Tu Mơ Rông chủ động ứng phó thiên tai

25/07/2020 05:54

Tu Mơ Rông là huyện thường xuyên chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, nhất là vào mùa mưa bão. Hằng năm, huyện Tu Mơ Rông luôn chủ động đưa ra các phương án, kế hoạch ứng phó với thiên tai nhằm hạn chế thấp nhất các thiệt hại về vật chất, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

Do vị trí địa lý, địa hình phức tạp với đồi, núi cao, bị chia cắt mạnh bởi 3 con sông lớn và nhiều khe suối nhỏ xen kẽ giữa các dãy núi cao, có độ dốc dòng chảy lớn; có khí hậu khắc nghiệt, mùa mưa bắt đầu sớm và kéo dài, Tu Mơ Rông thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, với những hậu quả nghiêm trọng.

Đơn cử như năm 2018, bão lũ xảy ra trên địa bàn Tu Mơ Rông gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Trong đó, 9 công trình thủy lợi trên địa bàn bị hư hỏng nặng; 6 cầu treo, 2 cầu tràn bị sạt lở, cuốn trôi; 6 căn nhà bị sạt lở; 14 ha cây trồng bị ảnh hưởng nặng; 154 con gia súc bị chết và gần 200 hộ ở 3 xã Tu Mơ Rông, Đăk Rơ Ông và Tê Xăng phải di dời khẩn cấp ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.

Năm 2019, trên địa bàn huyện có 2 căn nhà bị tốc mái, 6/11 xã bị thiệt hại về giao thông, 78 con gia súc bị chết, 0,7 ha cây trồng bị ảnh hưởng...

Chưa đến mùa mưa nhưng một số điểm trên tuyến đường đèo từ xã Ngọc Linh (huyện Đăk Glei) về xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông) đã bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: V.T

 

Với mục tiêu hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra, cũng như mọi năm, ngay từ đầu năm 2020, huyện Tu Mơ Rông đã xây dựng kế hoạch, đưa ra các phương án nhằm chủ động ứng phó với thiên tai.

Theo đó, UBND huyện chỉ đạo các xã rà soát các khu vực trọng điểm xung yếu, công trình có nguy cơ bị ảnh hưởng. Qua rà soát có 72 công trình giao thông có nguy cơ ảnh hưởng do lũ quét và sạt lở (trong đó có 31 công trình có nguy cơ ảnh hưởng bởi lũ quét, 41 công trình có nguy cơ ảnh hưởng bởi sạt lở đất); 47 công trình thủy lợi có nguy cơ vỡ đập; 31 điểm dân cư có nguy cơ ảnh hưởng do sạt lở; 14 điểm trường học có nguy cơ ảnh hương do lũ quét và sạt lở; 10 trụ sở cơ quan có nguy cơ sạt lở và 24 khu sản xuất của người dân có nguy cơ ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất.

Trên cơ sở đó, UBND huyện chỉ đạo các địa phương, đơn vị xây dựng phương án chủ động ứng phó chi tiết theo phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “ba sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả); xây dựng các phương án đảm bảo thông tin liên lạc trong mọi tình huống với Sở Giao thông Vận tải, UBND huyện, Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện...

Về nhân lực, huyện và từng xã xây dựng kế hoạch cụ thể chuẩn bị lực lượng xung kích sẵn sàng triển khai các hoạt động chủ động ngăn ngừa hoặc khắc phục hậu quả khi xảy ra thiên tai. Đối với cấp huyện, Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn có 23 người, lực lượng xung kích 338 người. Tại các xã, lực lượng Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn có 261 người, thanh niên xung kích 418 người, tự vệ địa phương 232  người, công an viên 113 người và lực lượng y tế xã 106 người.

Ngoài những lực lượng trên, nếu tình hình phức tạp, UBND huyện sẽ huy động thêm các lực lượng khác (công nhân viên chức, giáo viên, công nhân xây dựng…) hiện đang công tác trên địa bàn huyện và toàn bộ người dân tham gia vào công tác phòng chống thiên tai.

