09/07/2017 18:30
1. Tôi thường đi qua đường Nguyễn Viết Xuân (thành phố Kon Tum). Vài tháng nay, trên đoạn đường ngắn này xuất hiện 5-6 sạp bán thịt heo. Sạp nào cũng có tấm bìa cạc tông ghi dòng chữ “heo nhà nuôi”. Mà cứ nhìn cách cầm dao của những người bán thịt cũng biết, họ không phải “dân chuyên nghiệp”.
Tôi để ý trong đó có một người đàn ông đen đúa, chất phác, nên ghé mua và hỏi chuyện. Anh nói nhà ở xã Đăk Cấm, nuôi được đàn heo 30 con, đến kỳ xuất chuồng, dù giá rẻ như cho vẫn không có ai mua. Một hôm buồn quá, xách xe ra phố, thấy có mấy người trải tấm nilon bán thịt heo, hỏi rằng heo ở đâu? Đáp rằng heo nhà nuôi, xuất không được nên mổ thịt tự bán, gỡ gạc chút đỉnh.
Thế là anh về, làm theo. Đôi bàn tay thô kệch, chỉ quen cầm cuốc, xách nước, đâu có được chuyên nghiệp như người ta, thế nên cứ lóng nga lóng ngóng, cắt thịt, pha xương nát vụn hết cả, may cũng có người quen, hoặc thấy anh thật thà chất phác, ghé vào mua ủng hộ, ngày cũng mổ bán hết 1 con. Anh nói, bán hết đàn heo rồi nghỉ, chứ thế này cực lắm.
Anh rủ rỉ tâm sự tính trồng chanh dây trên khu đất vườn rộng hơn 5 sào của gia đình. Tôi khuyên anh từ từ đã, người ta đang đổ xô vào trồng đấy, tiêu thụ cũng “chua” lắm. Anh thở dài: Chẳng biết đến bao giờ nông dân chúng tôi mới thoát cái vòng luẩn quẩn này nhỉ?
Nuôi vài ba chục con heo còn có thể làm như anh, nếu nuôi quy mô lớn thì xoay xở sao đây? Rõ ràng một chu trình khắc nghiệt vẫn tái diễn trong sản xuất nông nghiệp nước ta nhiều năm qua: “được mùa mất giá”, thừa ế nông sản, gây thua thiệt lớn cho nông dân.
Trước việc nông sản thừa ế, xã hội đã tiến hành nhiều đợt “giải cứu”, giúp nông dân tiêu thụ hàng hóa. Nhưng vấn đề đặt ra là sự chia sẻ tốt đẹp ấy có làm nông dân khá lên, sản xuất bài bản hơn hay chỉ là việc giúp “vượt cạn” nhất thời và nhà nông vẫn phải đối mặt với nguy cơ cũ?
Mỗi khi thị trường đỏng đảnh, trở quẻ thì công sức của họ trong thời gian dài coi như tiêu tan. Nông dân có phần lỗi khi vẫn sản xuất theo lối tự phát. Thấy cây, con gì bán có giá là ùa theo trồng, nuôi; thương lái nước ngoài dạm giá thu mua cao là phá bỏ cây cũ ồ ạt trồng cây mới. Mua được vài vụ, thương lái biến mất, đành chịu vỡ trận, sản phẩm bỏ thối ngoài đồng.
Nhưng các cấp, các ngành cũng có trách nhiệm khi để nông dân vẫn phải tự bơi trong cơ chế thị trường. Thay vì chỉ cho bà con nông dân nuôi “con gì”, trồng “cây gì” cho hợp đất, hợp khí hậu, hợp mùa vụ, trồng rồi thu hoạch có nơi tiêu thụ… thì lại cũng kêu gọi giải cứu nông sản.
Bây giờ đau đáu chuyện giải cứu đàn heo, biết đâu mai mốt lại phải giải cứu chuối, thanh long, chanh dây...?
2. Đi công tác ở huyện Tu Mơ Rông, được lên vườn sâm Ngọc Linh trên đỉnh núi mưa phủ rừng che. Chụp ảnh vườn sâm của ông A Điện Biên - nông dân đặc nhé, chứ không phải doanh nghiệp. Khoe trên Zalo, anh bạn từ Hà Nội gọi điện nhờ: Khi nào có điều kiện mua giùm tớ mấy củ ngâm rượu.
Ngập ngừng nhận lời, tối về, cùng mấy anh nông dân A Hít, A Hốt, A Chiến ở làng Kô Xia, xã Ngọc Lây bỏ nhà lên núi trồng sâm nhấm nháp ly rượu sâm với chuột rừng mà trăn trở mãi. Mấy chục năm rồi, kể từ khi được dược sĩ Đào Kim Long công bố vào năm 1973, đến nay sâm Ngọc Linh vẫn chủ yếu để... ngâm rượu.
