31/01/2019 06:32
1. Chuyến “vượt rừng” năm nay của tôi lại càng trở nên có ý nghĩa, khi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Sa Thầy đang náo nức chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày thành lập huyện.
Nghề nghiệp cho tôi nhiều cơ hội, nhiều chuyến đi đầy ăm ắp hơi thở cuộc sống ở đất Sa Thầy. Đi để nghe, để gặp gỡ những người dân Sa Thầy hiền lành chân chất, đang ngày đêm vượt qua khó khăn, xây dựng quê hương...
Trong mỗi chuyến đi của tôi đều thấm ngọt những câu chuyện về đời người, hồn đất - sâu sắc, trầm lắng. Và trong muôn vàn khó khăn, đang bừng sáng những chân trời mới, những thay đổi mới mà nếu không đặt chân tới nơi, e rằng tôi sẽ không biết được một cách tường tận và cặn kẽ.
Trong chuyến đi cuối năm này, tôi gặp A Phơng.
Ngôi nhà tường gạch, mái lợp tôn đỏ của anh ở giữa làng Đăk Wơk Yôp (xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy), nhìn ra hồ thủy điện Plei Krông lộng gió. Gương mặt khắc khổ in hằn dấu vết những năm tháng vất vả, khó khăn của anh giãn ra khi kể về cuộc sống trên làng mới.
Mình và dân làng ơn Đảng, Nhà nước nhiều lắm - A Phơng nói. Bây giờ nhà nào cũng có nhà xây, có cà phê, có dụng cụ đánh bắt thủy sản trên lòng hồ; trong làng có trường học, trạm y tế, có điện chiếu sáng, cuộc sống đã khá lên nhiều rồi.
Dù không nói ra, nhưng tôi biết, A Phơng đang vui, đang tự hào khi dẫn tôi tham quan ngôi nhà xây, lợp tôn khang trang, vững chãi nằm bên trục đường chính của làng; đi thăm 5 sào cà phê đang đơm hoa trắng cùng đàn bò 5 con đẹp như tranh...
Chủ tịch UBND xã Mai Nhữ Nam khen thật lòng: A Phơng giỏi lắm. Không chỉ biết nghe lời phải, bỏ sinh hoạt tà đạo, còn chăm chỉ và biết tính toán làm ăn. Từ một hộ nghèo khó, A Phơng đã vươn lên thoát nghèo, dần trở thành hộ có "của ăn của để" trong làng rồi đấy.
Ngồi nghe chuyện của dân làng Đăk Wơk Yôp, ngắm những ngôi nhà xây khang trang nép mình dưới bóng cây xanh đang vươn tán, nghe gió lòng hồ thủy điện rào rạt thổi trên những vạt cà phê đang đâm chồi đón xuân, tôi nhận thấy rất rõ sự đổi thay nơi đây.
Không ồn ào, mạnh mẽ, vồ vập, sự đổi thay ấy chậm rãi, chắc chắn hiện diện ở từng mái nhà, từng gian bếp, từng mảnh vườn, từng mâm cơm. Một con số rất đáng tự hào là trong năm 2018, huyện Sa Thầy đã giảm được 6,25% số hộ nghèo, vượt kế hoạch đề ra, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 20,58% (tương đương 2.636 hộ).
Đến bây giờ thì tôi mới hiểu ý của Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Ngọc Sâm khi khuyên tôi "cứ đi và cảm nhận", rồi hãy làm việc với anh. Có lẽ anh hiểu rằng tôi cần có thời gian để chiêm nghiệm, để cảm nhận về sự đổi thay của vùng đất giàu truyền thống cách mạng nhưng cũng nhiều khó khăn này.
|
2. Những ngày cuối năm Mậu Tuất đang trôi qua. Chỉ còn ít ngày nữa là Tết. Chậu mai vàng đặt trên bàn làm việc đã nở bung những chùm hoa xúm xít, viên mãn. Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Ngọc Sâm mở đầu buổi trò chuyện cuối năm bằng một câu phỏng vấn “ngược”: “Mấy hôm nay nhà báo đi thăm nhiều nơi ở Sa Thầy, có nhận xét gì không?”.
Thú vị đây. Tôi “cảnh giác”: Dù không đi được hết, nghe được hết, nhưng tôi cảm nhận được một Sa Thầy khác, với mạch sống đang mạnh mẽ xuôi chảy, đang tự tin vươn tới, anh ạ.
Dường như anh rất tâm đắc với hình ảnh "một Sa Thầy khác...", bởi theo anh, nó truyền cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc niềm tin về một Sa Thầy phát triển trong tương lai gần.
Hôm ấy, chúng tôi có một cuộc trò chuyện cởi mở về “đất và người Sa Thầy”. Người dân nơi đây cần cù, chịu thương chịu khó và sống hào phóng, hồn hậu như cây rừng. Trong những năm kháng chiến, mặc dù gian khổ, hy sinh, nhưng người dân Sa Thầy vẫn kiên trung, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, sẵn sàng đóng góp tất cả cho cách mạng.
