Trồng cây mắc ca – Góc nhìn từ nhiều phía

10/04/2015 14:46

Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn khuyên người dân các tỉnh Tây Nguyên nên thận trọng, chờ đợi khuyến cáo cụ thể trước khi quyết định mở rộng điện tích trồng mắc ca, tránh trường hợp nóng vội, gây hậu quả nặng nề về kinh tế,..

Thời gian gần đây, báo chí đã thông tin phản ánh tình trạng người dân một số địa phương ở Tây Nguyên đã chặt bỏ cao su, cà phê để trồng mắc ca thay thế. Cơn sốt loại cây này đang thực sự hấp dẫn nhiều nông dân, một số sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm đầu tư vào cây mắc ca một cách ồ ạt.

Trước sức hút của cây mắc ca đối với người nông dân, mới đây trên số báo Kon Tum số ra ngày 13/3 đã có bài “cần tính toán kỹ khi trồng cây mắc ca”. Bài viết này cũng cảnh báo “việc quảng bá quá mức hiệu quả của cây măc ca sẽ tạo thuận lợi cho người bán cây giống. Có thể kéo theo nhiều hệ lụy khó lường nếu người dân ồ ạt thay thế các loại cây truyền thống...”

Về vấn đề này, mới đây Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn cũng khuyên người dân các tỉnh Tây Nguyên nên thận trọng, chờ đợi khuyến cáo cụ thể trước khi quyết định mở rộng điện tích trồng mắc ca – tránh trường hợp nóng vội, gây hậu quả nặng nề về kinh tế, mà những bài học nhãn tiền về một số loại cây trồng khác đã có.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, mắc ca là cây mới, trong quá trình khảo nghiệm cho các kết quả khác nhau, đồng thời, vẫn chưa có một báo cáo phân tích kỹ các vấn đề về chế biến và thị trường. Do đó, Bộ chưa đủ căn cứ để đưa ra quy hoạch cây mắc ca, quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc, công nghệ chế biến... Bởi vậy, sự nóng vội có thể mang lại rủi ro cho chính nông dân do thiếu kiến thức khoa học về chọn giống, kỹ thuật canh tác, thu hoạch và thị trường.

Người dân nên thận trọng khi trồng cây mắc ca. Ảnh: LS

Theo thông tin trên Báo Kon Tum, địa bàn thành phố Kon Tum và huyện Đăk Tô, Kon Rẫy một số hộ dân đã trồng thử nghiệm cây măc ca năm 2012. Đến nay, số cây này phát triển khá tốt, song liệu số cây này có cho trái hay không, nhiều hay ít trái còn phải chờ đợi từ 4-5 năm sau mới có kết quả (theo các chuyên gia, từ khi trồng đến khi cho trái đại trà khoảng từ 7-10 năm). Nhiều tài liệu nghiên cứu khoa học cũng cho thấy: cây mắc ca rất nhiều hoa, nhưng tỷ lệ đậu quả lại rất thấp, chỉ đạt 0,1 - 0,3%; khí hậu không thuận lợi có thể hoàn toàn không đậu quả. Ra hoa đậu quả đòi hỏi một nhiệt độ ổn định và thấp (khoảng 18-250C), phải kéo dài trong vài tháng. Là cây tự thụ phấn và thụ phấn chéo, nếu trồng đơn lẻ, trồng xen, năng suất sẽ không cao. Ngoài ra, nguồn giống cũng là yếu tố vô cùng quan trọng.

Theo GS-TS Nguyễn Sử Siêm (một trong những chuyên gia đầu ngành về đất đồi núi Việt Nam, chủ yếu trong các lĩnh vực bảo vệ đất, chống xói mòn, rửa trôi, phục hồi độ phì nhiêu đất, canh tác vùng cao) có đánh giá: “Mắc ca nhân giống bằng chiết ghép, và sau ít nhất 7–10 năm mới cho thu hoạch kinh tế; điểm hòa vốn rất chậm; nếu trồng bằng cây thực sinh sẽ không cho quả. Giống như các cây lâu năm (cà phê, cao su, …) khi cây mắc ca còn nhỏ nông dân không thể nhận biết đâu là giống tốt, cây ghép hay thực sinh; sau khi trồng hàng chục năm mới biết thì chỉ có chặt bỏ”.

