Tu Mơ Rông: Đồng hành giúp dân khôi phục rừng bị chết

29/11/2022 06:00

Trước tình trạng rừng trồng bị chết, huyện Tu Mơ Rông cam kết sẽ đồng hành giúp dân khôi phục các diện tích này bằng việc huy động nguồn lực để hỗ trợ cây giống cũng như mời chuyên gia đánh giá sâu bệnh trên cây để có biện pháp phòng chống. Tuy nhiên, về lâu dài, huyện mong muốn cần có chính sách hỗ trợ thêm để đảm bảo an sinh cho người dân trong quá trình trồng và chăm sóc, bảo vệ rừng.

Mức hỗ trợ còn thấp

Men theo Quốc lộ 40B để trở lại huyện Tu Mơ Rông, chúng tôi chứng kiến tại đoạn đèo qua xã Đăk Hà, rừng thông trồng phân tán đa phần phát triển tốt, có một số ít cây thì bị vàng, khô. Một tốp người dân xã Đăk Hà thay nhau làm cỏ chống cháy và phun thuốc trị sâu bệnh. Hỏi chuyện, ông Dương Đăng Khoa- Chủ tịch UBND xã Đăk Hà cho biết, tại khu vực trồng rừng phân tán dọc đèo Măng Rơi, hầu hết thông trồng đều phát triển tốt, góp phần tạo cảnh quan 2 bên đường. Vừa qua, xã phát hiện có mấy cây thông bị vàng, tham khảo cán bộ chuyên môn xác định có thể do bị mối. Vì thế, trước mắt, xã cử lực lượng phun thuốc xử lý mối, đồng thời báo cáo UBND huyện. Huyện đã thống nhất sẽ mời các ngành chuyên môn kiểm tra để xử lý dứt điểm.

Ông Khoa cho biết thêm, đối với diện tích hơn 33ha rừng sơn tra trồng tập trung ở Tiểu khu 266 được phát hiện bị chết một phần như Báo Kon Tum phản ánh, từ lúc bắt đầu trồng đến khi phát hiện chết, xã đã hướng dẫn kỹ thuật, tiến hành kiểm tra, giám sát, theo dõi thường xuyên. Khi phát hiện chết từ đầu năm 2022, đơn vị đã ngay lập tức báo cáo lên cấp trên để tìm hướng xử lý.

“Qua tìm hiểu, ở những hộ chưa mặn mà trồng rừng thì tỷ lệ cây chết cao vì họ bỏ bê. Có trường hợp rừng trồng xen trong rẫy mì nên khi bơm thuốc cũng khiến cây chết. Người dân không mặn mà vì mức hỗ trợ trồng rừng còn thấp”, ông Khoa nói.

Người dân đi phun thuốc diệt mối. Ảnh: VP

 

Tại huyện Tu Mơ Rông, ngoài rừng trồng tập trung năm 2021 do các hộ gia đình trồng còn có diện tích rừng trồng khác của Ban Quản lý rừng phòng hộ Tu Mơ Rông. Ông Nguyễn Thành Trung- Phó Ban phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ Tu Mơ Rông cho biết, năm 2021, Ban đã hợp đồng thuê đơn vị chức năng trồng 50,4ha rừng thông tại xã Đăk Tờ Kan với đơn giá 67 triệu đồng/ha rừng trồng được nghiệm thu thành rừng. Thông thường, sau 4 năm trồng, ngành chức năng sẽ nghiệm thu, nếu đạt tiêu chí thì công bố thành rừng. Trong đó, năm đầu tiên, Ban thanh toán cho nhà thầu 30 triệu đồng và sẽ thanh toán chi phí chăm sóc cho các năm tiếp theo. Đến khi nghiệm thu thành rừng, Ban sẽ thanh toán toàn bộ số tiền còn lại cho đơn vị thi công. Ông Trung cũng thừa nhận, đối với diện tích rừng trồng này, quá trình trồng cũng có chết. Ban đã yêu cầu đơn vị thi công trồng dặm. Hiện, diện tích này đã phát triển tốt.

Đánh giá về rừng trồng của Ban phát triển tốt, ông Trung cho hay: “Việc trồng rừng trải qua thời gian dài, tốn nhiều công như tiền mua cây giống, phân bón, nhân công chăm sóc, phát dọn thực bì, cuốc hố, bón phân. Đến khi trồng lên thì trải qua thời gian dài để chăm sóc. Do đó, khi mức hỗ trợ trồng rừng cao thì người ta có đủ điều kiện chăm sóc rừng trồng tốt hơn”.