Nói một cách khách quan, Sa Thầy là vùng đất không được thiên nhiên ưu đãi. Thiệt thòi hơn các địa phương khác, giao thông cách trở, đi lại khó khăn; phần lớn diện tích tự nhiên là đất lâm nghiệp (chiếm 83,98%, tương đương 120.250ha); đất đai cằn cỗi... Chính vì vậy, khi nói đến Sa Thầy, người ta thường nhắc nhiều hơn về những khó khăn, lạc hậu.
Nhưng cũng vì thế mà thêm trân trọng ý chí, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sa Thầy trong hành trình vượt qua khó khăn, làm nên diện mạo mới cho vùng đất kiên cường này.
Sa Thầy khép lại năm 2018, chào đón "tuổi 40" với những kết quả rất đáng ghi nhận. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 35,67 triệu đồng; diện tích cây công nghiệp phát triển đúng quy hoạch và ổn định, với 12.000ha cao su (8.600ha đã đưa vào kinh doanh), 2.352ha cà phê. Chăn nuôi đại gia súc có sự phát triển vượt bậc, dần định hình theo hướng tập trung, bán công nghiệp.
Cùng với việc thực hiện chủ trương phát triển ngành nông nghiệp, huyện Sa Thầy chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng. Hệ thống giao thông từ huyện đến làng đã được quan tâm đúng mức, bảo đảm đi lại thông suốt 2 mùa, từng bước phá thế ngõ cụt của huyện. Diện mạo đô thị khang trang hơn, nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống người dân được cải thiện mọi mặt qua việc đầu tư mạnh mẽ điện lưới, thông tin liên lạc, cấp nước, thương mại - dịch vụ...
Điểm nhấn nổi bật nhất trong năm qua chính là bước tiến trong thu hút đầu tư phát triển công nghiệp trên địa bàn. Hiện tại huyện có 5 nhà máy chế biến nông sản đi vào sản xuất ổn định, hàng năm tiêu thụ ổn định sản phẩm nông nghiệp (cao su, mì) của người dân trên địa bàn, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, nộp ngân sách gần 100 tỷ đồng/năm.
Thành quả ấy không phải nhờ phép lạ của “đũa thần”, mà là kết quả của sự đoàn kết, nhất trí, nỗ lực cao của toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện; sự triển khai có hiệu quả những chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; phát huy nội lực dựa trên cơ sở khai thác hợp lý lợi thế, tiềm năng của địa phương và huy động tối đa các nguồn lực khác.
Khó có thể diễn tả hết bằng lời về niềm vui, lòng tự hào của cán bộ, nhân dân các dân tộc huyện Sa Thầy trong những ngày xuân này. Càng khó có thể diễn tả hết bằng lời không khí thi đua lao động, cống hiến, xây dựng náo nức, sôi động khắp nơi ở Sa Thầy chào mừng kỳ niệm 40 năm.
Khai thác hợp lý tiềm năng, thế mạnh để phát triển là mục tiêu lớn nhất mà Sa Thầy đề ra trong năm 2019 - Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Ngọc Sâm bộc bạch - Huyện Sa Thầy có tới gần 84% diện tích tự nhiên là rừng và đất lâm nghiệp, mới nhìn thì đó sẽ là bất lợi lớn cho một huyện mà đa số dân sống bằng nghề nông, nhưng chúng tôi biết phải làm gì để biến "bất lợi" thành lợi thế, với việc lựa chọn 2 lĩnh vực đột phá là phát triển kinh tế du lịch và dược liệu gắn với bảo vệ rừng.
Để thực hiện định hướng phát triển này, trong thời gian tới, cùng với việc tập trung huy động nguồn lực để thực hiện đạt các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI đề ra, huyện Sa Thầy sẽ rà soát, đánh giá quy hoạch sử dụng đất để thực hiện chủ trương dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp xây dựng cánh đồng lớn; tạo điều kiện cho nhà đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng công nghiệp chế biến trên địa bàn.
Đồng thời, rà soát diện tích rừng có khả năng phát triển dược liệu để quảng bá, kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đến đầu tư phát triển vùng nguyên liệu dược liệu dưới tán rừng gắn với phát triển ngành du lịch theo tinh thần Nghị quyết 09/2018/NQ-HĐND ngày 19/7/2018 của HĐND tỉnh về “Đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.
Một tin vui đến với Sa Thầy trong những ngày đầu xuân là, đã có 2 doanh nghiệp đến tìm hiểu và cam kết đầu tư 2 dự án trồng, chế biến dược liệu dưới tán rừng với quy mô lớn. Với khởi đầu thuận lợi này, chúng tôi đang kỳ vọng sẽ tiếp tục có những bước sải dài tự tin trên hành trình hướng tới tương lai - Chủ tịch huyện Nguyễn Ngọc Sâm chia sẻ.
Thành Hưng