19/03/2022 06:13
Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tu Mơ Rông hiện đang quản lý 15.123,61ha thuộc địa bàn 7 xã: Tu Mơ Rông, Ngọc Yêu, Đăk Tờ Kan, Đăk Rơ Ông, Tê Xăng, Đăk Sao và Đăk Na. Trong đó, có 13.301,47ha có rừng (gồm rừng lá rộng, rừng tre nứa và rừng hỗn giao gỗ-tre nứa); 128,57ha rừng trồng và 1.693,57ha chưa có rừng.
Bước vào mùa khô 2021-2022, lãnh đạo Ban quản lý đã chỉ đạo bộ phận nghiệp vụ và các trạm quản lý địa bàn vận động người dân tại 29 thôn, làng trên diện tích lâm phần quản lý thực hiện ký cam kết quản lý bảo vệ rừng và PCCCR; tổ chức 163 cuộc tuyên truyền về quản lý bảo vệ rừng và PCCCR cho 8.112 người dân; hướng dẫn người dân kỹ thuật phát, đốt, dọn rẫy và tham gia, phối hợp cùng người dân triển khai đốt rẫy; đồng thời, tổ chức tu sửa và làm mới các công trình phòng cháy.
Hiện tại, trên diện tích lâm phần của Ban có 22 bảng tuyên truyền cố định, 8 bảng cấp dự báo cháy rừng, 6 chòi canh lửa, 1.504 bảng cấm chặt phá rừng, 952 bảng tam giác cấm lửa. Về con người và phương tiện phục vụ công tác PCCCR, Ban quản lý có gần 60 người, 1 xe ô tô, hàng chục chiếc xe máy, 4 cưa xăng, máy cắt cỏ và hơn 130 cái cuốc, xẻng, dao, cào cỏ, bàn đập.
Trong các tháng mùa khô, cao điểm của cháy rừng, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tu Mơ Rông đã chỉ đạo các trạm quản lý địa bàn thực hiện nghiêm việc phân công trực chỉ huy, trực PCCCR 24/24h tại các địa bàn; thực hiện tốt công tác chăm sóc, phát dọn thực bì, làm giảm nguồn vật liệu cháy tại khu vực rừng trồng và phân công lực lượng tuần tra, kiểm tra thường xuyên những khu vực trọng điểm dễ cháy rừng, nhằm phát hiện và có biện pháp ứng phó kịp thời nếu có cháy rừng xảy ra.
Ông Trần Văn Tuất - Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tu Mơ Rông cho biết, ngoài triển khai thực hiện các giải pháp PCCCR theo phương án đã xây dựng, đơn vị còn chủ động tu bổ các tuyến đường ranh tránh lửa để hạn chế thấp nhất việc cháy rừng xảy ra trên diện rộng.
Ông Tuất cũng chia sẻ những khó khăn trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng của đơn vị, đó là không xây dựng được bể chứa nước vì diện tích lâm phần quản lý hầu hết có địa hình đồi núi dốc cao và vực sâu; một số chòi canh lửa bị hư hỏng, xuống cấp; người dân trên địa bàn chủ yếu sống bằng việc làm rẫy nên vào đầu mùa khô tổ chức rất nhiều hoạt động phát dọn, đốt rẫy, đặc biệt là thời điểm sau Tết Nguyên đán nên nguy cơ xảy ra cháy rất cao.
Khắc phục mọi khó khăn, trong những năm qua, cán bộ, nhân viên của Ban đã thực hiện đúng theo hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên và chính quyền địa phương về công tác PCCCR nên chưa để xảy ra vụ cháy rừng lớn nào, chỉ xuất hiện đám cháy nhỏ nhưng đều được các lực lượng, người dân phát hiện và chữa cháy kịp thời không gây ảnh hưởng lớn đến rừng.
|
Chị Y Thu - Trưởng nhóm hộ dân tham gia nhận khoán bảo vệ rừng cho Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tu Mơ Rông ở thôn Tu Mơ Rông (xã Tu Mơ Rông) cho hay, ngoài phối hợp tham gia tuần tra rừng cùng cán bộ của Ban quản lý, chị còn phân công nhiệm vụ cho các hộ dân khác trong nhóm, đảm bảo mỗi tuần đều có 2-3 hộ dân tham gia tuần tra rừng; đồng thời, tuyên truyền các hộ dân phát dọn, đốt rẫy cẩn thận không để cháy lan vào rừng và chuẩn bị sẵn các thùng đựng nước, công cụ chữa cháy để tham gia chữa cháy rừng nếu xảy ra cháy.
Ông Võ Minh Văn - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tu Mơ Rông cho biết, mùa khô 2021-2022, Hạt Kiểm lâm huyện đã tham mưu cho UBND huyện ban hành văn bản hướng dẫn công tác phòng cháy chữa cháy và phát triển rừng đến các xã và chủ rừng trên địa bàn huyện. Nhìn chung, qua đợt kiểm tra lần thứ 1, các đơn vị chủ rừng đã triển khai thực hiện theo đúng phương án phòng cháy chữa cháy rừng đã được phê duyệt.
Cũng theo ông Văn, trong tháng 3 này, Hạt Kiểm lâm huyện sẽ tham mưu UBND huyện ban hành Kế hoạch kiểm tra đợt 2 đối với việc thực hiện các phương án phòng cháy chữa cháy rừng đã được phê duyệt đối với tất cả các xã và chủ rừng trên địa bàn huyện. Đồng thời, đôn đốc các đơn vị, địa phương thực hiện tốt các nội dung đã đề ra trong các phương án PCCCR và cố gắng không để xảy ra cháy rừng, bảo vệ tốt tài nguyên rừng trên địa bàn.
Đức Thành