Trăn trở đầu ra của sản phẩm OCOP

13/05/2023 13:13

Theo thống kê, đến hết tháng 4/2023, toàn tỉnh có 188 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên còn hiệu lực; nhiều sản phẩm OCOP có chất lượng tốt, bao bì, nhãn mác đẹp, được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và cấp khu vực. Tuy nhiên, vấn đề đầu ra cho sản phẩm còn nhiều điều trăn trở.

Thực tế, không ít chủ thể tham gia OCOP mới chỉ chú tâm làm sản phẩm mà chưa chú trọng đến công tác xúc tiến thương mại, chưa đa dạng kênh bán hàng, tiếp thị sản phẩm. Vì thế, nhiều người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh vẫn chưa biết đến các sản phẩm OCOP của tỉnh.

Điều đáng nói, số lượng địa điểm bày bán sản phẩm OCOP của tỉnh còn ít ỏi, do đó việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng, trước tiên là người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh còn những hạn chế, trở ngại nhất định.

Hiện, toàn tỉnh chỉ có 1 cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP do Sở Công thương hỗ trợ xây dựng, 5 cửa hàng do các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tự mở tại các huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Kon Plông, Đăk Glei và thành phố Kon Tum. Sản phẩm OCOP của tỉnh tại siêu thị, các cửa hàng bán lẻ, chợ truyền thống cũng chưa thực sự nổi bật; trong khi đây là lại là những “kênh” quảng bá, tiếp thị sản phẩm quan trọng đến với người tiêu dùng.

Sản phẩm OCOP huyện Đăk Tô được giới thiệu tại Hội chợ Công thương và sản phẩm OCOP năm 2022. Ảnh: T.H

 

Bên cạnh đó, phần lớn sản phẩm OCOP na ná về tên gọi, chất lượng, mẫu mã. So với các sản phẩm “cùng phân khúc”, “cùng ngành hàng” của các tỉnh, thành khác thì sản phẩm OCOP của tỉnh ta không có sự nổi trội về hình thức, chất lượng, giá cả và giá trị riêng.

Chẳng hạn, mặt hàng cà phê, thời gian qua, có nhiều sản phẩm tham gia phân hạng và đã được công nhận đạt chuẩn OCOP. Nhưng ngoài một số sản phẩm đã có thương hiệu khá lâu như cà phê Sáu Nhung, Dakmark, Hải Tình thì rất nhiều sản phẩm chưa tạo được “dấu ấn riêng”, chưa để lại ấn tượng cho người tiêu dùng và chưa khẳng định “chỗ đứng trên thị trường”. Hay như các sản phẩm chế biến từ dược liệu, đa số sản phẩm tương đồng nhau như tinh bột nghệ, sâm dây tươi, sâm dây khô, rượu sâm dây, trà sâm dây. Điều này làm cho người tiêu dùng khó phân biệt, lựa chọn và làm giảm đi tính cạnh tranh của các sản phẩm OCOP.

Sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP. Ảnh: TH

 

Một trong những yếu tố được coi là tạo sức hút cho sản phẩm OCOP là “câu chuyện sản phẩm”, đến nay vẫn chưa được các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất chú trọng. Trong hồ sơ dự thi đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP, phần lớn các chủ thể sản xuất đều chỉ giới thiệu về diện tích, sản lượng, tiềm năng, thế mạnh phát triển và gần như “bỏ ngỏ” những “câu chuyện sản phẩm”. Vì thế, các sản phẩm thiếu sự độc đáo, sức hấp dẫn và không khơi gợi được sự tò mò về sản phẩm cho khách hàng.

Đầu ra là yếu tố quan trọng đảm bảo cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở ổn định và phát triển. Thế nhưng, để được người tiêu dùng đón nhận và có thêm nhiều sản phẩm OCOP  định vị được trên thị trường các chủ thể có sản phẩm OCOP cần đầu tư nâng cao chất lượng, cải tiến về mẫu mã, bao bì, tạo dấu ấn riêng cho sản phẩm, tăng cường quảng bá, mở rộng các kênh tiêu thụ. Bên cạnh đó, các địa phương, các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ kết nối, tìm kiếm các đơn vị bao tiêu sản phẩm, đưa các sản phẩm OCOP vươn xa.    

Thiên Hương

Chuyên mục khác