Trăn trở hành trình xây dựng nông thôn mới ở xã nghèo Đăk Tăng

12/03/2018 07:00

​Sau hơn 6 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, diện mạo xã Đăk Tăng (huyện Kon Plông) đã và đang thay đổi từng ngày, đời sống người dân được cải thiện hơn trước. Tuy nhiên, với một xã nghèo, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, hành trình xây dựng nông thôn mới của Đăk Tăng vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Nỗ lực vượt khó

Đăk Tăng có xuất phát điểm thấp khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí thấp, kết cấu hạ tầng còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, trong những năm qua, với sự nỗ lực của Đảng uỷ, chính quyền và nhân dân trong xã, đến nay, Đăk Tăng đã đạt được 10 tiêu chí nông thôn mới.

Diện mạo nông thôn Đăk Tăng đã có những nét khởi sắc. Ảnh: T.H

 

Ông A Hùng – Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Công tác tuyên truyền là một trong những yếu tố quan trọng mà Đăk Tăng đã xác định và thực hiện khi xây dựng nông thôn mới. Bởi khi người dân hiểu đúng và đủ về vai trò, trách nhiệm cũng như quyền lợi của mình trong việc xây dựng nông thôn mới sẽ phát huy được sức mạnh nội lực, người dân sẽ tự nguyện tham gia thực hiện các phần việc trong khả năng. Nhờ đó, xã Đăk Tăng huy động được người dân tích cực tham gia vào các phần việc nằm trong khả năng của mỗi người, mỗi gia đình.

Tiêu biểu là việc người dân sẵn sàng hiến đất, hiến hoa màu khi giải phóng mặt bằng để mở đường giao thông; lực lượng thanh niên của các thôn, làng tích cực tham gia đóng góp ngày công để bê tông hoá đường làng, ngõ xóm, kênh mương nội đồng...

Đến nay, toàn xã đã có 27km đường trục thôn, 27km đường ngõ xóm đã được bê tông hoá, đạt 100% chỉ tiêu, 9km đường trục chính nội đồng cũng đã được bê tông hoá, đạt 60% chỉ tiêu đề ra; 3,3/4km kênh mương nội đồng đã được kiên cố hoá, đạt tỷ lệ 65%.

Bên cạnh đó, người dân Đăk Tăng còn tự giác xây dựng, sửa chữa nhà cửa để đảm bảo kiên cố, vững chãi. Hiện nay, xã Đăk Tăng không còn nhà ở tạm bợ, dột nát, 100% các gia đình đã có nhà ở đảm bảo 3 cứng theo tiêu chuẩn nông thôn mới.

Cũng trong các năm qua, xã Đăk Tăng đã đẩy mạnh các phong trào thi đua  “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với “Chung sức xây dựng nông thôn mới”. Qua đó, đã phát huy tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm của người dân trong việc dọn vệ sinh thôn xóm, xây dựng lối sống văn hoá ở thôn, làng; tạo môi trường xanh, sạch, đẹp tại nơi sinh hoạt và nơi ở của mỗi gia đình.

Trong sản xuất nông nghiệp, Đăk Tăng đang tập trung thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp với nhiệm vụ trọng tâm là đầu tư phát triển các loại cây trồng chủ lực như lúa, cà phê, cây dược liệu; chăn nuôi trâu và heo địa phương.

Nhiệm vụ này đã được người dân trong xã đồng lòng hưởng ứng. Đến nay, đồng bào DTTS trên địa bàn xã đã chủ động, mạnh dạn hơn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế gia đình; giảm bớt tình trạng trông chờ, ỷ lại vào sự trợ cấp của Nhà nước. Đã có những tổ hợp tác trồng cây dược liệu, chăn nuôi trâu được hình thành ở Đăk Tăng...

Còn nhiều thách thức

Mặc dù trong những năm gần đây, Đăk Tăng đã có bước phát triển cả về kinh tế và xã hội, nhưng hành trình xây dựng nông thôn mới ở Đăk Tăng vẫn còn rất nhiều gian nan, khó khăn.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã – A Hùng, cái khó nhất bây giờ của xã chính là tiêu chí thu nhập đầu người và tỷ lệ hộ nghèo. Hai tiêu chí này gắn bó chặt chẽ bởi khi thu nhập đầu người thấp thì tỷ lệ hộ nghèo cũng sẽ cao. Đây thực sự là bài toán khó với xã, đòi hỏi một quá trình tháo gỡ chứ không thể giải quyết ngay trong một sớm một chiều.

Theo số liệu thống kê của UBND xã, thu nhập bình quân đầu người của xã Đăk Tăng hiện mới chỉ đạt 12,8 triệu đồng/năm và hàng năm mức tăng không nhiều; tỷ lệ hộ nghèo toàn xã cũng còn tới 45,96%, cận nghèo là 4,5%. Theo quy định đến năm 2020, tiêu chí thu nhập đầu người ở khu vực nông thôn phải đạt 41 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo dưới 7% thì khoảng cách này còn quá xa.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã- A Hùng, nguyên nhân khiến cho thu nhập đầu người của xã thấp và tỷ lệ hộ nghèo cao là sản xuất của người dân manh mún, thiếu tập trung, phụ thuộc vào thiên nhiên và tư thương. Hiện nay, người dân chủ yếu sản xuất lúa, nhưng đa số bà con vẫn giữ tập quán canh tác cũ, chưa mạnh dạn đưa các giống cây trồng có năng suất cao vào sản xuất và áp dụng thâm canh 2 vụ; diện tích cây lâm nghiệp, công nghiệp còn ít, chưa có liên kết để chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của nông dân một cách bền vững. Mặt khác, thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn xã nên sản xuất nông nghiệp càng gặp nhiều rủi ro.

Người dân Đăk Tăng tham gia làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: T.H

 

Ngoài ra, phải khẳng định rằng, trong công cuộc giảm nghèo, sự nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo của mỗi hộ nghèo là nhân tố quyết định thành công; tuy nhiên, phần lớn hộ nghèo thiếu vốn, còn thụ động trong việc tiếp cận phương thức sản xuất mới; một số hộ còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa tự giác vươn lên thoát nghèo. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, số hộ thoát nghèo có nguy cơ tái nghèo hàng năm còn rất cao...

Bên cạnh đó, một số tiêu chí như an ninh - trật tự xã hội, văn hoá dù đã đạt nhưng thiếu bền vững nên việc giữ cũng không dễ.

Mặc dù việc xây dựng nông thôn mới ở xã Đăk Tăng còn nhiều khó khăn, nhưng cấp uỷ, chính quyền xã xác định đây là một quá trình dài, sẽ thực hiện từng bước, từng phần với quan điểm dễ làm trước, khó làm sau. Tin rằng, với những nỗ lực của địa phương cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, của huyện, hành trình xây dựng nông thôn mới của xã Đăk Tăng sẽ thuận lợi hơn trong thời gian tới

Hương Nga 

Chuyên mục khác