22/03/2019 06:36
Lợi ích kép từ trồng sa nhân tím
Năm 2017, 2018 từ nguồn ngân sách của huyện, Sa Thầy hỗ trợ người dân trên địa bàn triển khai thí điểm mô hình trồng sa nhân tím dưới tán rừng. Đến nay, toàn huyện có 35ha sa nhân tím với 20 hộ đồng bào dân tộc thiểu số làng Ba Đgốc (xã Sa Sơn) tham gia trồng.
Bà Tống Thị Nghĩa – Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Sa Thầy cho biết: Với người dân làng Ba Đgốc, cây sa nhân phân bố dưới tán rừng không xa lạ. Đây là một cây thuốc quý, chuyên trị các bệnh về đường ruột, làm gia vị, chiết xuất tinh dầu làm hương liệu mỹ phẩm... Trước đây, người dân thường lên rừng tìm kiếm, thu hái quả sa nhân để bán cho thương lái với giá rất cao. Dần dần do khai thác "vô tội vạ” của con người nên sa nhân trong rừng ngày càng hiếm. Nhằm bảo tồn loài cây sa nhân đồng thời khai thác lợi thế của địa phương, giúp người dân sống ở gần khu vực gần rừng có thêm nguồn thu, huyện Sa Thầy triển khai dự án trồng sa nhân tím dưới tán rừng.
"Ban đầu các hộ dân đều tỏ ra khá mơ hồ với mô hình này vì lâu nay họ chỉ quen với cây sa nhân mọc tự nhiên trong rừng, song nhờ được tận mắt tham quan, học hỏi vùng trồng sa nhân tím dưới tán rừng tại huyện KBang (tỉnh Gia Lai), lại được huyện động viên tích cực, hỗ trợ 50% giống (tương đương 1.200 cây giống/ha), hỗ trợ phân bón (80kg NPK/ha), cán bộ nông nghiệp xuống “cầm tay chỉ việc” nên các hộ dân đã mạnh dạn thử sức…" - bà Tống Thị Nghĩa cho chúng tôi biết thêm.
Sau hơn 2 năm triển khai, nhìn chung mô hình trồng sa nhân tím dưới tán rừng của huyện Sa Thầy có những thành công bước đầu, cây sinh trưởng và phát triển tốt với tỷ lệ sống đạt trên 90%. Diện tích sa nhân lứa đầu tiên chuẩn bị cho quả bói, từ sang năm sẽ cho thu hoạch ổn định.
Hiện sa nhân tím được thu mua với giá khoảng 100.000 đồng/kg quả tươi và khoảng 400.000 đồng/kg quả khô, như vậy, mỗi ha rừng trồng sa nhân người dân có thể thu về 15 - 20 triệu đồng.
|
Chưa hết, cây sa nhân tím còn có đặc điểm là phát triển nhanh, khoảng 2-3 năm thì lấp kín mặt đất, lấn át tất cả các cây dại khác nên việc trồng sa nhân sẽ góp phần tạo ra thảm thực vật ở dưới tán rừng, hạn chế tình trạng xói mòn đất nhờ hệ rễ cây phát triển rất mạnh, ăn sâu vào đất.
Theo bà Tống Thị Nghĩa thì sa nhân là cây trồng mang lại lợi ích kép, phát triển loại cây này là hướng đi hợp lý. Bởi sa nhân tím dưới tán rừng không những cải thiện được môi trường tự nhiên của đất mà còn giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống để người dân có thể yên tâm sống nhờ vào rừng, tích cực bảo vệ rừng.
Thu hút đầu tư vào dược liệu
Cùng với mô hình trồng sa nhân tím dưới tán rừng, thời gian qua, huyện Sa Thầy còn khuyến khích và hỗ trợ người dân các xã Hơ Moong, Sa Bình triển khai mô hình trồng xen canh cây đinh lăng trong vườn cà phê và bơ. Đến nay, toàn huyện có 25ha cây cà phê và bơ trồng xen đinh lăng. Ngoài ra, một số hộ dân trên địa bàn huyện cũng đã tự phát triển được khoảng 10ha cây nghệ.
Phát triển dược liệu là hướng đi đầy triển vọng nhằm khai thác tốt lợi thế về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của huyện và phù hợp với nhu cầu của thị trường hiện nay. Tuy nhiên, để cây dược liệu có thể phát triển một cách bền vững và thực sự góp phần mở hướng phát triển kinh tế, giúp nâng cao đời sống người dân, cùng với việc động viên, hỗ trợ người dân, huyện Sa Thầy đặc biệt chú trọng đến việc đẩy mạnh xúc tiến đầu tư; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư nhà máy sơ chế, chế biến dược liệu và hình thành các cơ sở thu mua, bảo quản dược liệu tại các địa bàn có vùng trồng dược liệu tập trung. Chỉ khi đầu ra ổn định thì người dân mới tin tưởng và chú trọng đầu tư, gắn bó với cây dược liệu.
Hiện tại, huyện Sa Thầy đã kêu gọi được Công ty TNHH Thái An (Bình Định) triển khai mô hình liên kết trồng và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cây đinh lăng tại xã Hơ Moong với diện tích 5ha. Đồng thời, đơn vị này hỗ trợ thu mua sản phẩm đinh lăng của người dân trên địa bàn xã Hơ Moong. Liên hiệp HTX Nông Công nghiệp Xanh Kon Tum cũng đã đồng ý đầu tư và đang tiến hành khảo sát xây dựng nhà máy chế biến dược liệu, vườn ươm cung cấp cây giống dược liệu cho nhân dân trên địa bàn xã Sa Bình.
Huyện Sa Thầy vẫn đang tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các chuỗi liên kết từ khâu trồng, thu hoạch, chế biến và phân phối dược liệu nhằm tiêu thụ hết sản lượng nguyên liệu dược liệu trên địa bàn huyện. Đối với người dân trên địa bàn, huyện khuyến khích, vận động hình thành các tổ hợp tác, nhóm hộ để liên kết trồng, tiêu thụ dược liệu.
Với các mô hình hiện tại và định hướng phát triển cây dược liệu, huyện Sa Thầy cho thấy lối đi phù hợp, hiệu quả. Trồng cây dược liệu sẽ góp phần nâng cao hệ số sử dụng đất, mở ra hướng giảm nghèo và phát triển kinh tế cho người dân, nhất là đồng bào DTTS trên địa bàn huyện.
Bài và ảnh: Thiên Hương