Triển vọng làm giàu từ trồng dâu nuôi tằm

18/12/2017 13:24

​Trên vùng đất chỉ vốn quen với bóng cây cao su, với gốc mì, từ đầu năm 2017 đến nay, một số hộ dân ở xã Tân Lập (huyện Kon Rẫy) đã mạnh dạn đầu tư vào cây dâu, con tằm với nhiều kỳ vọng. Những nong tằm dãi dầu nhả những sợi tơ đầu tiên đã mang lại nhiều niềm vui cho người nông dân chân ướt chân ráo với nghề “ăn cơm đứng”.

Dù đã có hơn 1ha cao su và 1ha cà phê, nhưng gia đình anh Nguyễn Văn Sinh ở thôn 6, xã Tân Lập vẫn phải trải qua không ít ngày thiếu trước hụt sau khi phải nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Được ông Đặng Văn Tuất (xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy) - một người tâm huyết và am hiểu kĩ thuật và đầu ra của sản phẩm từ nuôi tằm động viên, vợ chồng anh chị quyết định thử sức với nghề trồng dâu nuôi tằm.

Vậy là, 6 sào đất trồng bắp kém hiệu quả trước kia được anh chị chuyển sang trồng dâu (loại dâu siêu cành, siêu lá). Sau 5 tháng, dưới đôi tay cần mẫn của vợ chồng anh, vườn dâu phát triển xanh tốt, sẵn sàng cho lứa tằm đầu tiên của gia đình. Tính kế lâu dài với mô hình, anh chị còn mạnh tay chi hơn 30 triệu đồng mua sắm 2 giàn nuôi, né nhả tơ và dụng cụ bóc kén; kinh nghiệm chăm sóc được anh học hỏi từ những người đi trước và trên internet.

Sau 13 ngày nuôi, 2 hộp tằm đầu tiên đã mang về cho anh chị gần 100kg kén, trừ 5 triệu đồng chi phí cho tiền phân bón, tiền giống và công hái lá dâu, anh chị thu lời gần 10 triệu đồng. Anh Sinh chia sẻ kinh nghiệm, lá dâu cho tằm ăn phải sạch sẽ, cho tằm ăn đúng giờ giấc, vào khoảng 6h sáng, 11h trưa, 17-18h chiều và 23h đêm. Quy trình ăn ngày 4 bữa đều đặn mới cho hiệu quả kinh tế cao. Từ những kết quả đạt được, vợ chồng anh Sinh tiếp tục nuôi thêm lứa tằm thứ 2 với chi phí đầu tư tương đương lần nuôi đầu.

Ông Đặng Văn Tuất - người tiên phong trong mô hình nuôi tằm ở Kon Rẫy cho biết, sau 10 năm sinh sống tại Lâm Đồng, nhận thấy người dân trồng dâu nuôi tằm mang lại hiệu quả tốt, khi về Kon Tum, thấy khí hậu khá tương đồng, đất pha cát rất phù hợp với trồng dâu, hơn nữa lại mang lại giá trị kinh tế cao nên ông quyết định mang cây dâu con tằm về cùng bà con phát triển kinh tế.

Lứa tằm thứ 2 của gia đình anh Nguyễn Văn Sinh chuẩn bị nhả tơ. Ảnh: C.L

 

Để tạo điều kiện cho người dân, bên cạnh hướng dẫn kĩ thuật trồng dâu và chăm sóc tằm cho bà con, ông Tuất đồng ý cho bà con nợ tiền mua cây, con giống, rồi trực tiếp đến thu mua sản phẩm kén của bà con để bán sang Công ty Dâu tằm tơ Bảo Lộc (Lâm Đồng), đảm bảo đầu ra ổn định cho người nuôi. Đến nay, đã có tổng cộng 7 hộ dân tham gia mô hình trồng dâu nuôi tằm với tổng diện tích hơn 10ha dâu.

Ông Tuất ước tính, tiền giống ban đầu cho vườn dâu vào khoảng 1 triệu đồng/sào; thu hoạch khoảng 20 năm mới phải trồng lại. Mỗi năm đầu tư khoảng 70 triệu cho 1ha, bao gồm khoảng 30 triệu đồng tiền phân chuồng, 15 triệu tiền phân hoá học, 25 triệu tiền làm cỏ cho 5 đợt. Mỗi héc ta cho thu hoạch 50 tấn lá/năm, khi đem đi nuôi tằm sẽ thu về 4,4 tấn kén, với mức giá bình quân 150.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, người dân sẽ thu được hơn 400 triệu đồng.

Vấn đề còn lại người dân quan tâm chính là đầu ra ổn định cho sản phẩm. Ông Tuất cho biết, thời gian tới ông dự định sẽ vận động phát triển diện tích trồng dâu lên vài chục héc ta, khi có diện tích tương đối, Công ty Dâu tằm tơ Bảo Lộc - đơn vị thu mua sản phẩm hiện tại sẽ sang tập huấn và có hợp đồng với bà con để bà con yên tâm sản xuất. Với hiệu quả kinh tế khả quan ban đầu, thiết nghĩ, đó không chỉ là mong muốn của riêng ông mà là mong mỏi của những nông dân đã bén duyên với cây dâu con tằm.

Chung Loan

Chuyên mục khác