Triển vọng từ các mô hình sản xuất mới

05/03/2023 13:22

Một số mô hình sản xuất mới trên địa bàn thành phố Kon Tum đang đem lại triển vọng trong phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho hộ gia đình.

Sau một thời gian tìm hiểu, năm 2018, ông Nguyễn Quốc Tài (trú tại thôn Kon Tu 2, phường Trường Chinh) quyết định mua 300 cây giống mắc ca của Công ty CP Vinamacca (Đăk Lăk) về trồng ở khu sản xuất rộng 1,2ha của gia đình ở Tổ dân phố 1 (phường Ngô Mây).

Ông Tài đào hố, trồng cây theo khoảng cách, bón phân, làm cỏ như được hướng dẫn và lắp đặt hệ thống tưới nước tự động béc phun mưa bán kính lớn để tưới cho cây. Bên cạnh đó, nhằm khai thác tối đa diện tích đất sản xuất của gia đình, ông Tài còn đầu tư mua thêm 600 cây sưa, 200 cây đàn hương và 200 cây chà là về trồng xen với cây mắc ca.

Ông Tài cho biết, nhờ được chăm sóc tốt và thời tiết thuận lợi, trong những năm qua, vườn cây của gia đình ông phát triển ổn định.

Vườn cây mắc ca của gia đình ông Tài. Ảnh: ĐT

 

Riêng đối với cây mắc ca, đến năm 2022, cây bắt đầu cho thu bói, nhằm kiểm tra năng suất và chất lượng hạt, ông thử nghiệm 20 cây cho đậu quả và chín rụng tự nhiên nhằm kiểm tra năng suất và chất lượng hạt. Những cây mắc ca này sau đó cho thu hoạch tổng cộng được hơn 3 tạ quả, chất lượng hạt sau khi tách vỏ có vị bùi và thơm.

“Hiện nay, những cây mắc ca trong vườn của gia đình tôi đang trong giai đoạn ra hoa, hy vọng thời tiết năm nay thuận lợi để khi bước vào mùa vụ thu hoạch chính cây đậu nhiều quả. Các thương lái ở ngoài tỉnh đã liên hệ và đặt vấn đề tiêu thụ hạt mắc ca của gia đình tôi sau khi thu hoạch. Trong thời gian tới, tôi sẽ đầu tư để trồng thêm cây mắc ca”- ông Tài nói.

Tại thôn 9 (xã Đăk Cấm), mô hình chăn nuôi dúi của gia đình ông Lê Chí Thanh đang được xem là mô hình điểm để chính quyền địa phương xem xét, nhân rộng phát triển trên địa bàn.

Ông Thanh chia sẻ, năm 2018, ông bắt đầu tìm hiểu và đầu tư kinh phí để nuôi dúi. Ông đặt mua 10 cặp dúi giống từ một cơ sở cung cấp dúi giống có nguồn gốc hợp pháp tại xã Đăk Môn (huyện Đăk Glei). Ông cũng tận dụng chuồng nuôi gà trước đây của gia đình rộng gần 20m2 sử dụng làm nuôi dúi. Để con dúi phát triển khỏe mạnh và sinh sản tốt, ông Thanh lắp đặt thêm máy theo dõi nhiệt độ, độ ẩm và quạt gió trong chuồng nuôi, đồng thời, tìm mua cây mía, cây tre, cây và hạt bắp, cám gạo làm nguồn thức ăn cho dúi.

Đàn dúi gia đình tôi nuôi có thời điểm số lượng hơn 180 con, những con xuất bán lấy thịt trung bình nặng trên 3kg/con, giá bán 400.000 đồng/kg. Gia đình tôi cũng hay bán dúi giống cho các hộ gia đình khác để nuôi sản xuất. Hiện tại, đàn dúi của gia đình tôi còn khoảng 100 con- ông Thanh cho hay.

Đến nay, gia đình ông Thanh đã thu hồi được số tiền đầu tư để nuôi dúi và bắt đầu có lãi.

Cuối năm 2022, UBND xã Kroong phối hợp với 1 doanh nghiệp trên địa bàn huyện Kon Plông triển khai mô hình trồng gần 5ha bí Nhật ứng dụng công nghệ cao với sự tham gia của 5 hộ nông dân ở xã. Tham gia mô hình, các hộ nông dân được tập huấn chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ ứng kinh phí mua cây giống với số tiền 20 triệu đồng/ha và cam kết tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch.

Vườn trồng bí Nhật của ông Sỹ phát triển tốt, cho ra quả đạt yêu cầu. Ảnh: Đ.T

 

Ông Trần Đình Sỹ (thôn Trung Nghĩa Tây, xã Kroong) cho biết, ông đã đối ứng kinh phí 40 triệu đồng để tham gia trồng bí Nhật trên diện tích 7.000m2. Đến nay, sau hơn 2 tháng trồng, diện tích trồng bí Nhật của ông đang phát triển tốt, mỗi cây bí cho ra 1-2 quả, mỗi quả bí nặng khoảng 2kg, chất lượng quả bí đạt yêu cầu và dự kiến 1 tháng nữa sẽ cho thu hoạch.

Lãnh đạo một số xã, phường trên địa bàn thành phố Kon Tum cho biết, các mô hình đều có triển vọng để phát triển và phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Đối với mô hình nuôi dúi, UBND xã Đăk Cấm đang hướng đến việc thành lập Tổ hợp tác nuôi dúi để các hộ nông dân chia sẻ kinh nghiệm và chăn nuôi một cách hợp pháp. Đối với mô hình trồng bí Nhật và trồng cây mắc ca, UBND xã Kroong và Hội Nông dân phường Ngô Mây tiếp tục theo dõi, nếu đạt hiệu quả sẽ tham mưu, nhân rộng các mô hình này.      

Đức Thành

Chuyên mục khác