẫy qua, huyện nghèo Tu Mơ Rông đã có bước đột phá trong sản xuất để giúp dân thoát ly loại cây này để vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần cải tạo đất đai, bảo vệ rừng.

Chỗ “đứng” cho cây dược liệu

Chỉ trong vòng 2 mùa trồng thử nghiệm mà sâm đương quy đã tạo được tiếng vang trong lòng dân. Trước vụ mùa 2014, chính quyền xã Ngọc Lây chính thức đưa giống sâm đương quy vào trồng thử nghiệm.

Vườn sâm đương quy trồng xen trong rẫy cà phê diện tích 100 mét vuông cho thu nhập gần 30 triệu đồng của anh A Mới. Ảnh: C,B

 

Theo đó, chính quyền đã chọn những gia đình tiêu biểu, tự nguyện tham gia trồng từ ban đầu. A Mới, người con ở làng Mô Gia là một trong số đó. Anh được xã cấp giống trồng trong khoảng hơn 100m2 trồng xen trong lô cà phê của nhà. Trong vụ thu hoạch vừa rồi, tổng thu từ bán sâm đương quy trồng trong 100m2 cho thu nhập được gần 20 triệu đồng. Một nguồn thu nhập khủng sau 1 năm trồng.

“Nó dễ trồng, trồng dưới tán cà phê che mát, tận dụng đất trồng của rẫy cà phê, trồng có hơn 100m2 mà cho thu nhập cả gần 20 triệu đồng. Cây chẳng sâu bệnh. Mình lại không tốn công làm cỏ cho cà phê. Tiện lắm. Mình vừa làm đất xong, mới mua 2kg giống hết 6 triệu đồng để trồng thêm 5 sào sâm sâm đương quy” - A Mới vui vẻ khoe.

Vườn sâm đương quy trồng xen trong rẫy cà phê tại xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông. Ảnh: C.N

 

Với diện tích vừa khai thác, anh tiếp tục trồng mới lại thêm trên diện tích đất trồng xen cà phê. Chỉ tay qua rẫy mỳ bên cạnh anh nói: các rẫy này của mọi người, thu hoạch xong mỳ họ cũng sẽ chuyển sang trồng sâm đương quy hết.

Hiện nay, ở Ngọc Lây, đi đâu mọi người cũng bàn tán về việc hết vụ mùa nhổ mỳ trồng sâm đương quy. Giờ đây, sau, trước các nhà, dọc trên tuyến đường, những mảnh đất nhỏ đã được dân đào xới, ủ thay cho cây mỳ bằng các luống sâm đương quy. Với mức giá trên, những mảnh đất nhỏ tận dụng trước, sau nhà đã được mọi người tận dụng trồng sâm đương quy.

Niềm tin của người dân Ngọc Lây càng được củng cố khi chính quyền xã thông báo Công ty TNHH Thái Hoà, chuyên kinh doanh dược liệu đã cam kết thu mua các sản phẩm sâm đương quy cho dân.

Theo đó Công ty Thái Hoà đảm bảo bao tiêu tất cả sản phẩm sâm đương quy với mức giá 70 nghìn đồng tại rẫy như hiện nay. Số diện tích bao tiêu 50ha (hiện mới trồng 5ha).

Bên cạnh đó, 20 hộ dân trong xã Ngọc Lây đã liên kết thành lập Hợp tác xã Sâm và dược liệu Ngọc Lây với các thành viên chủ yếu là người đồng bào dân tộc tại chỗ chuyên trồng sâm đường quy, ngũ vị tử, giảo cổ lam nhằm đảm bảo hình thành vùng chuyên canh cây dược cho vùng.

Theo ông Nguyễn Minh Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lây cho biết: trên địa bàn xã ngoài cây chủ lực là cà phê catimo, đến nay chính quyền xác định cây sâm đương quy là một trong những loại cây trồng chủ lực, góp phần tạo cho thu nhập ổn định, giảm nghèo cho người nên năm nay xã đã mở rộng diện tích trồng đại trà tại 10/10 thôn, làng trong xã.

Theo đó, thông qua nhiều nguồn khác nhau, xã và huyện sẽ cung ứng khoảng 90 nghìn cây giống sâm đương quy các hộ nghèo trong xã. Tuy nhiên, với số giống trên vẫn chưa đủ đáp ứng được nhu cầu đang tăng trong dân.

Mặc dù mới chỉ đưa vào trồng thử nghiệm 1 năm nhưng với mức giá thu mua cao, đầu ra ổn định cho 50ha thì rõ ràng mỗi héc ta cây sâm đương quy có chu kỳ thu hoạch nhanh, ít sâu bệnh, dễ trồng, nếu được chăm sóc tốt thì rõ ràng đây sẽ là một loại cây không phải chỉ là giảm nghèo cho xã nghèo Ngọc Lây (hiện tại huyện Tu Mơ Rông mới chỉ trồng thử nghiệm tại xã Ngọc Lây).

Ông Tô Thanh Tùng - Phó Giám đốc Công ty TNHH Thái Hoà cho biết: về lâu dài, nếu người dân phát triển mạnh các loại cây dược liệu như sâm đương quy (vượt quá 50ha), ngũ vị tử, sâm dây thì chính quyền cần phải có kế hoạch phối hợp thực hiện.

