24/07/2023 13:04
Vụ việc Công ty CP Tập đoàn y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam (thành phố Hà Nội) trồng sâm Ngọc Linh “trên giấy” được báo chí phát hiện, phản ánh tháng 1/2023.
Khi ấy, Công ty CP Rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum- một thành viên của Công ty CP Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam- công bố sở hữu vườn sâm Ngọc Linh “khủng”, với diện tích lên tới 600ha, được trồng trên đỉnh núi Ngọc Linh.
Ngay sau đó, chính quyền huyện Tu Mơ Rông đã lên tiếng phản bác thông tin trên. “Doanh nghiệp này không liên kết trồng sâm với người dân trên địa bàn huyện- ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông khẳng định.
Mặt khác, Công ty CP Rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum chỉ mới đang triển khai nuôi cấy mô (được 4 năm), vừa được bàn giao hơn 24,4ha vào cuối tháng 10/2022 để liên kết thí điểm đưa cây sâm giống nuôi cấy mô ra ngoài thực địa tại huyện Tu Mơ Rông.
Dù vậy, cho đến nay, chưa có công bố nào cho thấy dự án nuôi cấy mô giống sâm Ngọc Linh có thành công hay không.
|
Những tưởng sự việc đã được giải quyết, thì mới đây một “bí mật” lại hé lộ: Công ty CP Tập đoàn y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam sử dụng văn bản (bản sao) được UBND huyện Tu Mơ Rông xác nhận, cung cấp cho Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đăng ký công bố sản phẩm bảo vệ sức khỏe.
Để làm cơ sở giải quyết, Cục An toàn thực phẩm có văn bản đề nghị UBND huyện Tu Mơ Rông xác minh giấy xác nhận “Sản xuất giống, trồng, bảo vệ, bảo tồn và khai thác cây sâm Ngọc Linh” trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông cho Công ty CP Rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum có còn hiệu lực hay không và đã thu hồi chưa.
Trả lời văn bản trên, UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, tháng 5/2022, Công ty CP Rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum có văn bản xin xác nhận đơn vị này đã và đang sản xuất giống, trồng, bảo vệ, bảo tồn và khai thác cây sâm Ngọc Linh tại địa bàn.
Một phó chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông đã ký xác nhận văn bản trên. Sau đó, qua rà soát, UBND huyện Tu Mơ Rông xác định giấy xác nhận này có nội dung chưa phù hợp với thực tế, quy trình xử lý chưa đảm bảo.
UBND huyện Tu Mơ Rông đã hủy bỏ giấy xác nhận nêu trên; yêu cầu cá nhân ký xác nhận cho Công ty CP Rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum báo cáo giải trình và kiểm điểm trách nhiệm.
Rất may là vụ việc đã được làm rõ. Nhưng câu hỏi đặt ra là, nếu như, bằng cách nào đó, hồ sơ đăng ký công bố sản phẩm bảo vệ sức khỏe của Công ty CP Tập đoàn y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam, với bản sao giấy xác nhận đã bị hủy bỏ kia, lọt qua được “cửa” của Cục An toàn thực phẩm thì điều gì sẽ xảy ra?
Hiển nhiên là doanh nghiệp sẽ thu lợi; người tiêu dùng bị “móc túi” vì tin tưởng vào thương hiệu sâm Ngọc Linh và xác nhận của chính quyền địa phương, chưa kể có thể dẫn đến những ảnh hưởng về sức khỏe.
Nhưng thiệt hại nặng nề nhất là thương hiệu sâm Ngọc Linh. Khi uy tín của “quốc bảo” và địa phương- nơi có chỉ dẫn địa lý Sâm Ngọc Linh- đứng trước nguy cơ sụt giảm nghiêm trọng.
Cũng từ vụ việc trên cho cho thấy, những hành vi trục lợi từ thương hiệu sâm Ngọc Linh đang từ đơn giản (rao bán công khai, trực tiếp trên thị trường, trên mạng xã hội, truyền miệng) sang phức tạp, tinh vi hơn, không chỉ với sâm củ, mà còn với các sản phẩm chế biến sâu.
Cho đến nay, vẫn chưa có một nghiên cứu, đánh giá nào bài bản, quy mô về tình trạng xâm hại chỉ dẫn địa lý, thương hiệu sâm Ngọc Linh, nhưng có thể khẳng định, hiện tượng giả sâm Ngọc Linh đang ngày càng phổ biến và khó kiểm soát.
Không thể thống kê hết những cá nhân, nhóm người mua bán “sâm Ngọc Linh” trên thị trường và mạng xã hội. Cũng không thể biết có bao nhiêu cá nhân, nhóm người, thậm chí là tổ chức, doanh nghiệp làm ăn không đàng hoàng đã và đang trục lợi từ thương hiệu sâm Ngọc Linh.
Trong thời gian qua, các cấp chính quyền và các lực lượng chức năng tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp, chế tài để tăng cường công tác quản lý chất lượng sâm Ngọc Linh, kiểm soát tình trạng sâm Ngọc Linh giả trôi nổi trên thị trường. Tuy nhiên thực tế cho thấy hiệu quả đem lại chưa cao.
Tình hình đó không chỉ làm cho các doanh nghiệp và người dân đang ươm tạo, phát triển và bảo tồn nguồn dược liệu quý lo lắng, mà còn gây ảnh hưởng rất lớn đến sản phẩm quốc gia, thương hiệu sâm Ngọc Linh.
Vì vậy, chính quyền các cấp và ngành chức năng cần triển khai quyết liệt hơn các biện pháp, chế tài trong quản lý chất lượng sâm Ngọc Linh, kiểm soát tình trạng sâm Ngọc Linh giả trôi nổi trên thị trường.
Trong đó, tăng cường quản lý nguồn gốc, tiêu chuẩn sâm giống Ngọc Linh; kiểm tra, xử lý nghiêm cơ sở sản xuất, kinh doanh sâm giống, sâm củ Ngọc Linh không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng theo quy định.
Sớm đưa hệ thống kiểm định, phân biệt sâm Ngọc Linh thật-giả vào hoạt động. Tổ chức thông tin rộng rãi để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước biết ở tỉnh đã trang bị máy móc, thiết bị và làm chủ quy trình kỹ thuật; đủ năng lực và điều kiện cung cấp dịch vụ xét nghiệm, kiểm định để xác định sâm Ngọc Linh thật hay giả cho mọi đối tượng khách hàng.
Chính quyền địa phương và ngành chức năng cần cẩn trọng khi xác nhận các giấy tờ có liên quan đến sản xuất giống, trồng, bảo vệ, bảo tồn và khai thác cây sâm Ngọc Linh tại địa bàn.
Bài học một phó chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông bị kiểm điểm vì ký văn bản xác nhận cho Công ty CP Rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum đã và đang sản xuất giống, trồng, bảo vệ, bảo tồn và khai thác cây sâm Ngọc Linh tại địa bàn vẫn còn nguyên giá trị.
Hồng Lam