Huyện Tu Mơ Rông đang đẩy nhanh tiến độ thi công mương thoát nước ở đèo Văn Rơi. Ảnh: V.T

 

Cùng với việc chuẩn bị nguồn nhân lực, huyện Tu Mơ Rông đầu tư nguồn vật tư dự phòng cho công tác phòng chống thiên tai. Từ đầu năm đến nay, huyện đã dự trữ 947 rọ đá, 17 bộ nhà bạt, 203 chiếc phao cứu sinh, 204 chiếc phao tròn và một số vật tư thiết bị khác. Toàn bộ số vật tư được bảo quản tại Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện và UBND các xã.

Về phương tiện để ứng phó với thiên tai, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn huyện dự kiến sẽ huy động các phương tiện vận tải của các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp trên địa bàn. Tổng số các phương tiện tại chỗ mà huyện có thể huy động được là 65 xe ô tô các loại.

Về nguồn hậu cần tại chỗ, UBND các xã đã vận động người dân dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết. Theo đó, người dân dự trữ tại các thôn, làng 48 tấn gạo, 35,747 tấn lúa và các nhu yếu phẩm.

UBND huyện Tu Mơ Rông cũng chỉ đạo các xã lên phương án ứng phó khi xảy ra lũ quét, như cắm biển báo hướng dẫn, phân luồng xe lưu thông, kiên quyết không cho người, phương tiện qua lại các địa điểm trọng điểm có lũ quét, sạt lở đất xảy ra; làm đường tạm, cầu tạm… khi không thể khắc phục ngay được các tuyến đường bị ảnh hưởng, tránh trường hợp để các thôn bị cô lập.

Trụ sở UBND xã Tu Mơ Rông đang được gấp rút xây dựng để thay thế trụ sở cũ bị lún, nứt do ảnh hưởng của sạt lở đất. Ảnh: VT

 

Đối với các sự cố lớn xảy ra trên các tuyến đường liên xã (tuyến đường xã Tu Mơ Rông – Ngọc Yêu, đường đi 4 xã phía Tây, đường tránh đèo Văn Rơi) là những tuyến đường quan trọng, cần khắc phục càng sớm càng tốt, Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện dự kiến huy động các phương tiện của các doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn để tiến hành khắc phục.

Song song với đó, UBND huyện chỉ đạo các ngành liên quan, các địa phương tổ chức khai thác vận hành hợp lý các hồ chứa thủy lợi, không để ảnh hưởng đến các hộ dân. Theo đó, khi xảy ra mưa lớn, lũ, Trạm Thủy nông cắt cử lực lượng ứng trực 24/24h tại các công trình, thường xuyên báo thông tin mực nước hồ về cho lãnh đạo Trạm, Ban quản lý khai thác công trình thủy lợi Kon Tum và UBND huyện để kịp thời nắm bắt tình hình, đưa ra các phương án khắc phục.

Tìm hiểu thực tế về công tác phòng chống thiên tai ở xã Tu Mơ Rông (huyện Tu Mơ Rông), chúng tôi nhận thấy chính quyền địa phương có sự chuẩn bị chu đáo, luôn sẵn sàng ứng phó với thiên tai. Xã Tu Mơ Rông đã xây dựng kế hoạch chi tiết, phân công, phân nhiệm rõ từng thành viên trong Ban Chỉ huy; có kế hoạch chuẩn bị vật tư dự phòng, huy động nhân lực tại chỗ sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra.

Bà Y Liễu – Chủ tịch UBND xã Tu Mơ Rông cho biết: Xã đã triển khai công tác rà soát, kiểm tra các hộ dân, các địa điểm xung yếu dễ bị ảnh hưởng do lũ quét, sạt lở; chuẩn bị lực lượng xung kích tại địa phương gần 100 người, chuẩn bị 30 áo cứu sinh, 21 phao cứu sinh, 4.500 dây cứu sinh, 1 máy phát điện, 11 bộ đàm, 90 rọ đá và các vật tư khác...

Với sự chủ động xây dựng kế hoạch, phương án chi tiết ứng phó với thiên tai hi vọng huyện Tu Mơ Rông sẽ hạn chế thấp nhất những hậu quả, thiệt hại do thiên tai gây ra.      

Văn Tùng

Chuyên mục khác