Trồng và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh

25/05/2024 13:15

Sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU (ngày 19/5/2022) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, việc triển khai đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh bước đầu đạt được những kết quả tích cực.

Để thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 2232/KH-UBND (ngày 13/7/2022) nhằm cụ thể các chỉ tiêu, nhiệm vụ; xây dựng đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến 2030 phấn đấu sớm đưa tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025; nâng tầm vị thế thương hiệu sản phẩm sâm Ngọc Linh Kon Tum tại thị trường trong nước và quốc tế.

Các ngành, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về chủ trương, chính sách đầu tư, phát triển dược liệu của tỉnh. Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các ngành có liên quan chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch đảm bảo thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao; tham mưu UBND tỉnh giao chỉ tiêu kế hoạch về dược liệu phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai các giải pháp mở rộng, phát triển vùng nguyên liệu; tích cực theo dõi, nắm bắt và đề xuất kịp thời các giải pháp khắc phục khó khăn, hạn chế trong công tác đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh.

Thời gian qua, việc phát triển dược liệu được các địa phương quan tâm. Ảnh: T.H

 

Chỉ tính riêng năm 2023, Chi cục Kiểm lâm phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tổ chức hơn 20 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc phòng trừ sâu bệnh hại các loại cây dược liệu mũi nhọn, cây chiến lược của tỉnh như sâm Ngọc Linh, sâm dây, lan kim tuyến, sâm cau để người dân biết và áp dụng trong sản xuất. Các đơn vị cũng đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) lấy mẫu bệnh phẩm trên cây sâm Ngọc Linh để phân tích, tìm nguyên nhân gây bệnh; từ đó, tổ chức tập huấn, hướng dẫn cách phòng trừ, nhằm giảm tối đa thiệt hại cho người trồng.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tiến hành xây dựng và ban hành hướng dẫn trình tự xác nhận nguồn gốc, xuất xứ sâm Ngọc Linh để làm cơ sở cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ. Bên cạnh đó, tăng cường quản lý giống dược liệu, nhất là sâm Ngọc Linh; thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn giúp người dân tìm mua giống dược liệu có chất lượng, nguồn gốc rõ ràng; vận động, phối hợp Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum và Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô hỗ trợ cây giống cho xã Mường Hoong và xã Ngọc Linh (huyện Đăk Glei) thiết lập vườn giống gốc, góp phần vào việc cung ứng giống cho địa bàn.

Theo mục tiêu Nghị quyết 14-NQ/TU đề ra, đến năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 4.500ha trồng sâm Ngọc Linh và khoảng 10.000ha trồng các loại cây dược liệu khác (trong đó có khoảng 2.000ha cây dược liệu lâu năm và khoảng 8.000 ha cây dược liệu hằng năm).

Kết quả, đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được 2.422ha sâm Ngọc Linh, đạt 53,82% mục tiêu Nghị quyết; 7.716,7ha các loại dược liệu khác; trong đó, dược liệu hàng năm là 5.607,7ha (đạt 70,09% mục tiêu Nghị quyết, dược liệu lâu năm 2.108,7ha, đạt 105,4% mục tiêu của Nghị quyết).

Các loại dược liệu ngắn ngày cũng được quan tâm phát triển. Ảnh: TH

 

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành được 5 cơ sở sản xuất giống cây dược liệu gồm Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum; Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô, Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông; Trung tâm công nghệ cao Măng Đen; Vườn giống dược liệu Mường Hoong, đạt 50% so với chỉ tiêu của Nghị quyết. Ngoài ra còn có 10 trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh cũng gieo ươm giống cây dược liệu. 

Trên địa bàn tỉnh hình thành được 8 cơ sở chế biến dược liệu có quy mô vừa và lớn, điển hình như Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông; Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô; Công ty TNHH DATO; Công ty TNHH Lâm Thịnh; Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Tu Mơ Rông. Ngoài ra, có nhiều hợp tác xã dược liệu cũng hình thành cơ sở chế biến nhỏ như Hợp tác xã dược liệu Mường Hoong, Hợp tác xã dược liệu Đăk Viên.

Năm 2024, kế hoạch của tỉnh là thực hiện trồng mới 500ha sâm Ngọc Linh; 1.560 ha các loại cây dược liệu khác (trong đó cây dược liệu hàng năm 1.400ha, cây dược liệu lâu năm 160ha); khai thác 200 tấn dược liệu từ tự nhiên (cu ly, máu chó).

Để đảm bảo mục tiêu này, ngay từ đầu năm 2024, ngành Nông nghiệp và các đơn vị, các địa phương tập trung rà soát đất đai, xây dựng chương trình, chuẩn bị nguồn giống; tuyên truyền, vận động người dân, hợp tác xã đăng ký trồng rừng, trồng cây dược liệu. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh việc hình thành vườn giống sâm Ngọc Linh tại Hợp tác xã dược liệu Mường Hoong, Ngọc Linh và Trung tâm nhân giống dược liệu quý tại huyện Tu Mơ Rông để cung ứng giống cho người dân; tăng cường kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển cây dược liệu.   

Thùy Hương

Chuyên mục khác