Tư duy hợp tác

05/11/2022 13:26

Phát triển hợp tác xã, xét cho cùng, không phải “góp công góp của” của nhiều người thành “của chung”, mà là tạo ra sức mạnh đa chiều từ tinh thần hợp tác. Hay đúng hơn, không có tinh thần hợp tác thì không có hợp tác xã, mà muốn hợp tác xã thành công thì phải có tư duy, tinh thần hợp tác.

Đôi khi, trong câu chuyện bên mâm cơm của gia đình ông Việt, một nông dân ở huyện Đăk Hà, mọi người bàn về việc cô con gái út tham gia hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao.

Đó là một hướng đi tốt, rất có triển vọng. Quan trọng là khai thác hiệu quả diện tích cà phê nhà mình- cô con gái nhấn mạnh. Mọi người đồng tình, kể cả ông Việt.

Cũng có lúc, cụm từ hợp tác xã dấy lên trong lòng ông Việt hoài niệm về một thời bao cấp, với những ngày ông tham gia hợp tác xã ở quê nhà, cách đây mấy chục năm.

Đó là một khoảng ký ức nhiều màu sắc, có vui có buồn. Như đa số nông dân khác, ông gia nhập hợp tác xã. Kiểu “làm chung ăn riêng”, hàng ngày “đánh kẻng đi làm, ăn công điểm” làm cho mọi người không mấy thiết tha với sản xuất.

Cần làm cho người dân hiểu hợp tác xã tạo ra sức mạnh đa chiều từ tinh thần hợp tác. Ảnh: H.L

 

Từ năm 1987, khi cơ chế quản lý tập trung bao cấp từng bước được xóa bỏ, cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước được hình thành, như phần lớn hợp tác xã lúc bấy giờ, hợp tác xã của ông “chết lâm sàng”, đời sống xã viên hết sức chật vật.

Năm 1990, ông đưa vợ con vào lập nghiệp ở Kon Tum, nơi ông từng đóng quân suốt quãng đời quân ngũ. Nhiều năm nỗ lực, gia đình ông chưa nói là giàu, nhưng cũng có thể gọi là khá giả, con cái học hành nên người.

Nhưng ký ức không đẹp về hợp tác xã vẫn còn trong tâm trí ông. Bởi vậy, thời gian đầu, khi nghe cô con gái út muốn góp vốn vào hợp tác xã nông nghiệp bằng diện tích cà phê của gia đình, ông rất băn khoăn.

Cô con gái cố gắng thuyết phục bố. Cô giải thích cho ông hay, hợp tác xã bây giờ hoạt động theo hình thức liên kết, được quản lý bằng pháp luật, trên cơ sở thỏa thuận tự nguyện.

Quan trọng nhất là hoạt động của hợp tác xã bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi và quản lý dân chủ, dựa trên sở hữu của các thành viên chứ không phải là mô hình kinh tế nhà nước kiểu “đánh kẻng, ăn công điểm” như trước đây đâu- cô nói.

Đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, lan tỏa tư duy mới về hợp tác xã. Ảnh: HL

 

Cô còn dẫn bố đi tham quan hợp tác xã mà cô muốn tham gia; chỉ cho ông thấy diện tích cà phê rộng hơn 200ha hình thành từ sự liên kết của các thành viên, được chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ VietGap, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất; sản phẩm chế biến được kiểm soát chặt chẽ về vệ sinh an toàn thực phẩm, đạt chất lượng cao nhất.

Dưới sự thuyết phục của cô con gái và cả nhà, ông Việt cũng gạt qua nỗi lo ngại, gật đầu. Thật ra, cũng chỉ vì ông hiểu chưa đúng về hợp tác xã kiểu mới, vẫn có định kiến hợp tác xã là mô hình kinh tế tập trung, như thời bao cấp mà thôi.

Ông nhận ra, vẫn gọi là hợp tác xã, nhưng hợp tác xã thời ông với hợp tác xã của con gái ông bây giờ mang bản chất và diện mạo khác nhau lắm.

Từ câu chuyện của gia đình ông Việt, có thể thấy, vẫn còn tồn tại cách nhìn cũ, tư duy cũ về hợp tác xã, như một định kiến. Và tư duy cũ ấy có ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển hợp tác xã ở khu vực nông thôn.

Theo số liệu thống kê mới nhất của UBND tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có 221 hợp tác xã và 1 liên hiệp hợp tác xã (lĩnh vực nông, lâm nghiệp chiếm đại đa số, với 157 hợp tác xã), trong đó có 174 HTX đang hoạt động, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho hơn 10 nghìn thành viên.

Tuy nhiên, trong đó có 1 liên hiệp hợp tác xã và 46 hợp tác xã ngưng hoạt động; không ít hợp tác xã yếu kém, hoặc ở mức duy trì hoạt động.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó, theo UBND tỉnh, có nguyên nhân đến từ tư duy, nhận thức của các cấp, các ngành về bản chất, vai trò của hợp tác xã chưa đầy đủ. Đặc biệt, bộ phận không nhỏ người dân còn chưa thay đổi tư duy về hợp tác xã kiểu cũ, dẫn đến sự băn khoăn, lo ngại khi được vận động tham gia.

Chương trình số 41-CTr/TU ngày 7/10/2022 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới xác định, đến năm 2030, tỉnh ta phấn đấu thành lập mới khoảng 150 hợp tác xã, 5 liên hiệp hợp tác xã; đảm bảo hoạt động ổn định, hiệu quả.

Ít nhất 50% hợp tác xã tham gia liên kết theo chuỗi giá trị; trên 12% hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng.

Lấy hợp tác xã nông nghiệp làm trung tâm để có chính sách đầu tư phù hợp. Ảnh: HL

 

Để thực hiện đạt và vượt các mục tiêu trên, việc tiếp tục tuyên truyền, thay đổi nhận thức, lan tỏa tư duy mới về hợp tác xã là hết sức cần thiết.

Trong đó, cấp ủy, chính quyền cần tiếp tục nâng cao vai trò quản lý nhà nước về kinh tế tập thể. Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tập thể, lấy hợp tác xã nông nghiệp làm trung tâm để có chính sách đầu tư phù hợp.

Khuyến khích hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ cao vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Hỗ trợ tiếp cận vốn tín dụng, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh, nhất là hạ tầng logictics.

Về phía hợp tác xã, cũng cần thay đổi tư duy liên kết, không chỉ liên kết với người dân, mà còn tự liên kết với nhau, bắt tay nhau cùng làm; liên kết với các doanh nghiệp về vốn, công nghệ để tạo  chuỗi sản suất, tiêu thụ bền vững.

Và cuối cùng, không nên coi nhẹ việc thay đổi tư duy về hợp tác xã trong người dân. Cần làm cho người dân hiểu hợp tác xã không phải là “góp công góp của” của nhiều người thành “của chung”, mà là tạo ra sức mạnh đa chiều từ tinh thần hợp tác. Hay đúng hơn, không có tinh thần hợp tác thì không có hợp tác xã, mà muốn hợp tác xã thành công thì phải có tư duy, tinh thần hợp tác.     

Hồng Lam

Chuyên mục khác