Ngay cả bây giờ, “sâm Ngọc Linh” mới được tổ chức Kỷ lục Việt nam (VietKings) công bố nằm trong Tốp 10 đặc sản quà tặng Việt Nam 2017, rất quý, rất đắt giá, ấy vậy mà khi mua, người ta vẫn chỉ nghĩ ngay đến... ngâm rượu. Đơn giản đến mức đơn điệu.
Nhìn sâm “nhà người”, xuất khẩu rầm rầm, đủ loại sản phẩm từ sâm. Rượu sâm, trà sâm, nước sâm đóng lon, kẹo sâm, sữa rửa mặt từ sâm, mặt nạ sâm, sâm gói dành cho trẻ phát triển chiều cao, trà sâm dành cho phụ nữ muốn giảm cân…
Thôi thì không bàn chuyện hàng hiếm, hàng quý nữa, bàn chuyện nông sản thường ngày thôi. Đã từng lê la nhiều Hội chợ nông nghiệp, nhưng các mặt hàng vẫn y chang nhau từ năm này qua năm khác. Hầu hết là sản phẩm nông nghiệp thô, tìm được một thứ nông sản đã thoát khỏi dạng thô sơ sao hiếm hoi quá, nói gì đến những thứ đã được chế biến tới mức tinh hoa.
Đương nhiên, hệ quả của việc này là nông dân thua thiệt nhất, bởi vừa lo giá cả bấp bênh, vừa thấp thỏm bị ép giá, thương lái thu mua với giá thấp vì chỉ xuất bán sản phẩm thô.
Vì thế, tôi đã mừng sao là mừng khi anh nông dân ở huyện Ngọc Hồi có vườn bưởi rộng mênh mông gần đến kỳ thu hoạch bộc bạch ý định đầu tư thiết bị, máy móc làm nước bưởi ép. Khó khăn là tất nhiên, nhưng hãy hy vọng vào bước đột phá, vào tương lai không phải giải cứu...bưởi.
3. Tôi vẫn nhớ như in lần viết bài về những người nông dân ở xứ sở cà phê Đăk Hà đang háo hức với việc xây dựng thương hiệu cà phê cho riêng mình. Bắt đầu từ năm 2007, với quyết tâm xây dựng thương hiệu cà phê Đăk Hà, chính quyền địa phương đã vận động và yêu cầu các doanh nghiệp, người trồng sử dụng chế phẩm sinh học, phân hữu cơ vào sản xuất; thu hái cà phê phải bảo đảm tỷ lệ quả chín đạt từ 95% trở lên; sản phẩm sau thu hoạch phải được phơi sạch, khô đều, không bị mốc; chỉ được xuất cà phê nhân ra khỏi địa bàn; người lao động phải được tập huấn kỹ thuật...
Đầu vào nguyên liệu tốt, các doanh nghiệp chế biến cà phê đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất ra các loại sản phẩm cà phê bột pha phin, cà phê hoà tan, cung cấp ra thị trường những loại cà phê chất lượng cao mang tên Đăk Hà.
Nhưng điều quan trọng nhất, như anh Phạm Đức Hạnh (khi ấy là Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà, bây giờ là Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường) luôn trăn trở, là phải làm sao tuyên truyền, nâng cao ý thức chủ động tham gia của người nông dân, bởi chính họ mới là người quyết định sự thành công của việc xây dựng thương hiệu.
Thực tế cho thấy, sự trăn trở ấy là có cơ sở. Chỉ có bà con nông dân mới đảm bảo được không thu hoạch quả cà phê còn xanh; chỉ sử dụng chế phẩm sinh học, không sử dụng hóa chất độc hại; phơi cà phê đúng quy định, đủ nắng, độ dày vừa phải... Những thứ ấy nghe thì bình thường, nhưng lại quyết định đến chất lượng sản phẩm.
Từ chuyện xây dựng thương hiệu cà phê Đăk Hà khá thành công lại nghĩ đến kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh. Rõ ràng kế hoạch này đang nhận được sự quan tâm của chính quyền và người dân, bởi việc tổ chức lại mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao để giảm giá thành, bảo đảm thực hiện khép kín các khâu, từ trồng trọt đến thành phẩm đóng gói đưa đến người tiêu dùng.
|
Để làm được điều này phải có vai trò của nhà nước, sự kết nối giữa các doanh nghiệp mạnh và các hộ nông dân; hỗ trợ và định hướng nông dân thay đổi cách thức sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững. Như vậy, nỗi lo về sự bất ổn ngành nông nghiệp và thu nhập nhà nông bèo bọt mới vơi đi, khi ấy người nông dân mới có thể đổi đời trên mảnh đất của mình.
Vậy nên, việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp công nghệ cao mà tỉnh đang quyết tâm triển khai sẽ là một bước đột phá, giúp nông dân thoát khỏi cái chu trình khắc nghiệt nói trên.
Tôi tin là như vậy!
Bài, ảnh: Thành Hưng