15/12/2020 13:07
Thấy gì từ… vỉa hè?
Trời mới mờ sáng, vợ chồng bà Mười tất bật dọn hàng ra bán. “Cửa hàng” của ông bà “chiếm dụng” một đoạn vỉa hè góc ngã tư đường ở thành phố Kon Tum, bán các loại dược liệu như hà thủ ô, mật nhân, nhân trần, cỏ máu, đinh lăng, đương quy, cây nở ngày đất... Vì vậy, chỉ cần đến gần, ta đã thấy phảng phất mùi thơm thơm, nồng nồng của lá thuốc, củ thuốc.
Những dược liệu này được tôi nhập từ các mối hàng trên huyện, hoặc bà con ở các làng DTTS lấy từ vườn nhà hoặc thu hái được trong khi đi rừng, đi rẫy, nên đảm bảo nguồn gốc tự nhiên- bà Mười vừa xếp từng bịch nilon to tướng chứa dược liệu lên sạp gỗ vừa nói.
Có lẽ các mặt hàng của “phố” thuốc nam “hút” khách phần lớn cũng vì “quảng cáo” có nguồn gốc tự nhiên ấy. Dừng chân một chút bên “gian hàng” của bà Mười có thể thấy lượng người mua không phải là ít, trong đó có cả những vị khách từ Hà Nội vào, từ Thành phố Hồ Chí Minh ra... Cứ như ông Mười kể, có những mối hàng “ruột” thường lấy mấy chục bịch mật nhân, hoặc cả trăm bó hà thủ ô một lần.
|
Ban đầu, ở góc phố này chỉ có bà Mười, dần dà có thêm mấy người nữa cũng đem dược liệu đến bày bán “góp vui” nên góc ngã tư này trở nên khá đông người qua lại mua bán.
Lẽ tất nhiên, việc bày bán dược liệu này hoàn toàn là tự phát, người bán thì vì mưu sinh; người mua thì vì nhu cầu, vì tâm lý tin tưởng dược liệu có thể chữa và phòng nhiều loại bệnh mà không gây hại. Trong khi cơ quan chuyên môn chẳng mấy quan tâm đến khâu kiểm soát lưu thông phân phối, nguồn gốc, xuất xứ, công dụng của các loại dược liệu được bày bán.
Bạn thấy gì từ những quầy dược liệu bày bán trên vỉa hè ở thành phố Kon Tum? Lấn chiếm vỉa hè ư? Nguy cơ mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị ư? Đều đúng cả.
Nhưng dưới góc độ của một người gắn bó lâu năm với nghề y dược cổ truyền, mỗi lần nhìn thấy cảnh ấy, anh bạn tôi lại than thở về nỗi “long đong” của dược liệu. “Hình ảnh này cho thấy, ngành dược liệu của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, giá trị tạo ra chưa nhiều. Việc đầu tư phát triển, chế biến và sử dụng dược liệu còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, chưa hiệu quả; tình hình khai thác, buôn bán dược liệu tự nhiên chưa được kiểm soát chặt chẽ dẫn đến một số dược liệu quý hiếm có nguy cơ cạn kiệt”- anh nhận xét.
Cũng từ những bịch nilon chứa đầy dược liệu phơi khô được bán trao tay ấy, có thể thấy được “bóng dáng” những hạn chế đang lẩn khuất đâu đây của ngành kinh tế dược liệu Kon Tum. Đó là việc thu hái dược liệu tăng mạnh nhưng thiếu sự kiểm soát của các cơ quan quản lý. Đó là nguy cơ cạn kiệt, tuyệt chủng cây thuốc quý, như vàng đắng, sa nhân tím, đảng sâm, ngũ vị tử… bởi khai thác tự phát, bừa bãi kiểu tận diệt. Đó còn là tình trạng mua bán dược liệu tự phát, bán đại trà cho thương lái ngoài tỉnh…
Nhưng điều trăn trở hơn cả chính là sự tụt hậu về nghiên cứu sản phẩm và đầu tư công nghệ chế biến. Theo đánh giá của các chuyên gia, nguồn dược liệu của tỉnh Kon Tum phong phú thật, nhưng sản phẩm từ dược liệu thì nghèo nàn, hầu hết là dạng thô, chủ yếu là phơi khô hoặc ngâm rượu; rất ít sản phẩm tinh chế từ nguồn dược liệu của núi rừng Kon Tum nên chưa nâng cao được giá trị gia tăng cho sản phẩm, tăng thu thập cho người dân.
|
Theo đại diện một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trồng, thu mua, chế biến dược liệu, hạn chế lớn nhất của ngành dược liệu Kon Tum là mức độ nghiên cứu, phát triển sản phẩm từ dược liệu, đặc biệt công nghệ chiết xuất hoạt chất thuốc từ dược liệu không cao.