Không bỏ rơi người dân trồng rừng

Ông Võ Trung Mạnh- Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, rừng trồng tập trung của dân bị chết chỉ mới diễn ra ở diện tích trồng năm 2021, còn diện tích trồng trong năm 2022 thì chưa phát hiện. Đối với diện tích rừng trồng bị chết mà Báo Kon Tum phản ánh, ngay từ khi trồng, huyện đã quan tâm từ khâu chọn cây trồng rừng đến giám sát việc sinh trưởng với mong muốn làm sao rừng trồng phát triển tốt, nâng độ che phủ rừng, qua đó, giúp dân hưởng lợi bền vững từ rừng. 2 loại cây giống đang dùng để trồng rừng là sơn tra và thông vì loại cây này một phần phù hợp với thổ nhưỡng, còn sơn tra là đa mục tiêu, có giá trị cao. Thực tế, quả của cây sơn tra trên địa bàn được khách hàng ở các tỉnh, thành phố ưa chuộng, đặt mua rất nhiều, có lúc “cháy” hàng.

Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện, ngoài sơn tra và thông, tới đây, huyện vận động nhân dân liên kết triển khai trồng loại cây Màng Tang (Tiêu rừng). Đây là cây tự nhiên đa mục tiêu có giá trị cao. Nếu không trồng và khoanh nuôi tái sinh thì loại cây này sẽ bị tận diệt, trong khi nhiều hợp tác xã và các công ty đã đặt nhà máy và cam kết bao tiêu cho dân, nên không lo tắc đầu ra.

Cây sơn tra trồng bị chết. Ảnh: VP

 

“Việc cây trồng rừng bị chết ở một số nơi là điều không mong muốn vì nhiều lý do, trong đó, có việc mức hỗ trợ thấp nên người dân bỏ bê, không đầu tư chăm sóc. Đáng nói, rừng trồng muốn thành rừng thì mất nhiều năm và nhiều công chăm sóc. Khi cây chết, tâm lý dân chán nản, muốn bỏ vì không biết lấy tiền đâu để trồng dặm, phục hồi. Hiểu được tâm lý này nên huyện đã cử cán bộ xuống tuyên truyền vận động và cam kết sẽ đồng hành cùng dân trong việc khôi phục diện tích bị chết. Huyện đã huy động nguồn giống để giúp dân trồng dặm. Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum đã hỗ trợ cây thông và số cây này sẽ sớm cấp phát cho dân trồng. Huyện khẳng định sẽ không để dân tự bơi trên diện tích bị chết này”- ông Mạnh cho hay.

Ông Mạnh cho biết thêm, việc kiếm nguồn giống hỗ trợ dân trồng dặm chỉ là cách xử lý phần ngọn. Cốt lõi và gốc rễ của vấn đề vẫn nằm ở việc mức hỗ trợ cho dân trồng rừng quá thấp. Ông dẫn chứng, mức hỗ trợ hiện nay đối với các hộ gia đình trồng rừng chỉ tối ta 10 triệu đồng/ha. Trong khi đó, đối với cây sơn tra, mật độ trồng của 1ha là 1.660 cây. Đối chiếu với đơn giá cây giống thì tiền hỗ trợ này chỉ đủ mua cây giống, phân bón. Nếu trồng lên mà chết thì dân sẽ không biết lấy gì để trồng dặm. Quá trình chăm sóc phải kéo dài nhiều năm. Trong thời gian đó, bà con phải tốn công chăm sóc, công phát dọn thực bì, làm công tác phòng cháy chữa cháy.

“Để người dân tự nguyện bỏ rẫy để trồng rừng thì cần nâng cao mức hỗ trợ và đảm bảo an sinh cho họ. Đây là vấn để cốt lõi để diện tích rừng tồn tại lâu dài. Ngoài ra, cũng cần linh hoạt hỗ trợ người dân có nhu cầu đăng ký trồng rừng trên diện tích đất nông nghiệp bạc màu mà không thể canh tác cây nông nghiệp khác. Một vấn đề quan trọng khác là cần nâng mức khoán dịch vụ môi trường rừng; có cơ chế để người dân hưởng lợi từ cánh rừng mình đang bảo vệ như được trồng, liên kết trồng dược liệu, khai thác lâm sản phụ, khai thác bán cho Nhà nước những cây gỗ hết vòng đời sinh trưởng... Khi đó người dân thực sự là chủ cánh rừng, khó có ai xâm phạm đến rừng. Vì lẽ đó, UBND huyện đã báo cáo thực trạng, cũng như những tồn tại, qua đó, kiến nghị UBND tỉnh có ý kiến với cấp thẩm quyền nâng mức hỗ trợ trồng rừng cho người dân. Hiện, người dân mong muốn kiến nghị sẽ được lắng nghe. Khi đó, bà con sẽ có đủ nguồn lực để chuyên tâm trồng rừng, giúp họ thực sự hưởng lợi từ những cánh rừng xanh tươi”- ông Mạnh nói thêm.

Văn Phương

Chuyên mục khác