Tu Mơ Rông phát huy lợi thế xứ sở dược liệu

30/01/2017 08:33

Tu Mơ Rông được thiên nhiên ưu đãi khí hậu quanh năm mát mẻ và là vùng đất có nhiều loại cây dược liệu quý như hồng đẳng sâm (còn gọi là sâm dây), sâm đương quy, ngũ vị tử... đặc biệt là cây quốc gia - sâm Ngọc Linh. Lợi thế này đã và đang được Tu Mơ Rông tận dụng để phát huy, thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao đời sống người dân.

Trong những năm qua, cây dược liệu được xem là một trong những cây thế mạnh của huyện Tu Mơ Rông. Vì thế, Huyện ủy Tu Mơ Rông đã ban hành Chương trình số 36 về phát triển ngành kinh tế mũi nhọn và các sản phẩm chủ lực của huyện, trong đó xác định các loại cây dược liệu là chủ lực để thúc đẩy kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân cũng như để giảm nghèo một cách bền vững.

Trên cơ sở đó, UBND huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo về việc bảo tồn, mở rộng phát triển cây dược liệu trên địa bàn huyện như: Kế hoạch số 12/KH-UBND, ngày 3/3/2014 về việc xây dựng và phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của huyện đến năm 2020; Kế hoạch số 63/KH-UBND, ngày 10/9/2014 về việc xây dựng, phát triển cây hồng đẳng sâm trên địa bàn huyện; đồng thời đề ra các giải pháp cụ thể để thúc đẩy kinh tế phát triển; trong đó, tập trung mạnh vào những loại cây trồng là lợi thế, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đặc biệt là với các loại cây dược liệu.

Sâm Ngọc Linh đang được người dân chú trọng phát triển. Ảnh: V.P

 

Huyện cũng đã chủ động triển khai các dự án trồng dưới tán rừng bằng hình thức liên kết giữa doanh nghiệp và nhân dân, hỗ trợ giống để tăng diện tích sâm Ngọc Linh và các loại cây dược liệu như sâm dây, sâm đương quy…; trong đó, vận động nhân dân trồng chuyên canh và xen canh với loại cây trồng khác.

UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của huyện phối hợp cùng UBND các xã tuyên truyền, vận động nhân dân duy trì và chăm sóc diện tích hiện có, nhằm tạo nguồn giống để mở rộng diện tích cho các năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, huyện lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình chính sách để hỗ trợ giống cho nhân dân trồng và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến đầu tư trong việc phát triển, quản lý vùng dược liệu quý trên địa bàn, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch...

Cùng với đó, huyện có những chính sách nhằm phát triển cây dược liệu quý này để giúp người dân. Bằng nguồn vốn sự nghiệp khoa học công nghệ của huyện, đội ngũ cán bộ kỹ thuật Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thu gom quả sâm dây trong tự nhiên, tự ươm giống, xây dựng thành quy trình và trực tiếp cầm tay chỉ việc, hướng dẫn cho người dân và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển.

          Hiện nay các loại cây dược liệu đó đã và đang được nhân dân tập trung phát triển khá mạnh. Trong đó, diện tích sâm Ngọc Linh, sâm dây và sâm đương quy phát triển mạnh nhất. Đến nay, toàn huyện đã phát triển được khoảng gần 300ha sâm Ngọc Linh, trong đó chủ yếu là diện tích của các doanh nghiệp trồng trên địa bàn. Nhân dân trong huyện cũng đã bắt đầu tự trồng được khoảng chục héc ta. Đặc biệt, 2 năm qua, Công ty CP sâm Ngọc Linh đã liên kết với các hộ dân thành lập 7 nhóm hộ ở xã Măng Ri và đã phát triển được khoảng 15ha.

Ngoài ra, diện tích cây sâm dây huyện phát triển cũng được khoảng trên 40ha, trong đó Măng Ri là địa phương phát triển mạnh nhất. HĐND xã Măng Ri đã ban hành nghị quyết phấn đấu mỗi hộ phát triển ít nhất một sào sâm dây.

Đến nay, Măng Ri đang phát triển mạnh loại cây này với tổng diện tích toàn xã khoảng 30ha; mỗi hộ đã có ít nhất từ 0,5 sào đến 1ha. Hầu hết các hộ dân đã tận dụng nương rẫy trồng xen giữa các loại cây trồng khác như cà phê, bời lời, lúa rẫy.

Còn với cây sâm đương quy, huyện đã triển khai trong năm 2015 khoảng 3ha và năm 2016 trồng trên 5ha tại xã Ngọc Lây. Qua đánh giá, trong 2 năm triển khai trên địa bàn xã Ngọc Lây, mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả.

