Trồng cây ăn trái - hướng đi mới của nông dân xã Rờ Kơi

07/09/2019 06:06

Những năm gần đây, việc trồng xen canh các loại cây như sầu riêng, bơ, mít… trên diện tích cây cà phê của nông dân xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy) đạt hiệu quả kinh tế khá cao. Từ thành công này, nhiều gia đình mạnh dạn đầu tư kinh phí và dành một phần diện tích đất canh tác để chuyển sang trồng chuyên canh cây ăn trái.

Khu vườn của anh Bùi Đức Quỳnh (thôn Đăk Tăng, xã Rờ Kơi) trồng nhiều loại cây ăn trái xen cây cà phê đang thời kỳ phát triển. Đây là 1 trong 5 khu vườn mẫu, tiên phong trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của xã Rờ Kơi.

Anh Quỳnh dẫn chúng tôi tham quan khu vườn rộng gần 10ha được anh mua lại cách đây 2 năm. Lúc mới mua, hầu hết diện tích của khu vườn chỉ trồng cây mì. Hiện tại, diện tích cây mì chỉ còn 5ha, 5ha còn lại anh trồng xen canh 3ha cây ăn trái cùng cây cà phê và chuyên canh 2ha cây ăn trái.

Anh Quỳnh chia sẻ, đất và khí hậu ở Rờ Kơi rất phù hợp để trồng các loại cây ăn trái. Anh Quỳnh dẫn chứng, nhiều hộ gia đình ở các thôn Gia Xiêng, Khơk Klong, Rờ Kơi… trồng cây mít, cây sầu riêng chỉ để lấy bóng mát, dù không chăm sóc nhưng hàng năm các loại cây này đều cho nhiều quả.

Anh Quỳnh để tâm tìm hiểu và đi học hỏi kinh nghiệm tại một số mô hình trồng cây ăn trái ở tỉnh Đăk Lăk. Sau khi đi thực tế về, anh quyết định về lâu dài sẽ giảm dần diện tích trồng mì, tăng diện tích chuyên canh cây ăn trái.

“Bước đầu tôi trồng cây sầu riêng, cây mít và cây na. Cây sầu riêng tôi trồng giống Dona (Thái Lan) và giống Musang King (Malaysia), còn cây mít và cây na tôi trồng giống của Thái Lan. Hiện tại, tính cả diện tích 3ha xen canh và 2 ha chuyên canh, gia đình tôi trồng được hơn 500 cây sầu riêng, 200 cây mít và 100 cây na. Để đạt hiệu quả, tôi chia từng khu vực để trồng từng loại cây. Trong những năm tới, tôi sẽ tiếp tục chọn cây sầu riêng làm chủ lực để trồng, bên cạnh đó còn trồng thêm cây bơ, chanh dây cùng nhiều loại cây ăn trái khác”, anh Quỳnh nói.

Dù mới trồng 1 năm nhưng cây sầu riêng trong vườn của anh Quỳnh đã sinh trưởng và phát triển tốt. Ảnh: ĐT

 

Chia tay anh Quỳnh, chúng tôi đến gặp ông Nguyễn Duy Tịnh - Thôn trưởng thôn Đăk Tăng. Ông Tịnh trước đây chỉ trồng xen canh 150 cây bơ và sầu riêng trên diện tích gần 1ha. Qua nhiều năm vườn cây cho thu nhập cao, năm 2018, ông quyết định dành thêm 1ha đất sản xuất của gia đình để trồng sầu riêng, bơ và bưởi.

“Các giống trái cây ăn trái được các hộ dân chọn trồng hầu hết là giống Thái Lan, Malaysia và miền Tây Nam Bộ của nước ta. Vì là những loại cây dễ trồng, không kén đất, ít bị bệnh lại hợp với điều kiện tự nhiên của vùng đất nên sinh trưởng rất tốt. Hầu hết các hộ trồng cây ăn trái chuyên canh đều đã thu lợi nhuận cao từ việc trồng xen xanh”, ông Tịnh nói để giải thích cho quyết định tăng diện tích trồng cây ăn trái của các hộ dân trên địa bàn.

Không chỉ riêng ở thôn Đăk Tăng, thôn Khơk Klong cũng có một vài hộ đã bắt đầu tăng diện tích cây ăn trái trên đất sản xuất của gia đình, điển hình là hộ ông Bùi Thành Hùng với 4ha cây bơ và sầu riêng.

Ông Trần Lệnh Tuyến - Chủ tịch UBND xã Rờ Kơi cho biết, trong những năm gần đây, xã Rờ Kơi tổ chức nhiều đợt đi học tập kinh nghiệm, vận động nhân dân phát triển mạnh diện tích cây cà phê, đồng thời trồng xen canh và chuyên canh các loại cây ăn trái. Từ đầu năm đến nay, người dân trên địa bàn đã xuống giống được 70,3ha cà phê, gần 35ha cây ăn trái chuyên canh. Trong thời gian tới, xã sẽ phối hợp với các doanh nghiệp, các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật, cung cấp phân bón đạt chất lượng, tìm đầu ra ổn định… góp phần đem lại giá trị cao hơn từ các loại cây trồng này cho nhân dân.

Có thể thấy, việc trồng cây ăn trái bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ gia đình ở xã Rờ Kơi. Việc tăng diện tích chuyên canh trong thời gian tới thật sự là hướng phát triển nông nghiệp bền vững và lâu dài, góp phần giải quyết “bài toán giảm nghèo” cho địa phương.                    

Đức Thành

Chuyên mục khác