Tu Mơ Rông: Đẩy nhanh giải ngân các nguồn vốn đầu tư

10/11/2022 13:08

Xác định việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 2022 có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, huyện Tu Mơ Rông tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, hoàn thành việc giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch đề ra.

Tổng kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2022 cho huyện Tu Mơ Rông là 14.906 triệu đồng. Tính đến cuối tháng 10/2022, đã thực hiện giải ngân được 11.723 triệu đồng, đạt 79% so với kế hoạch vốn.

Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, tổng dự toán ngân sách Trung ương năm 2022 (đã bao gồm vốn kế hoạch năm 2021 được chuyển nguồn sang năm 2022) đã giao các phòng ban và địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia là 163.346 triệu đồng vốn đầu tư phát triển 138.921 triệu đồng và vốn sự nghiệp 24.425 triệu đồng. Tính đến cuối tháng 10, đã thực hiện giải ngân 16.803 triệu đồng, đạt 12% trên tổng kế hoạch vốn.

Tu Mơ Rông chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình xây dựng cơ bản. Ảnh: V.P

 

Để đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân kế hoạch vốn, nhìn chung, các đơn vị chủ đầu tư trên địa bàn huyện đã chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định canh, tái định cư, đấu thầu và quá trình triển khai thực hiện dự án. Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, các đơn vị, địa phương trên địa bàn đang khẩn trương hoàn thành các thủ tục phê duyệt dự án, dự toán chi tiết, đồng thời xây dựng lộ trình triển khai kế hoạch vốn ngân sách Trung ương, phấn đấu thực hiện giải ngân kế hoạch vốn với tỷ lệ cao nhất, dự kiến đến ngày 31/1/2023 giải ngân hết nguồn vốn theo niên độ ngân sách.

Theo báo cáo của UBND huyện Tu Mơ Rông, việc giải ngân vốn đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện trong các tháng đầu năm còn chậm. Nguyên nhân là do giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao, khiến một số nhà thầu bị động trong công tác chuẩn bị đầu tư, có xu hướng thi công cầm chừng, chờ được điều chỉnh đơn giá. Bên cạnh đó, đặc thù của hoạt động đầu tư, việc giải ngân đòi hỏi phải có một quá trình tích lũy giá trị khối lượng thực hiện mới có thể thực hiện các thủ tục giải ngân, do đó tỷ lệ giải ngân những tháng đầu năm thường thấp và xu hướng sẽ tăng vào những tháng cuối năm.

Các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình kè suối Đăk Ter. Ảnh: VP

 

Cùng với đó, qua tìm hiểu được biết, do năm nay Trung ương giao kế hoạch vốn ngân sách chậm so với thời hạn lập dự toán ngân sách nhà nước hằng năm nên địa phương khó cân đối xác định nguồn lực đối ứng từ ngân sách địa phương, huy động nguồn lực hợp pháp để thực hiện các chương trình. Một số thông tư hướng dẫn thực hiện các chương trình, hướng dẫn tổ chức thực hiện nội dung, dự án, tiểu dự án thành phần của các chương trình chưa được bộ, ngành Trung ương ban hành đầy đủ, dẫn đến các đơn vị, địa phương không đủ cơ sở để tổ chức thực hiện và giải ngân vốn của các chương trình. Chẳng hạn như nội dung phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân thì hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa hướng dẫn quy trình, phương thức hỗ trợ; nội dung đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng DTTS, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chưa ban hành hướng dẫn thực hiện. Đối với Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS và miền núi, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội chưa có hướng dẫn tổ chức thực hiện. Mặt khác, hiện nay, do chưa có định mức hỗ trợ đầu tư sử dụng ngân sách trung ương đối với một số nội dung giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất và chưa ban hành quy định mức bình quân diện tích đất sản xuất để làm cơ sở xác định hộ thiếu đất sản xuất... khiến địa phương chưa có cơ sở triển khai thực hiện.

Để phấn đấu đến ngày 31/1/2023 giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 đảm bảo đạt 100%. Kế hoạch theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, huyện chỉ đạo các đơn vị chủ đầu tư tổ chức thi công, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình. “Trong thời gian tới, huyện chỉ đạo đối với các dự án đã có khối lượng khẩn trương nghiệm thu khối lượng hoàn thành, hoàn thiện hồ sơ trong thời gian quy định để làm thủ tục thanh toán. Bên cạnh đó, quan tâm tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công. Kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án không có hiệu quả, chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có hiệu quả, có nhu cầu bổ sung vốn để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng”- ông Võ Trung Mạnh - Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh.       

Văn Phương

Chuyên mục khác