14/10/2017 06:02
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thực hiện Chương trình trồng rừng thay thế, từ năm 2014 đến nay, các công ty lâm nghiệp, các ban quản lý rừng phòng hộ, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray trồng 2.021,16ha rừng, đạt 97% so với kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đạt 82% so với kế hoạch của UBND tỉnh giao. Nếu không tính diện tích chuyển đổi vì mục đích an ninh quốc phòng thì tỉnh trồng vượt kế hoạch.
Trong việc trồng rừng thay thế trên, toàn tỉnh có 7 đơn vị tham gia. Các đơn vị trồng rừng nhiều là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô 1.240ha, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy 516,12ha, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray 100ha, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Glei 95ha, Ban quản lý rừng phòng hộ Đăk Nhoong 73,1ha…
|
Đến thăm rừng thông trồng theo chương trình trồng rừng thay thế của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy, chúng tôi thấy rừng đang sinh trưởng tốt.
Trao đổi về trồng rừng thay thế, ông Nguyễn Thành Chung - Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô cho biết: Việc Công ty trồng rừng thay thế đạt và vượt kế hoạch là nhờ có chính sách hợp lòng dân. Trước khi trồng, Công ty tổ chức cho dân tham quan học tập các mô hình trồng và khai thác nhựa thông từ các công ty ở tỉnh Quảng Bình, Quảng Ninh. Sau khi tổ chức cho người dân đi tham quan về, Công ty phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động người dân trả lại đất lấn chiếm trước đây tham gia trồng rừng.
Để người dân tự nguyện trả lại đất và tích cực tham gia trồng rừng, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô có chính sách rõ ràng.
Cụ thể: Người dân trả lại đất và tham gia trồng, chăm sóc rừng, bảo vệ rừng được hưởng 10 triệu đồng/ha (năm thứ nhất); 7 triệu đồng/ha (năm thứ hai); 7 triệu đồng/ha (năm thứ ba), 3 triệu đồng/ha (năm thứ 4). Từ năm thứ 5 trở đi khi rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng thì người dân được hưởng 50% tiền cung ứng dịch vụ môi trường rừng.
Khi cây trồng đạt tiêu chuẩn lấy nhựa, Công ty hướng dẫn kỹ thuật, tổ chức cho dân khai thác nhựa thông và bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường. Khi rừng trồng đi vào khai thác gỗ (từ năm thứ 25 trở đi), sau khi trừ chi phí tái tạo rừng, người dân được hưởng 70% lợi nhuận.
Đến thăm các hộ tham gia trồng rừng thay thế ở xã Pô Kô, chúng tôi nhận thấy người dân đồng tình với chủ trương của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô.
Ông A Thoang, thôn Kon Tu Zốp 1, bộc bạch: Gia đình tôi trả lại đất và tham gia trồng được 36ha rừng theo chủ trương của Công ty. Tham gia trồng rừng, gia đình được hưởng quyền lợi theo đúng như những gì Công ty đã cam kết.
Chính nhờ có chủ trương, chính sách rõ ràng, có lợi cho người dân nên Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô trở thành một điển hình trong việc trồng rừng thay thế ở tỉnh.
Tuy nhiên, trong các đơn vị tham gia trồng rừng thay thế hiện nay, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô lại đang gặp vấn đề nan giải.
Ông Chung cho biết, năm 2016, Công ty trồng vượt kế hoạch 196,7ha. Công ty chờ bổ sung cho kế hoạch năm 2017, nhưng năm 2017 kế hoạch trồng rừng thay thế kết thúc. Vì vậy, ở diện tích rừng trồng vượt kế hoạch này hiện thiếu tiền đầu tư chăm sóc, bảo vệ. Công ty đề nghị tỉnh xem xét, bố trí nguồn vốn (từ chương trình trồng rừng khác nếu có) hoặc cho phép đơn vị được vay vốn ưu đãi từ Quỹ đầu tư và phát triển tỉnh để tiếp tục đầu tư chăm sóc rừng, bảo đảm cho diện tích rừng trồng sinh trưởng tốt.
Qua khảo sát thực tế, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cũng đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị tham gia trồng rừng thay thế.
Việc trồng rừng thay thế nói riêng và việc quản lý, bảo vệ, phát triển có hiệu quả tài nguyên rừng nói chung sẽ góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Văn Nhiên