Tu Mơ Rông: Phát huy thế mạnh dược liệu để giảm nghèo bền vững

16/08/2023 13:10

Ở huyện Tu Mơ Rông người dân khi nói về cây dược liệu đều nhận xét là cây 3 trong 1 (cây thoát nghèo, cây làm giàu và cây chủ lực). Thực tế là nhờ trồng dược liệu, đặc biệt là sâm Ngọc Linh, nhiều người dân đã thoát nghèo, thậm chí vươn lên làm giàu.

Đến nay, trên địa bàn huyện đã phát triển được gần 3.000ha cây dược liệu, trong đó có hơn 1.710ha sâm Ngọc Linh. Trong 3 năm qua, trên địa bàn có gần 2.000 hộ thoát nghèo, trong đó phần lớn nhờ vào trồng, mua, bán dược liệu.

Đổi mới ở thôn làng vùng sâu Tu Mơ Rông. Ảnh: HN

 

Ở xã Tê Xăng, để giúp người dân hiểu hơn về hiệu quả của phát triển cây dược liệu, cán bộ xã thường xuyên tham gia các buổi họp thôn để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu và triển khai giao chỉ tiêu phát triển về cây dược liệu trên địa bàn xã cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ gia đình phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. UBND xã đã phối hợp với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, các hộ dân tổng hợp diện tích dược liệu và triển khai thực hiện ươm giống tại chỗ để đáp ứng nhu cầu giống đảm bảo về chất lượng cho người dân trên địa bàn. Để trồng cây dược liệu đạt hiệu quả, cán bộ, công chức xã còn xuống các thôn hướng dẫn người dân chuẩn bị đất, xử lý thực bì, đào hố; xây dựng các tổ, nhóm vận động người dân tham gia phát triển cây dược liệu. Riêng đối với cây sâm Ngọc Linh, UBND xã thường xuyên phối hợp với Lâm trường Ngọc Linh và bà con nhân dân các thôn thường xuyên kê khai việc trồng cây sâm Ngọc Linh dưới tán rừng.

Lãnh đạo UBND xã Tê Xăng cho biết: Xã đã xác định dược liệu là cây mũi nhọn để phát triển triển kinh tế, giúp người dân xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững. Bởi vậy trong thời gian qua xã đã triển khai xây dựng các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân, kêu gọi thu hút đầu tư, các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, diện tích cây dược liệu trên địa bàn xã là 215,2ha. Nhờ phát triển dược liệu, ở xã Tê Xăng có nhiều hộ gia đình đã có nguồn thu mỗi năm hàng trăm triệu đồng, xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm được các vật dụng đắt tiền như hộ ông A Hải, A Đinh, A Biên (thôn Đắk Viên), A Muộn, A Phi, A Bù, A Mao (thôn Tu Thó), A Hình (thôn Đăk Sông).

Điển hình như gia đình ông A Hình hiện nay có cả nghìn cây sâm Ngọc Linh và 4-5 sào sâm dây. Ông A Hình kể gia đình ông trồng sâm Ngọc Linh từ 15 năm trước, mỗi năm ông tích góp, vay thêm các nguồn vốn để phát triển thêm một ít. Từ  sâm Ngọc Linh và sâm dây, gia đình ông bán lá, củ, hạt, thu lời hàng trăm triệu đồng. Nhờ sâm Ngọc Linh, gia đình ông xây dựng được nhà cửa, mua sắm các vật dụng đắt tiền và cho các con ăn học đàng hoàng 

Người dân Tu Mơ Rông phát huy lợi thế từ dược liệu vươn lên. Ảnh: H.N


Còn ở xã Ngọc Lây, trên địa bàn xã hiện đã có 267/514 hộ trồng sâm Ngọc Linh, nhiều nhất là tại thôn Lộc Bông gần như 100% hộ dân đều trồng sâm Ngọc Linh. Các hộ dân thành lập lại thành nhóm hộ cùng trồng, chăm sóc và bảo vệ cả ngày, lẫn đêm. Để duy trì và mở rộng diện tích trồng cây sâm Ngọc Linh, người dân Ngọc Lây mạnh dạn vay vốn từ  Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tu Mơ Rông, mỗi hộ gia đình, cá nhân người lao động được vay 100 triệu đồng để đầu tư trồng cây sâm Ngọc Linh.

Cùng với phát triển sâm Ngọc Linh, ở xã Ngọc Lây có khoảng 250 hộ tham gia trồng cây dược liệu. Các mô hình trồng và phát triển dược liệu đã mang lại giá trị cao hơn so với các loại cây truyền thống như cây mì, lúa nước.

Theo báo cáo của UBND xã Ngọc Lây, nhờ thu nhập từ cây dược liệu và sâm Ngọc Linh nên năm 2022, trên địa bàn xã giảm được 63 hộ nghèo, đạt tỷ lệ 13,54%.

Thấy rõ hiệu quả và con đường thoát nghèo vươn lên khá giả nhờ dược liệu và sâm Ngọc Linh, người dân Tu Mơ Rông đã có những chuyển biến trong nhận thức, chủ động đầu tư vườn sâm thay vì trông chờ hỗ trợ. Bằng chứng là năm 2022, tổng nguồn vốn vay đầu tư sâm Ngọc Linh của dân bằng 5 năm trước cộng lại. Còn về phía huyện, để hỗ trợ người dân phát huy lợi thế từ dược liệu và sâm Ngọc Linh, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, từ các nguồn vốn, huyện Tu Mơ Rông đã xây dựng các mô hình kinh tế trồng sâm, dược liệu để dân tham gia sản xuất; ưu tiên nguồn vốn cho dân vay để đầu tư trồng sâm Ngọc Linh, dược liệu. Nhờ phát huy được thế mạnh, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo (đa chiều) trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông giảm còn 47,26% (giảm 12,93% so với cuối năm 2021 là 64,79%). 

Hà Nam

Chuyên mục khác