Trồng bắp lấy thân: Hướng đi mới, triển vọng cao

07/07/2017 08:13

​Sau 3 tháng gieo trồng, người dân tại 3 xã Măng Bút, Ngọc Tem, Hiếu (huyện Kon Plông) đang hứng khởi thu hoạch gần 20ha cây bắp lấy thân để bán cho các doanh nghiệp làm thức ăn cho gia súc. Với năng suất ước tính từ 30-35 tấn và giá thành bao tiêu từ 500-700 đồng/kg, mỗi ha/vụ người dân thu về gần 20 triệu đồng, giá trị kinh tế cao hơn so với cùng diện tích trồng lúa, mì trước đây.

Trồng cây bắp lấy thân thuộc “Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực” của huyện Kon Plông. Theo đó, huyện Kon Plông đã chủ trì làm việc với các doanh nghiệp liên kết, hỗ trợ người dân trên địa bàn 3 xã Ngọc Tem, Hiếu, Măng Bút thực hiện chuyển đổi một số diện tích trồng cây mì hay đất bỏ hoang hóa, không sản xuất vụ lúa đông xuân 2016-2017 sang trồng cây bắp lấy cây làm thức ăn cho gia súc.

Cây ngô lấy thân đem lại giá trị kinh tế cao hơn so với cùng diện tích trồng lúa, sắn. Ảnh:H.T

 

Thực hiện Đề án, được Công ty CP Dược liệu và thực phẩm Măng Đen hỗ trợ 100% giống, phân bón, kẽm gai rào, chi phí cày, làm đất, tập huấn kỹ thuật chăm sóc, gieo trồng, từ tháng 3/2016, các hộ dân ở xã Măng Bút đã tiến hành trồng 8,2ha bắp lấy thân. Không chỉ được hỗ trợ chi phí, công ty còn hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con với giá 700đ/kg khi thu hoạch.

Qua quá trình trồng, cuối tháng 6, người dân tại 2 thôn Măng Bút và Long Rủa đã tiến hành thu hoạch 1,1ha với khối lượng gần 20 tấn, thu về 14,5 triệu đồng. Anh A Toàn, thôn Long Rủa, xã Măng Bút cho biết: Trước đây diện tích này được sử dụng để trồng lúa, trồng mì nhưng cho năng suất thấp, nhiều diện tích đất khô cằn, nghèo dinh dưỡng nên bà con mình bỏ không. Vừa rồi trồng bắp trên diện tích đó, cây lại phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nên phát triển rất tốt, bà con mình phấn khởi lắm.

Điều đáng nói, nếu trồng đúng thời điểm, 1 năm, trên cùng 1 diện tích có thể gieo trồng 2-3 vụ. Như vừa rồi, sau khi thu hoạch 1,1ha, bà con xã Măng Bút đã tiến hành làm lại đất, đợi thời tiết thích hợp sẽ gieo trồng vụ thứ 2.

“Từ những hiệu quả ban đầu, chúng tôi khuyến khích bà con trồng thêm giống cây bắp lấy thân vì đầu ra ổn định. Sắp tới chúng tôi sẽ thu hoạch hết diện tích còn lại và dự tính trồng hết 20ha cây bắp lấy thân trên cánh đồng lớn của xã Măng Bút” – ông A Vinh - Phó Chủ tịch UBND xã Măng Bút cho biết.

Được huyện giao chỉ tiêu phát triển 20ha, vừa qua, xã Hiếu đã tiến hành trồng thử nghiệm 4,5ha bắp lấy thân. Bước đầu 0,9ha đã cho thu hoạch 24 tấn thân bắp với số tiền hơn 16 triệu đồng. Với diện tích 3,6ha còn lại, bà con đang tập trung thu hoạch.

Tương tự, 13 hộ dân trên địa bàn xã Ngọc Tem đã tiến hành thực hiện 7/10ha trồng bắp lấy thân. Qua quá trình theo dõi, cây bắp phát triển mạnh, ít tốn công chăm sóc, ít sâu bệnh, và hiện tại, toàn bộ diện tích này đang chuẩn bị đến kì thu hoạch.

“Trên diện tích đất xấu, bỏ trống, khi trồng bắp, cây phát triển rất tốt. Theo hợp đồng kí kết bao tiêu, bà con sẽ bán với giá 500 đồng/kg. Sắp tới thu hoạch, chúng tôi sẽ đánh giá hiệu quả, nếu chất lượng, chúng tôi sẽ nhân rộng và trồng đủ chỉ tiêu 10ha được giao” - ông Lương Ngọc Bảo - Chủ tịch UBND xã Ngọc Tem cho biết.

Với những hiệu quả bước đầu, trong quá trình sản xuất, huyện Kon Plông tiếp tục tổ chức tập huấn kĩ thuật trồng bắp lấy thân cho người dân, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ bảo vệ và phát triển đất trồng lúa năm 2017 mua 4 máy cày lớn làm đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng…

“Tổng diện tích trong đề án triển khai là 50ha, tuy nhiên bước đầu các xã tiến hành gieo trồng được khoảng 20ha. Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, qua khai thác ban đầu, cây bắp lấy cây đã chiếm ưu thế, đem lại triển vọng kinh tế cao. Sắp tới, đợi các xã thu hoạch xong, chúng tôi sẽ tiến hành đánh giá chính xác hiệu quả mà cây bắp lấy thân đem lại, nếu hiệu quả cao, sẽ tiếp tục cho nhân rộng” - ông Nguyễn Đình Viết - Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Kon Plông cho biết.

Cùng với cây bắp, hiện tại, huyện cũng đang tổ chức triển khai Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi gắn với ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực đến toàn bộ người dân trên địa bàn 9 xã; tuyên truyền vận động nhân dân chuyển đổi diện tích, cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, huyện Kon Plông cũng đã triển khai kế hoạch dồn đổi, tích tụ ruộng đất và xây dựng cánh đồng lớn, chú trọng tập trung tại 2 xã Măng Bút và xã Hiếu để góp phần giảm nghèo bền vững.

Hoài Tiến

Chuyên mục khác