Triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi

29/11/2023 15:18

Ngày 29/11, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuân ký ban hành Công điện số 02/CĐ-CTUBND chỉ đạo tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
Hướng dẫn người phát triển chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Ảnh: HL

 

Công điện nêu rõ, để chủ động phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi kịp thời, hiệu quả, đảm bảo nguồn cung thịt lợn trong thời gian đến, nhất là vào dịp Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố chủ động chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.

Theo dõi chặt chẽ tình hình phát triển chăn nuôi, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi đặc biệt là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định và phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương để kiểm soát, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Có kế hoạch, phương án đảm bảo nguồn cung thịt lợn đáp ứng nhu cầu cho người dân trong thời gian đến, nhất là vào dịp Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024.

UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, huy động các nguồn lực của địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; tổ chức xử lý, tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, lợn chết.

Chủ động triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh đúng quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và cương quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển lợn bệnh, vứt xác lợn chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.

Tổ chức xử lý, tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, lợn chết. Ảnh: HL

 

Tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan, các biện pháp phòng dịch bệnh và sử dụng vắc xin Dịch tả lợn Châu Phi cho đàn lợn thịt theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. 

Khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn lợn bao gồm cả đàn lợn đã được tiêm vắc xin nhưng đã hết hoặc sắp hết thời gian miễn dịch, bảo đảm tỷ lệ đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm vắc xin. Thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn quản lý.

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và pháp luật nếu thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo dẫn tới dịch bệnh phát sinh, lây lan ra diện rộng gây thiệt hại nghiêm trọng cho người chăn nuôi.

Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp và hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện các giải pháp phát triển chăn nuôi đảm bảo đủ nguồn cung thịt lợn trong thời gian đến; giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học và biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật nói chung và bệnh Dịch tả lợn Châu Phi nói riêng theo quy định.

Phối hợp và hướng dẫn các huyện, thành phố tổ chức thực hiện quản lý giết mổ, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật. 

Thành lập các đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi.

Tăng cường công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật xuất, nhập và quá cảnh qua địa bàn tỉnh theo đúng quy định.

Phát hiện và xử lý nghiêm các trường vi phạm các quy định về kiểm dịch động vật. Rà soát và cấp phát vật tư, hóa chất cho các địa phương để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Hồng Lam

Chuyên mục khác