Một mình doanh nghiệp không thể làm, bao tiêu hết số lượng cùng một lúc. Phải có kế hoạch cụ thể theo đợt, chu kỳ thu hoạch, hợp đồng theo mùa, không thu hoạch ồ ạt, làm theo kỳ, làm cuốn chiếu, làm từng thôn, từng xã thì doanh nghiệp mới thu mua và xử lý hết hàng hoá cho dân – ông Tùng cho hay.

Gặp khó về giống

Không chỉ đương quy, những năm qua cây dược liệu được xem là thế mạnh của huyện Tu Mơ Rông như sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm (sâm dây), ngũ vị tử… huyện cũng đã ban hành Chương trình số 36, Nghị quyết số 08 về việc xây dựng và phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực, trong đó, huyện xác định tạo điều kiện để phát triển cây dược liệu trong dân.

Theo đó, UBND huyện chỉ đạo các đơn vị chức năng huyện phối hợp với UBND các xã tuyên truyền, vận động nhân dân duy trì và chăm sóc các diện tích cây dược liệu hiện có nhằm tạo nguồn giống để mở rộng diện tích cho các năm tiếp theo; đồng thời lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình chính sách để hỗ trợ giống cho nhân dân trồng.

Tuy nhiên theo phản ánh của người dân thì hiện nay vấn đề tìm nguồn giống đang gặp nhiều khó khăn.   

Theo A Thăng ở làng Đăk King 1 ở xã Ngọc Lây cho biết: Dân muốn trồng sâm dây, sâm đương quy vì nó dễ trồng, nó như cây rừng nhưng giờ dân không có giống. Cây tự nhiên gần như bị khai thác cạn kiệt. Cây giống giờ mắc, dân không có tiền mua. Nhờ nhà nước hỗ trợ cho dân giống sâm dây, giống đương quy dân phát triển kinh tế sau này.

Đối với sâm Ngọc Linh cây làm giàu cho dân thì vấn đề giống càng khó hơn. Hiện tại mới chỉ có Công ty CP Sâm Ngọc Linh là nơi cung cấp giống chính cho vùng. Đây là đơn vị có diện tích sâm lớn nhất tỉnh. Những năm qua nhằm bảo tồn nguồn giống quý, đơn vị quyết tâm không khai thác, bảo vệ, nhân giống để mở rộng diện tích.

Tuy nhiên công tác bảo vệ cũng gặp nhiều khó khăn. Để bảo vệ được các chùm hạt giống phải làm thủ công. Các chùm giống phải được bao bọc cẩn thận bằng hệ thống lưới đan bằng le cho từng bông sâm cho đến ngày thu hoạch. Hạt sâm là món khoái khẩu của chim chuột, cũng vì chủ quan mà có năm đơn vị phải trả giá cho cả vụ hạt giống.

Mặc dù là đơn vị có diện tích vườn sâm lớn nhất cả nước nhưng đến nay Công ty CP Sâm Ngọc Linh vấn “án binh bất động” trước các động thái ra đời các sản phẩm của mình dù thị trường đang nóng cũng chỉ vì mục tiêu nhân giống sâm Ngọc Linh.

Theo ông Trần Văn Hảo - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Sâm Ngọc Linh: Chủ trương của công ty sẽ mở rộng diện tích sâm Ngọc Linh bằng cách liên doanh liên kết với hộ dân ở trên mấy xã có thể trồng sâm Ngọc Linh. Hiện nay công ty đang liên doanh liên kết với tất cả người dân của bà con xã Măng Ri, xã Ngọc Lây. Toàn bộ bà con đều được tham gia trồng sâm Ngọc Linh này.

Ngoài công ty cấp không giống sâm, bà con được công ty trả lương như một công nhân bình thường sau này dưới sự quản lý của công ty, các sản phẩm sâm sau này bà con sẽ được thu hoạch và hưởng thành quả do mình trồng – ông Hảo cho biết thêm.

Trước thực trạng khó khăn về giống, ông Vương Văn Mười - Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông thừa nhận, việc phát triển dược liệu trên địa bàn huyện đang gặp khó về vấn đề nguồn giống. Các nguồn giống sâm dây, sâm Ngọc Linh tự nhiên gần như cạn kiệt, giống do dân tự nhân giống rất hạn chế, nguồn từ các đề tài khoa học cũng hạn chế.

“Trong thời gian tới UBND huyện sẽ phối hợp với Sở Khoa học công nghệ tỉnh xây dựng các mô hình nghiên cứu về ươm cây giống ổn định để phát triển nhằm có nguồn cung đảm bảo ổn định” - ông Mười khẳng định.

Những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn thuộc các chương trình dự án như 30a, 135, chương trình khuyến công huyện Tu Mơ Rông đã phát triển được vùng được liệu với 43ha hồng đẳng sâm, 5ha sâm đương quy (dự kiến sẽ trồng 50ha vào năm 2020)…

Riêng đối với sâm Ngọc Linh, huyện Tu Mơ Rông phấn đấu đến năm 2020 sẽ trồng được 500ha (doanh nghiệp và nhân dân cùng trồng), trong đó hỗ trợ nhân dân xây dựng mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và hỗ trợ 25ha tại 7 xã trong huyện.

Cao Nguyên

Chuyên mục khác