Vì vậy, hiện nay, ở Ngọc Lây, đi đâu mọi người cũng bàn tán về việc hết vụ mùa nhổ mỳ trồng sâm đương quy. Giờ đây, sau, trước các nhà, dọc trên tuyến đường, những mảnh đất nhỏ đã được dân đào xới, khoanh vùng làm luống trồng sâm đương quy.

Điều đáng mừng là Công ty TNHH Thái Hoà đảm bảo bao tiêu tất cả sản phẩm sâm đương quy và cam kết bao tiêu đầu ra với diện tích là 50ha (trong khi hiện mới trồng 5ha). Đây là động lực để người dân phát triển loại cây này để thoát nghèo bền vững.

Đến nay, 20 hộ dân trong xã Ngọc Lây đã liên kết thành lập Hợp tác xã Sâm và Dược liệu Ngọc Lây với các thành viên chủ yếu là người đồng bào dân tộc tại chỗ chuyên trồng sâm đương quy, ngũ vị tử nhằm đảm bảo hình thành vùng chuyên canh cây dược liệu này.

Ngoài ra, hiện người dân Tu Mơ Rông cũng đang trồng cả loại cây ngũ vị tử nhưng chủ yếu trồng xen ở các tán rừng, trên rẫy...

Ông Vương Văn Mười - Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Huyện Tu Mơ Rông đang đề nghị tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cây sâm Ngọc Linh và một số loại cây dược liệu khác dưới tán rừng, nhằm hàng năm dành một phần ngân sách tỉnh cùng với các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia khác để hỗ trợ nguồn lực cho nhân dân như giống sâm Ngọc Linh..., để vừa nâng cao đời sống, vừa bảo vệ thương hiệu cho sâm Ngọc Linh.

Để tiếp tục phát triển các loại cây dược liệu, thời gian tới, huyện Tu Mơ Rông đề ra mục tiêu cụ thể, phấn đấu năm 2017 phát triển diện tích sâm dây trên 53ha và đến năm 2020 đạt 100ha.

Với cây sâm đương quy, năm 2017 phấn đấu trồng mới trên 10ha và đến năm 2020 nâng diện tích lên khoảng 50ha.

Riêng đối với sâm Ngọc Linh, huyện phấn đấu đến năm 2020 đưa tổng diện tích cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện đạt 500ha, trong đó phối hợp với các doanh nghiệp để phát triển 475ha; hỗ trợ nhân dân xây dựng mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và hỗ trợ phát triển 25ha tại địa bàn các xã có khả năng trồng sâm như Đăk Na, Măng Ri, Tê Xăng, Ngọc Lây, Ngọc Yêu, Văn Xuôi, Tu Mơ Rông...

Để đạt được mục tiêu trên, huyện Tu Mơ Rông tiếp tục triển khai các dự án trồng dưới tán rừng bằng hình thức liên kết giữa doanh nghiệp và nhân dân, đầu tư hỗ trợ giống và hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật trồng sâm Ngọc Linh. Đối với cây dược liệu khác như sâm dây, ngũ vị tử, sơn tra, sâm đương quy thì rà soát, quy hoạch quỹ đất, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng chuyên canh hoặc xen canh…

Ông A Hơn - Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Để cây dược liệu trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông phát triển, nhất là sâm Ngọc Linh, huyện đã đề xuất với tỉnh xây dựng đề án bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh; phối hợp với các bộ, ngành xây dựng sản phẩm thương hiệu sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia; đề nghị tỉnh, Chính phủ có chính sách đặc thù thu hút đầu tư, mở rộng diện tích sâm Ngọc Linh; có chính sách hỗ trợ người dân trong vùng quy hoạch trồng để mở rộng diện tích.

Ngoài ra, theo ông Hơn, tỉnh cũng cần có chủ trương, cơ chế, chính sách, cũng như giao đất, cho thuê đất để các hộ gia đình phát triển sâm Ngọc Linh nói riêng, cây dược liệu nói chung và cần cụ thể hóa để huyện triển khai thuận lợi.

Hy vọng, với sự chủ động, giải pháp hợp lý cũng như sự hỗ trợ, quan tâm từ tỉnh, Trung ương, Tu Mơ Rông sẽ phát huy tiềm năng lợi thế, thúc đẩy phát triển mạnh các loại cây dược liệu trên địa bàn để vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa thoát nghèo bền vững... 

Văn Phương

Chuyên mục khác