Triển vọng từ nghề trồng nấm rơm trong nhà kín ở xã Sa Nhơn

13/12/2014 08:02

Việc trồng nấm rơm trong nhà kín cho thu nhập cao gấp hàng chục lần, thậm chí là hàng trăm lần so với việc đầu tư trồng lúa nước nhưng ít tốn thời gian, công sức hơn, lại không lo chuyện thời tiết thất thường...

Đã từng đến nhiều trang trại trồng nấm trên địa bàn trong và ngoài tỉnh Kon Tum, nhưng khi đến thăm cơ sở sản xuất nấm của hộ gia đình ông Mai Văn Cầu ở thô Nhơn Đức, xã Sa Nhơn (huyện Sa Thầy) chúng tôi không khỏi ngạc nhiên; bởi, đây là lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh có một gia đình nông dân đã ủ và nuôi trồng thành công loại nấm rơm (vốn rất khó thích nghi với môi trường và cần sự chăm sóc chu đáo) với quy mô sản xuất lớn và thiết kế rất khoa học của gia đình ông.

Chỉ tay về các nhà kính phủ bạt kín mít được xây dựng trên đám ruộng phía sau nhà, ông Mai Văn Cầu tự hào cho biết: Đây là sản phẩm của thằng con trai của tôi sau nhiều tháng trời đi mày mò, học hỏi từ một số tỉnh thành về áp dụng với mong muốn cải thiện kinh tế cho gia đình.

Con trai ông Cầu tên Mai Văn Thắng, năm nay mới tròn 21 tuổi. Trong một lần về thăm người quen ở tỉnh Quảng Ngãi, tình cờ gặp một số người đi thu mua rơm về trồng nấm, Thắng loé lên suy nghĩ tại sao ở đây người ta đi mua rơm về làm nấm mà ở trên Sa Thầy thì rơm lại đem đi đốt rất lãng phí.

Được sự đồng ý của gia đình, năm 2013, chàng trai trẻ một mình lặn lội xuống Quảng Ngãi học cách làm nấm rơm. Sau hơn 3 tháng chịu khó mày mò, chăm chỉ học hỏi, ghi chép tỉ mỉ cách thức, quy trình trồng và thời gian sinh trưởng của loại nấm rơm, trở về, Thắng bắt tay ngay vào làm thử gần 1.000 bịch nấm rơm. Thế nhưng, khởi đầu gặp muôn vàn khó khăn về vốn và đặc biệt về kỹ thuật nên rất nhiều bịch nấm thường xuyên bị bệnh dẫn đến năng suất nấm không được như ý.

Thắng lại xuống Quảng Ngãi mời thầy dạy mình lúc trước về tại nhà trực tiếp hướng dẫn các quy trình và cùng nhau làm cho bằng được. Sau cả tháng trời chờ đợi, nhưng lần này nấm rơm cũng không mọc là bao mà lại chỉ mọc toàn nấm dại. 2 lần “ra quân” liên tiếp thất bại, nhiều lúc Thắng định bỏ cuộc, tuy nhiên, nhờ sự động viên, giúp đỡ của gia đình, Thắng tiếp tục khăn gói sang tận tỉnh Đăk Lăk để tìm tòi và học thêm cách làm nấm. Sau hơn 2 tháng vừa học, vừa làm tại đây, Thắng đã tự tích luỹ cho bản thân mình được nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là trong quá trình xử lý thanh trùng rơm trước khi đưa vào nhà kín để ủ…

Cứ khoảng 3 giờ sáng hàng ngày, gia đình anh Thắng dậy hái nấm cung cấp ra thị trường. Ảnh: Đ.V

 

Để khắc phục thất bại của những lần trước, Thắng cùng gia đình đã đầu tư xây dựng hệ thống lò hấp thanh trùng để xử lý sạch nguồn nguyên liệu và diệt các vi khuẩn có hại trước khi đưa vào sản xuất. Do khó khăn về kinh phí nên lò hấp thanh trùng được thiết kế và xây dựng khá đơn giản chỉ bằng vài tấm bi giếng cùng một ít gạch, đá, xi măng và một tấm bạt lớn để đậy.

Thắng cho biết, để có lứa nấm thành công thì tất cả các công đoạn từ nguyên liệu đóng thành bịch đến cấy meo đều phải được khử trùng xử lý các mầm bệnh. Sau khi đóng gói, nguyên liệu sẽ được đưa vào lò hấp thanh trùng. Những bịch rơm được hấp trong 4 giờ với nhiệt độ khoảng 100ºC, sau đó đưa ra chờ nguội hẳn mới cấy mô, cấy được một ngày thì chuyển vào trại để chăm sóc. Nấm đậu hay không, có thể biết được sau một tuần theo dõi. Nếu nấm chuyển sang màu đen thì xem như bỏ đi.

Từ khi gia đình đầu tư hệ thống lò hấp thì số bịch nấm bị bệnh, hỏng hầu như không còn nên số lượng nấm mọc đạt hơn so với trước rất nhiều. Chỉ tính riêng lứa nấm đầu tiên vừa rồi, với diện tích 2 nhà kín khoảng 50m2 nhưng gia đình đã thu trên 2 tạ nấm rơm bán sỉ với giá trên 16 triệu đồng và hiện tại gia đình đang thu hoạch tiếp tục lứa thứ 2; trừ tất cả các chi phí đầu tư, mỗi nhà kín có thể cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng, những tháng sau sẽ cho thu nhập cao hơn vì không phải tốn thêm tiền xây nhà kín. Sau khi thu hoạch số rơm mục đã cho ra nấm, ta có thể bán cho nông dân làm phân bón cho các loại cây trồng khác...

Thấy việc trồng nấm rơm bằng phương pháp nhà kín không cần nhiều diện tích, nguồn nguyên liệu dồi dào, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, lại có thể tận dụng được những diện tích đất bạc màu và tận dụng được nguồn rơm mục sau khi thu hoạch nấm làm phân bón và có thể tận dụng lao động trong gia đình thời gian rảnh rỗi nên hiện nay gia đình ông Cầu đã đầu tư làm thêm 3 nhà kín.

Ông Cầu nhận xét: Việc trồng nấm rơm trong nhà kín cho thu nhập cao gấp hàng chục lần, thậm chí là hàng trăm lần so với việc đầu tư trồng lúa nước nhưng ít tốn thời gian, công sức hơn việc trồng lúa, lại không lo chuyện thời tiết thất thường. Gia đình tôi mong được huyện Sa Thầy và các đơn vị khuyến nông, khuyến lâm trên địa bàn tỉnh quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ vốn để trang bị máy xay mùn cưa nhằm chủ động nhân giống và nuôi cấy mô bảo đảm chất lượng, mở rộng thêm diện tích trồng nấm rơm và nấm linh chi…

Đắc Vinh

 

 

Chuyên mục khác