Triển vọng nông nghiệp 4.0

07/01/2020 13:03

Vẫn trên những mảnh ruộng, cánh đồng ấy, vẫn là từ cây rau, cây hoa, nhưng ở nhiều nơi, người nông dân, doanh nghiệp đã mạnh dạn áp dụng những quy trình sản xuất nông nghiệp tiến bộ, mang lại năng suất cao, chất lượng tốt cho các loại hàng hóa nông sản. Và chính điều này góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước tạo ra cuộc “cách mạng xanh” trên đồng ruộng. Đó là kết quả tất yếu từ việc triển khai chương trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.

Hình thành những vùng sản xuất quy mô lớn

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, nông nghiệp 4.0 là xu thế phát triển tất yếu. Bằng việc áp dụng các quy trình hiện đại từ sản xuất, thu hoạch, bảo quản đến vận chuyển và chế biến; sản xuất giống chất lượng cao; canh tác chính xác; áp dụng các phương thức quản lý, kinh doanh mới giúp giảm sức lao động, nâng cao năng suất, chất lượng, từ đó nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm hàng hóa nông sản và tăng thu nhập cho người dân. Trên cơ sở đó, tỉnh ta xác định đẩy mạnh thực hiện chương trình nông nghiệp công nghệ cao gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, bắt đầu từ việc triển khai tích tụ ruộng đất, xây dựng những cánh đồng lớn để đưa giống mới, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước xây dựng và hình thành những khu, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 7 cánh đồng lớn với tổng diện tích là 538ha với 4 loại cây trồng gồm cà phê, mía, bắp sinh khối, lúa nước tại 4 địa phương. Trong đó, thành phố Kon Tum và Đăk Tô xây dựng 2 cánh đồng mía lớn; huyện Đăk Hà xây dựng 2 cánh đồng sản xuất cà phê bền vững và 1 cánh đồng sản xuất lúa thơm; huyện Kon Plông xây dựng được 1 cánh đồng trồng bắp sinh khối và 1 cánh đồng trồng lúa nước.

Nhiều doanh nghiệp ứng dụng sản xuất công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Huy Đằng

 

Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xác định mục tiêu xây dựng và thành lập ít nhất 3 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gồm Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen tại huyện Kon Plông, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Kon Tum và Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao huyện Đăk Hà. Đến nay, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen bắt đầu đi vào hoạt động ổn định với diện tích quy hoạch là 170 ha; được đầu tư về cơ sở hạ tầng như hệ thống điện, hệ thống cấp nước, 8.000m2 nhà kính để giới thiệu cho doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen còn phục vụ công tác nghiên cứu và chọn giống nhằm rút ra quy trình sản xuất tốt nhất để chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân như: trồng thử nghiệm giống dưa leo bao tử, cà chua, dâu tây...; trồng và sản xuất giống một số loại cây dược liệu như: lan kim tuyến, sâm đương quy, sâm dây.

Bên cạnh đó, các địa phương đang từng bước xây dựng các vùng nông nghiệp công nghệ cao như  vùng sản xuất rau, hoa, củ, quả an toàn tại thôn Măng Đen (xã Đăk Long, huyện Kon Plông); vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao và vùng sản xuất rau an toàn tại huyện Đăk Hà

Các công nghệ cao được áp dụng trong sản xuất như công nghệ chuyển gene trong chọn tạo giống cây ăn quả, rau, hoa; công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật để áp dụng cho nhân giống quy mô công nghiệp đối với các loại cây dược liệu; sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm, tự động hóa trong bón phân; công nghệ giá thể; kỹ thuật GPS trong kiểm soát sâu bệnh… Các kỹ thuật công nghệ cao sử dụng vật liệu mới như ứng dụng nano, bạt phủ giữ ẩm đất; công nghệ nhà kính, nhà lưới, màng phủ nông nghiệp; canh tác theo phương pháp hữu cơ.

Khơi thông chính sách, thu hút đầu tư

Doanh nghiệp nông nghiệp được xác định có vai trò “trụ cột” trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh, vì vậy, thời gian qua, tỉnh ta đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng, công khai, minh bạch để thu hút đầu tư.

Thời gian qua, tỉnh ban hành nhiều chính sách, chương trình nhằm khuyến khích, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao như: khuyến khích xây dựng nhà ở cho lao động; hỗ trợ khởi nghiệp, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ lãi suất vay thương mại cho doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu, trong đó hỗ trợ chi phí sản xuất giống  trồng sâm Ngọc Linh; chính sách hỗ trợ về đất đai, ưu đãi về thuế, đào tạo nghề… Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm dành nguồn vốn đáng kể để đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, thủy lợi phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các địa phương tăng cường giới thiệu địa điểm để các nhà đầu tư khảo sát lập dự án đầu tư, phối hợp với các sở, ngành trong công tác thẩm định các dự án đầu tư đảm bảo quy hoạch.

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Măng Đen. Ảnh: TH

 

Đến nay, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 31 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng vốn đăng ký đầu tư là 7.194,586 tỷ đồng, hiện tại có 27 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 6.996,182 tỷ đồng và quyết định giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án nghiệp với diện tích đất cho thuê 889,71ha.

Các đơn vị đầu tư sản xuất nông nghiệp từng bước thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, Viet Gap, hữu cơ… với khoảng 240ha sản xuất các sản phẩm rau, củ, quả các loại như bí Nhật, bắp sú, cà chua bi, dâu tây, cà rốt, khoai tây, súp lơ, xà lách  và  khoảng 202 ha trồng các loại cây ăn quả như cam, chanh, bưởi, chuối… Chất lượng sản phẩm được các nhà chuyên môn và người tiêu dùng đánh giá cao, thị trường ưa chuộng.

Điều đáng mừng là sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của người dân về ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; từng bước thay đổi tập quán canh tác, phương thức sản xuất lạc hậu; khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún hướng đến nền nông nghiệp quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất.

Bên cạnh đó, việc có nhiều doanh nghiệp đầu tư, xây dựng chuỗi sản xuất liên kết vừa tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của tỉnh vừa góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Với những kết quả ban đầu, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến trên địa bàn tỉnh đang có những bước đi đầy triển vọng.                           

Thùy Hương

Chuyên mục khác