Thực tế này đã diễn ra ở huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), nhiều hộ dân đã phá bỏ hàng loạt vườn mắc ca từ 5-7 năm tuổi do chất lượng giống không tốt (người dân tự ươm và mua từ nguồn cây giống trôi nổi). Cho dù cây tươi tốt xum xuê, nhưng lại không cho trái, hoặc trái rất ít. Như vậy, một vấn đề khác đặt ra - cây giống là một trong những khâu cần hết sức lưu tâm. Và nếu muốn phát triển đồng loạt thì cũng khó có thể có nguồn giống tốt cung ứng kịp thời được.

Theo dự kiến, đến năm 2020 các tỉnh Tây Nguyên sẽ có 200.000ha trồng mắc ca. Dự kiến đến năm 2025 tổng sản lượng hạt mắc ca của Việt Nam đạt 200.000 tấn hạt. Từ mục tiêu này, một số chuyên gia cho là quá cao - nếu lưu ý rằng: sau mấy chục năm phát triển, đến nay cả thế giới mới có 80.000ha cây mắc ca. Mặt khác cũng chưa lý giải được thỏa đáng tại sao ở những nơi xuất xứ và thuận lợi cho mắc ca lại có công nghệ cao như Úc, Nam Phi, Mỹ, Guatemala mà họ không mở rộng diện tích nhanh chóng(!?)

Thời gian qua, nhiều hộ dân ở tỉnh Đăk Lăk đã tự động chuyển đổi đưa cây măc ca thay thế một số diện tích cây lâu năm khác. Tuy nhiên, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đăk Lăk cũng khuyến cáo bà con cần thận trọng khi đầu tư, mức độ đầu tư đến đâu. Vì không phải vùng nào cũng phù hợp để trồng mắc ca khi chưa có nghiên cứu đánh giá thực tiễn. Tránh sự đầu tư ồ ạt, gây thiệt hại cho doanh nghiệp hoặc cho người dân.

Khác với Đăk Lăk, Lâm Đồng là địa phương đi đầu trong việc trồng cây mắc ca. Tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo mắc ca để sớm đưa ra quy hoạch cụ thể. Theo đó, tỉnh Lâm Đồng cũng đã tính toán đến yếu tố vùng trồng, số lượng trồng và đầu ra chế biến; tính toán việc xây dựng chuỗi cung ứng từ nông dân ra đến thị trường, kể cả là thị trường trong nước lẫn thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, thực tế khi đi vào phát triển loại cây này của tỉnh Lâm Đồng vẫn còn nhiều bất cập, phải tiếp tục tháo gỡ.

Như đã đề cập ở trên, tỉnh Kon Tum chúng ta việc trồng cây mắc ca mới có chừng 3 năm trở lại đây. Chủ yếu là các hộ dân tự trồng, diện tích cũng chưa nhiều. Theo đánh giá thực tế, cây phát triển tốt, song cây có cho trái hay không, năng suất thế nào thì vẫn chưa thể kiểm chứng. Bởi vậy, vấn đề đặt ra với ngành Nông nghiệp tỉnh nhà hiện nay: là cần một tổ chức nghiên cứu, thí điểm các mô hình, để có thể xác định được khu vực phù hợp, đưa ra những thông số khoa học, cần thiết nhằm giúp doanh nghiệp, người dân có cơ sở phát triển dúng hướng. Trước mắt, khi chưa có kết luận thực tiễn, ngành cũng sớm có khuyến cáo cho người dân cần tính toán cẩn trọng khi đầu tư phát triển loại cây này một cách hợp lý.

Mặt khác, về phía người nông dân: trong khi chưa có hướng dẫn cụ thể của ngành chức năng, thì cần tìm người có kinh nghiệm, am hiểu về loại cây này để học hỏi, hoặc làm tư vấn cho mình về chọn cây giống cũng như quá trình đầu tư trồng và chăm sóc nhằm giảm thiểu thiệt hại do kém hiểu biết.  

Sự phát triển thành công cây mắc ca quyết định ở tính bền vững của nó trong hệ thống cây trồng và tính cạnh tranh của nông sản này trên thị trường. Do vậy, đánh giá đúng tiềm năng cũng như lường hết sự rủi ro chính là sự hiệu quả để thực hiện tốt chủ trương phát triển loại cây này của Chính phủ.

                                                                                               T.T

Chuyên mục khác