Đơn cử, việc tiêu thụ sâm Ngọc Linh dưới dạng sâm củ sẽ không tạo ra được giá trị gia tăng cao cho ngành dược liệu và khó có thể đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế mang thương hiệu quốc gia. Hãy thử so sánh, với nhân sâm, người Hàn Quốc bán khô, bán tươi và hàng loạt sản phẩm tinh chế, như kẹo nhân sâm, sữa rửa mặt nhân sâm, cao nhân sâm, nước tăng lực nhân sâm... bán khắp thế giới. Nếu có thể “đại chúng” các chiết xuất từ sâm Ngọc Linh, biến chúng thành thuốc cổ truyền thì giá trị kinh tế sẽ như thế nào, hẳn rằng sẽ hơn hẳn bán sâm củ.
Để dược liệu không chỉ là tiềm năng
Cách đây 3 năm, Viện Dược liệu (Bộ Y tế) đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Y tế tiến hành điều tra khá kỹ lưỡng về tiềm năng dược liệu ở Kon Tum. Báo cáo công bố sau đó cho biết, tỉnh Kon Tum có 853 loài cây thuốc và nấm làm thuốc. Trong đó có nhiều loài dược liệu có giá trị chữa bệnh và kinh tế cao, như sâm Ngọc Linh, đảng sâm, đương quy, ngũ vị tử...
Bên cạnh đó, các đoàn khảo sát còn ghi nhận một số cây thuốc mang tính đặc trưng riêng của đồng bào DTTS tại chỗ như prác, tà liền chuông, gừng lúa… Chưa kể rất nhiều loại cây dược liệu khác được nhân dân sử dụng trị bệnh chưa được định danh.
Thực hiện Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (ban hành tháng 12/2018), trong hơn 2 năm qua, tỉnh Kon Tum đã gặt hái được những thành công nhất định trong thúc đẩy phát triển diện tích dược liệu, chuyên nghiệp hóa và gia tăng giá trị sản phẩm, gia tăng lợi ích cộng đồng và nhân rộng các mô hình có hiệu quả.
Tỉnh đã thu hút được 17 dự án đầu tư phát triển dược liệu với tổng vốn đầu tư 11.229 tỷ đồng trên quy mô 7.800ha. Một số dự án chiến lược của các nhà đầu tư lớn đang được triển khai, kỳ vọng sẽ đưa các sản phẩm có chất lượng và sức cạnh tranh tiêu thụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Hiện tỉnh đang tiếp tục giới thiệu cho các doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế tiến hành khảo sát thực tế để lập dự án đầu tư, phát triển sâm Ngọc Linh dưới tán rừng kết hợp với quản lý, bảo vệ rừng. Theo báo cáo nghiên cứu năm 2019 của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tỉnh Kon Tum đứng đầu các tỉnh khu vực Tây Nguyên về thu hút các dự án đầu tư phát triển dược liệu.
Nhưng cho đến nay, vấn đề đang làm các nhà quản lý trăn trở là, ngành dược liệu vẫn chưa thực sự trở thành động lực mạnh mẽ, trở thành mũi nhọn thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội như kỳ vọng.
|
Theo các chuyên gia, nguyên nhân là do mối liên kết vùng còn lỏng lẻo trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ dược liệu; các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược liệu đóng trên địa bàn ít quan tâm đầu tư các cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ chế biến và bảo quản nên khả năng cạnh tranh tiêu thụ dược liệu rất hạn chế.
Việc đặt mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025 cho thấy nỗ lực và khát vọng lớn lao của tỉnh trong hành trình đánh thức “kinh tế xanh” phục vụ giảm nghèo và phát triển bền vững.
Nhưng muốn vậy, tỉnh cần đầu tư, khuyến khích nghiên cứu khoa học công nghệ để phát triển đầu ra của dược liệu, hình thành sản xuất theo chuỗi giá trị với công nghệ tốt theo hướng bào chế dược liệu, không mua bán thô.
Phát triển các doanh nghiệp chế biến ở những vùng sản xuất dược liệu có quy mô lớn. Thúc đẩy mô hình liên kết “bốn nhà” (Nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp - nhà nông), lấy doanh nghiệp làm trung tâm để tạo dựng vùng sản xuất dược liệu, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, cung cấp dược liệu tốt, ổn định cho công nghiệp dược, y học cổ truyền và xuất khẩu; tổ chức phát triển các vùng trồng cây thuốc có nhu cầu sử dụng lớn.
Đồng thời có chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất dược liệu có chất lượng tốt từ sự đầu tư đầy đủ về giống, kỹ thuật trồng trọt, thu hái, chế biến và bảo quản. Định hướng nông dân liên kết với nhau thành tổ hợp tác hay hợp tác xã để có vùng trồng cây thuốc quy mô, diện tích lớn, bảo đảm được đầu ra; chấm dứt tình trạng manh mún, riêng lẻ.
Bên cạnh đó, cần sự hỗ trợ từ Trung ương để hình thành Khu công nghiệp sản xuất, chế biến dược liệu tập trung với quy mô lớn để tiêu thụ nguyên liệu, sản xuất các sản phẩm có chất lượng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, bảo tồn các dược liệu quý hiếm, chuyển giao khoa học công nghệ và nghiên cứu sản xuất các sản phẩm từ dược liệu.
Hồng Lam