Tu Mơ Rông: Phát triển cà phê để thoát nghèo

15/03/2018 17:57

​Cùng với các loại cây dược liệu, cây cà phê cũng được huyện Tu Mơ Rông chọn làm cây trồng chủ lực để giúp phát triển kinh tế hộ gia đình, hướng đến mục tiêu thoát nghèo bền vững…

Nhìn từ Ngọc Yêu

Hơn 4 năm về trước, cây cà phê xứ lạnh còn xa lạ với đồng bào dân tộc thiểu số ở Tu Mơ Rông. Hồi ấy, khi tỉnh chủ trương thực hiện đề án phát triển cây cà phê xứ lạnh ở 3 huyện Kon Plông, Đăk Glei và Tu Mơ Rông, để vận động người dân nghèo trồng loại cây này không dễ, kể cả khi những mô hình trình diễn được thực hiện và cho hiệu quả. Thế nhưng sau một thời gian kiên trì vận động, cùng với sự hỗ trợ về giống, kỹ thuật, phân bón của nhà nước, người dân ở Tu Mơ Rông đã tiến hành phát triển diện tích cà phê xứ lạnh.

Để giúp nhân dân trong huyện phát triển diện tích cà phê catimo, ngoài công tác tuyên truyền vận động, chính quyền xã, huyện đã tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cách trồng và chăm sóc cây cà phê, bố trí các nguồn vốn hỗ trợ, ưu đãi về cây giống, phân bón để người dân mở rộng diện tích.

Đi đầu trong việc phát triển diện tích cà phê (trong đó có cà phê xứ lạnh) phải kể đến Ngọc Yêu. Mới đầu, người dân ở đây cũng không mặn mà, nhưng sau một thời gian, một số hộ đã thoát nghèo nhờ phát triển cà phê xứ lạnh thì người dân lại ưa trồng loại cây này. Đơn cử như gia đình A Đáo ở làng Long Láy 3. Năm 2014, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo, được hỗ trợ trồng theo đề án phát triển cà phê xứ lạnh. Gia đình anh trồng 900 cây cà phê. Mọi quy trình chăm sóc, anh được cán bộ hướng dẫn cụ thể, tỉ mỉ. Vườn cây của gia đình anh ngày càng tươi tốt, sau 3 năm đã cho thu bói. Năm 2016, anh thu được hơn 2 tấn và năm 2017 tăng lên 3 tấn tươi. Sản lượng năm sau cao hơn năm trước, giá cà phê thu hoạch lại cao nên 2 năm gia đình anh có nguồn thu nhập khá. Cộng với các loại cây trồng khác, gia đình anh đã thoát khỏi hộ nghèo.

Người dân Tu Mơ Rông đang chú trọng phát triển mạnh diện tích cà phê. Ảnh: V.P

 

A Đáo cho biết: Giờ mình chỉ lo tập trung chăm sóc cho vườn cây thôi. Sắp tới, mình cũng đang tính toán tiếp tục phát triển thêm diện tích cà phê trồng xen lẫn với vườn bời lời.

Không chỉ có A Đáo, ở Ngọc Yêu có nhiều trường hợp cũng từ cây cà phê catimo mà nhiều hộ đã thoát khỏi cảnh đói nghèo. Đơn cử như trường hợp gia đình A Diên, A Kring ở thôn Ba Tu 1…

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Hoàng- Chủ tịch UBND xã Ngọc Yêu cho biết: Trong 2 năm qua, cà phê catimo vừa được mùa, vừa được giá, thương lái cũng tranh nhau thu mua nên bà con được tăng nguồn thu, đời sống được nâng cao. Cũng từ đó, nhiều hộ đã thoát khỏi hoàn cảnh nghèo, khó khăn.

