13/10/2019 06:05
Ngày Doanh nhân Việt Nam ra đời đánh dấu sự thay đổi tư duy nhìn nhận về vai trò của đội ngũ doanh nhân đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong thời kỳ đổi mới hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới; từ đó tạo tâm lý lạc quan, hồ hởi cho toàn xã hội, đặc biệt là đội ngũ doanh nhân, động viên họ tiếp tục đem khả năng, trí tuệ đầu tư vào sản xuất, kinh doanh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
Trong 15 năm qua, ngày càng xuất hiện nhiều doanh nhân đi cùng với sự bùng nổ số lượng doanh nghiệp, nhất là khu vực dân doanh sau khi có Luật Doanh nghiệp ra đời năm 2000. Đây chính là nền tảng tạo ra mức tăng trưởng, phát triển kinh tế cho đất nước.
Riêng ở tỉnh ta, trong 15 năm qua, số lượng doanh nghiệp ra đời ngày càng nhiều, đội ngũ doanh nhân được bổ sung về lực lượng và ngày càng lớn mạnh, đang đem khả năng trí tuệ, kiến thức quản lý kinh doanh vào sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đúng pháp luật, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Song, nhìn chung hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn nhất định, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây chính là vấn đề cần có những giải pháp tháo gỡ để các doanh nghiệp có thêm “trợ lực” làm “đòn bẩy” bung ra phát triển mạnh mẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 30/6/2019, tổng số doanh nghiệp tồn tại tên trên Hệ thống đăng ký doanh nghiệp quốc gia khoảng 3.000 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 25.979 tỷ đồng. Trong đó có 2.092 doanh nghiệp đang hoạt động; 137 doanh nghiệp ngừng hoạt động; 771 doanh nghiệp bị thu hồi theo đề nghị của cơ quan thuế nhưng chưa thực hiện thủ tục giải thể.
|
Có thể nhận thấy vốn bình quân của mỗi doanh nghiệp khoảng 8 tỷ đồng. Đại đa số các doanh nghiệp đang hoạt động trong tình trạng không đủ vốn cần thiết, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh doanh cũng như năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn, trong khi đó, việc huy động các nguồn lực vào đầu tư sản xuất, kinh doanh cũng chưa được cải thiện. Nhiều doanh nghiệp chưa thật sự đánh giá được nhu cầu thực tế của thị trường, đăng ký kinh doanh đổ xô vào một ngành nghề trào lưu hoặc theo một hợp đồng trước mắt mà không tính toán đến phương án làm ăn lâu dài; chưa khai thác được ngành nghề lợi thế trên địa bàn tỉnh, còn hạn chế nhiều trong tiếp cận thông tin thị trường… Vì thế, khi gặp khó khăn chung của kinh tế thị trường, nhiều doanh nghiệp dễ “ra đi”…
Ông Nguyễn Minh Hùng - Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Minh cho rằng, “bài toán về vốn” vẫn là điểm yếu cố hữu của các doanh nghiệp trên địa bàn. Nguyên nhân khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng là do nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn như: Các phương án sản xuất kinh doanh thiếu khả thi, không chứng minh được hiệu quả sản xuất kinh doanh một cách rành mạch; vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính còn hạn chế; công tác hạch toán kế toán thiếu chuyên nghiệp, thông tin tài chính thiếu minh bạch, thiếu tài sản đảm bảo...
Theo báo cáo của các cuộc điều tra gần đây cho thấy, doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn còn nhiều vướng mắc, khó khăn trong tiếp cận nguồn lực cho quá trình hoạt động (như nắm bắt thông tin chính sách, pháp luật, tiếp cận đất đai), gánh nặng về chi phí không chính thức, chất lượng các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh thấp và chưa đúng đối tượng, gánh nặng về thủ tục hành chính cũng như thanh tra, kiểm tra của các cơ quan nhà nước đối với các doanh nghiệp lại càng lớn…
Tại buổi gặp mặt và đối thoại với doanh nghiệp trong tháng 9 vừa qua, ông Phan Văn Thế - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: Kon Tum luôn trân trọng và coi doanh nghiệp là nhân tố không thể thiếu, là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò quyết định trong phát triển kinh tế - xã hội. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cần có sự chung tay của nhiều sở, ngành, các địa phương trong tỉnh. Đặc biệt, khi xây dựng chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp phải bám sát được khó khăn và nhu cầu thực sự của đa số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, vấn đề cải cách hành chính, tạo cơ chế thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp cũng phải được đặt lên hàng đầu.
Cũng theo ông Phan Văn Thế, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục tổ chức nhiều cuộc gặp mặt nhằm biểu dương đóng góp của các doanh nghiệp, đồng thời lắng nghe ý kiến để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh tiếp tục xây dựng các chính sách thật thiết thực, gần gũi với doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, đất đai, tìm kiếm thị trường, xóa bỏ các loại chi phí không chính thức; xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, an toàn, thật sự là nơi để doanh nghiệp đặt niềm tin và không ngừng phát triển.
Chúng ta có quyền hy vọng rằng, với sự trợ lực và đồng hành của chính quyền các cấp ở tỉnh và ngành chức năng, trong thời gian tới, với sự điều hành của đội ngũ doanh nhân ngày càng được tiếp cận, bồi dưỡng về kiến thức kinh tế, kiến thức quản lý sẽ phát huy hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng, phát triển kinh tế của tỉnh, góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội bền vững của địa phương.
Dương Lê