Tu Mơ Rông: Phát huy vai trò kiểm lâm địa bàn trong việc bảo vệ rừng

22/04/2017 08:45

​Trong quản lý bảo vệ rừng ở địa phương, kiểm lâm địa bàn có vai trò rất quan trọng. Phát huy vai trò của lực lượng này, Hạt Kiểm lâm huyện Tu Mơ Rông đang góp phần tích cực vào việc bảo vệ rừng ở địa phương.

Đến xã Đăk Na, nhìn đâu cũng thấy rừng. Vào làng Đăk Ríp 1, chúng tôi gặp A Liễu - Thôn trưởng thôn Đăk Ríp 1. Trao đổi về công tác bảo vệ rừng, A Liễu phấn khởi cho biết, làng phối hợp kiểm lâm địa bàn thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về bảo vệ rừng. Người dân trong làng được nhận tiền quản lý bảo vệ rừng, cùng nhau bảo vệ rừng, không ai dám phá rừng đâu.

Để có thể bảo vệ tốt tài nguyên rừng nhận khoán, dân làng Đăk Ríp 1 phân chia nhau tuần tra bảo vệ rừng theo nhóm hộ, mỗi nhóm từ 10-13 hộ. Hàng tuần, các nhóm thay phiên nhau đi tuần tra. Nếu phát hiện lâm tặc hay có dấu hiệu gì bất thường, dân làng sẽ báo cho kiểm lâm địa bàn và chính quyền giải quyết.

Các lực lượng phối hợp tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Đ.N

 

Bàn về công tác bảo vệ rừng, A Dũng- Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Na cho biết, xã có 8.400ha đất tự nhiên, trong đó có gần 5.700ha rừng và đất rừng. Trong công tác bảo vệ rừng, kiểm lâm địa bàn là người trực tiếp tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Trong thời gian gần đây, trên địa bàn xã không xảy ra các vụ xâm hại rừng. Rừng được bảo vệ và phát triển tốt.

Song, khó khăn đặt ra hiện nay, Hạt Kiểm lâm huyện không đủ nhân lực để bố trí mỗi xã một kiểm lâm địa bàn. Trong 11 xã, Hạt chỉ bố trí 8 kiểm lâm địa bàn/8 xã. Các xã còn lại, Hạt bố trí kiểm lâm địa bàn theo hình thức kiêm nhiệm (nghĩa là một kiểm lâm phụ trách 2 xã).

Ông Nguyễn Đình Nhiên - Kiểm lâm địa bàn xã Đăk Tờ Kan và xã Đăk Rơ Ông cho biết: Được giao nhiệm vụ phụ trách 2 xã, nhiều lúc triển khai nhiệm vụ chuyên môn gặp khó khăn. Trong những lúc 2 xã cùng triển khai nhiệm vụ, được xã này thì sẽ mất xã kia. Nếu đủ nguồn nhân lực, mỗi kiểm lâm địa bàn phụ trách một xã sẽ thuận lợi hơn.

Để bảo vệ rừng có hiệu quả, Hạt Kiểm lâm huyện tham mưu UBND huyện ban hành phương án phối hợp tuần tra, truy quét các điểm nóng về hành vi khai thác, mua bán, cất giấu, vận chuyển lâm sản trái phép; thành lập chốt liên ngành tại xã Đăk Tờ Kan để kiểm tra, kiểm soát tình trạng vận chuyển lâm sản trái phép ở 4 xã phía tây của huyện gồm: Đăk Sao, Đăk Na, Đăk Rơ Ông và Đăk Tờ Kan. Đồng thời chỉ đạo kiểm lâm địa bàn phối hợp với ngành và chủ rừng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân cung cấp thông tin, tố giác kịp thời các hành vi vi phạm phá rừng, khai thác rừng… trái pháp luật.

Thông qua việc phát huy vai trò của kiểm lâm địa bàn và tăng cường tuần tra bảo vệ rừng, theo đánh giá năm 2016, Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với các ngành và chính quyền địa phương phát hiện 15 vụ vi phạm lâm luật, trong đó 2 vụ phát nương làm rẫy, 5 vụ khai thác hơn 40m3 gỗ quy tròn và 8 vụ mua bán, cất giữ trên 7m3 gỗ trái phép. Trong những tháng đầu năm 2017, tình hình khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn có những chuyển biến tích cực,  số vụ vi phạm giảm hơn so với trước.  

Ông Ngô Trí Nam - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện đánh giá cao vai trò của kiểm lâm địa bàn trong công tác bảo vệ rừng ở địa phương. Để tiếp tục phát huy vai trò của kiểm lâm địa bàn, trong thời gian đến, Hạt Kiểm lâm huyện tăng cường chỉ đạo kiểm lâm địa bàn phối hợp với các ngành, chủ rừng tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về công tác quản lý bảo vệ rừng; phối hợp tuần tra, kiểm tra rừng; lập danh sách những đối tượng đầu nậu khai thác, mua bán, chế biến lâm sản trái phép để có kế hoạch theo dõi, xử lý nghiêm minh khi các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật…

Trước những yêu cầu đặt ra, ông Ngô Trí Nam đề nghị cấp trên quan tâm, xem xét tăng cường thêm lực lượng cho đơn vị bảo đảm mỗi xã một kiểm lâm địa bàn nhằm thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao.

Đào Nguyên

Chuyên mục khác