“Đến nay, toàn xã đã phát triển được hơn 210ha cà phê catimo, trong đó cà phê xứ lạnh thuộc đề án khoảng 85ha. Ở đây, bà con đang xem loại cây này là cây trồng chính chủ lực để phát triển kinh tế. Nhiều hộ cũng đang chuyển từ diện tích bời lời sang trồng cà phê. Năm 2018 này, toàn xã phấn đấu trồng khoảng 20ha”- ông Hoàng cho biết thêm.

 Đẩy mạnh phát triển diện tích

 Điều đáng mừng là cây cà phê catimo rất phù hợp với thời tiết, khí hậu ở vùng núi cao Tu Mơ Rông. Hầu hết diện tích cà phê trồng mới đều đạt tỷ lệ sống cao (hơn 90%), cây phát triển xanh tốt. Đặc biệt là thời gian cho thu hoạch ngắn (3 năm bắt đầu thu bói), ít phải chăm sóc nhiều và giá cả cũng như chất lượng cao hơn những giống cà phê khác nên đã thu hút người dân tích cực phát triển.

Đặc biệt, đáng mừng nữa là số lượng người đăng ký tham gia trồng cà phê ngày càng nhiều, năm sau cao hơn năm trước. Không chỉ những hộ thuộc diện hộ nghèo được hỗ trợ theo đề án cà phê xứ lạnh, ở Tu Mơ Rông những hộ không thuộc diện cũng tích cực mở rộng diện tích. Vì vậy, diện tích cà phê xứ lạnh của huyện năm sau cao hơn năm trước. Minh chứng là năm 2014, toàn huyện trồng mới được 50ha với 173 hộ tham gia. Đến năm 2015, số đó đã tăng lên gấp đôi với 100ha, với 316 hộ trồng. Đến năm 2016, tiếp tục phát triển mới được gần 140ha với hơn 510 hộ tham gia và năm 2017 diện tích trồng mới tăng lên 160ha với 829 hộ tham gia. Như vậy, đến nay, toàn huyện có tổng diện tích cà phê là 1.358,7ha, trong đó, diện tích cà phê xứ lạnh chiếm hơn một nửa diện tích cà phê toàn huyện. Năm 2018 này, huyện Tu Mơ Rông tiếp tục phấn đấu sẽ trồng mới diện tích cà phê toàn huyện khoảng gần 200ha.

Từ hiệu quả của cây cà phê xứ lạnh, huyện Tu Mơ Rông đã xác định phát triển diện tích cà phê catimo là một trong những cây trồng chủ lực trong chiến lược xoá nghèo bền vững cho người dân cũng như trong chiến lược phát triển kinh tế của huyện.

 Ông Vương Văn Mười - Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Nghị quyết của Đảng bộ huyện xác định, cùng với một số cây trồng khác, huyện định hướng tập trung phát triển diện tích cây cà phê catimo. Vì vậy, huyện đã và đang tích cực vận động người dân chuyển đổi diện tích đất trồng mì sang trồng cà phê. Đặc biệt, để thực hiện hiệu quả đề án phát triển cà phê xứ lạnh, thời gian tới huyện tiếp tục đăng ký trồng cây cà phê xứ lạnh ở tất cả các xã trên địa bàn huyện, nhưng sẽ tập trung mạnh ở các xã như Măng Ri, Tê Xăng, Ngọc Yêu…

Ông A Hơn- Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông nhận xét: Qua công tác vận động, tuyên truyền, ý thức của người dân đã thay đổi nhiều trong phát triển kinh tế. Đặc biệt, với cây cà phê catimo, những năm qua người dân đã chú trọng đầu tư phát triển khá mạnh. Đây thực sự là tín hiệu mừng về nhận thức của người dân.

Hiện nay, cây cà phê catimo đang được người dân huyện Tu Mơ Rông khá ưa thích và đây cũng là loại cây trồng mà huyện chọn làm cây trồng chủ lực tập trung phát triển trong thời gian tới để thúc đẩy kinh tế huyện ngày càng phát triển.

Văn Phương

Chuyên mục khác