“Trái ngọt” trên vùng biên giới Ia H’Drai

10/05/2022 13:02

Trên các xã Ia Đal, Ia Dom, Ia Tơi thuộc huyện Ia H’Drai không còn cảnh hoang vu, trầm mặc như xưa bởi hiện hữu với những làng quê mới dựng của người Gia Rai, Mường, Tày, Nùng, Thái… bên những lô cao su xanh thẳm đang bật dậy mầm xanh, trải dài khắp núi rừng biên giới.
Khu vực biên giới được phủ xanh bởi bạt ngàn cao su, cây trái. Ảnh: TH

 

Dựa vào dân, bám rừng, mở đất

Ia H’Drai là căn cứ địa cách mạng trên vùng biên giới trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ít ai biết được rằng, miền đất này từng được mệnh danh là chốn “thâm sơn cùng cốc”, đất thì rộng, người lại thưa, rồi tàn tích của chiến tranh, nơi bom cày, đạn xới cùng với sự khắc nghiệt của thời tiết, nghèo đói bủa vây.

Ông Đỗ Thanh Nam - Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Sa Thầy (Công ty) cho biết, cuối năm 2006, thực hiện chủ trương của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Công ty Cổ phần Cao su Sa Thầy được thành lập. Nhiệm vụ của Công ty là trồng mới cao su trên địa bàn huyện Ia H’Drai. Đây là khu vực biên giới giáp với  huyện Đun Mia và Tà Veng, tỉnh Rattanakiri (Campuchia). Đó là một nhiệm vụ rất nặng nề, vất vả vì địa bàn đồi cao, đất đốc, sông suối, núi đồi chia cắt, nếu là mùa mưa thì hoàn toàn phải đi bộ. Xác định đây không chỉ đơn thuần là nhiệm vụ phát triển kinh tế mà còn là góp sức bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, cùng đồng bào các DTTS trên vùng biên giới xóa đói, giảm nghèo.

Trên 15 năm qua, cán bộ, đảng viên, người lao động Công ty đã vượt lên gian khó với sự quyết tâm, bám trụ vững vàng nơi vùng biên đầy khắc nghiệt này. Từ việc khảo sát đất đai, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, khai hoang mở đất đến trồng mới, chăm sóc bảo vệ vườn cây cao su. Đặc biệt là phải thực hiện tốt công tác dân vận, tuyên truyền, vận động bà con đồng bào DTTS cùng chung sức với Công ty. Ông Tạ Thúc Bình - Chủ tịch Công đoàn Công ty nhớ lại, thời điểm bắt đầu trồng mới cao su năm 2007, Công ty chỉ trồng được gần 200ha vì vô cùng khó khăn về địa hình, núi non hiểm trở. Đặc biệt là bà con DTTS chưa quen với công việc mới mẻ này nên hết sức khó khăn trong việc vận động bà con thay đổi phương thức sản xuất. Lao động không có, Công ty phải cử cán bộ đi về các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… tuyển dụng, nhưng nghe đến núi rừng biên giới là hầu như mọi người đều chán nản, dừng bước.

Chỉ đến khi cây cao su bén rễ, vươn xanh thì mọi người bắt đầu mới tin, mới nghe lời cán bộ nói là đúng! Bà Vi Thị Quỳn, dân tộc Thái, Trưởng thôn thôn 9, xã Ia Đal tâm sự: “Lúc đầu, bà con không ai nghe khi được tuyên truyền về trồng cao su. Có người còn bảo: “Mình không tin, trồng cái cây đó nó không đẻ ra lúa, ra bắp đâu”. Nhưng với sự kiên trì, quyết tâm của cán bộ, đảng viên của Công ty, từng bước vận động bà con rồi tạm ứng tiền, trả công thỏa đáng cho bà con nếu ai tham gia đào hố, khoanh lô, dọn cỏ… để trồng cao su trên những vùng đất mới. Bằng sự kiên trì và cách làm sáng tạo, sau 15 năm, thành công của Công ty ngoài mong đợi. Còn ông A Phe, dân tộc Gia Rai ở thôn 1, xã Ia Tơi nhắc lại chuyện xưa như thể tất cả những ngày khốn khó của làng mình đang hiện về trong ký ức: “Hồi ấy khổ lắm! Mà cũng thành tập tục rồi. Cứ một, hai năm lại đốt rẫy, dời làng đi ở chỗ khác. Mãi sau này, bà con mới chịu định canh, định cư, cũng là nhờ cán bộ vận động cả đấy”. Hôm nay, những mầm cây cao su mỡ màng đang bật dậy những chồi non mập mạp; những khu dân cư phong quang, những đồi mì, nương cà phê xanh thẳm… bên những ngôi nhà mới làm vui mắt người già, ấm lòng con trẻ.

Cùng lo cuộc sống nhân dân            

Chị Triệu Thị Coi, dân tộc Tày (đứng giữa) luôn là người có thành tích tốt trong thu hoạch mủ cao su ở xã Mô Rai. Ảnh: TH

 

Từ một đơn vị vỏn vẹn chỉ hơn chục con người với khởi nghiệp hầu như là con số không, đến nay, Công ty đã có trên 1.000 cán bộ, đảng viên và người lao động, trong đó, trên 80% là đồng bào DTTS. Bà con các dân tộc đã tích cực nhận khoán vườn cây và làm công nhân cho Công ty. Từ những vùng đất rừng hoang vu, đến nay, cả 3/3 xã biên giới của huyện đã được phủ xanh bởi những vườn cao su thẳng tắp, xanh thẳm dọc đất rừng biên giới. Đến nay, Công ty đã trồng được 5.285 ha, năng suất mủ bình quân đạt 1,7 tấn/1 ha. Năm 2021, sản lượng mủ đạt trên 7.000 tấn, lương bình quân của công nhân đạt trên 8 triệu đồng/người/tháng.

Có thể khẳng định, cây cao su đã bén rễ, “kết duyên” với bà con đồng bào các DTTS nơi đây. Trước đây, đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn, một số tập tục lạc hậu vẫn còn tồn tại, phương thức canh tác còn xưa cũ, ít hiệu quả. Từ ngày có Công ty, cán bộ, đảng viên, người lao động của Công ty đã sát cánh cùng bà con xây dựng cuộc sống mới, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc và khai thác cao su nhằm thay đổi cuộc sống của bà con trong tương lai không xa.        

Đêm biên giới Ia H’Drai thật nhiều cảm xúc! Trong men rượu cần nồng ấm, ông Vi Văn Tuyến, dân tộc Thái ở thôn Ia Mung, xã Ia Dom vít cần rượu thật sâu mời chúng tôi cùng uống, rồi ông nói: “Người dân với cán bộ như anh em một nhà thôi, “cái bụng” của cán bộ làm cao su tốt lắm, mang lại niềm vui cho dân làng mình đó”.   

Thanh Hải

Chuyên mục khác