Trái cây và triển vọng sản phẩm OCOP

07/07/2022 06:11

Trong số các sản phẩm OCOP được công nhận theo Quyết định số 24/QĐ-UBND ngày 11/1/2021 của UBND tỉnh, lần đầu tiên, có các sản phẩm trái cây trồng trên địa bàn tỉnh. Theo đánh giá, phân hạng từ Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), trái cây được xếp vào “Bộ rau, củ, quả, hạt tươi” trong số 9 bộ sản phẩm.
Thu hoạch cam xoàn tại HTX Đoàn Kết. Ảnh: TN

 

Sau thời gian kiên trì dốc sức đầu tư, HTX Đoàn Kết ở làng Kênh (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy) có 4 loại trái cây  đạt sản phẩm OCOP 3 sao gồm bưởi da xanh, cam xoàn, ổi Đài Loan và quýt đường. Ông Nguyễn Văn Xuân - Giám đốc HTX chia sẻ: Hướng đi đúng của HTX chúng tôi đã mang lại kết quả. Việc đầu tư trồng cây ăn quả theo hướng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà nòng cốt là sử dụng phân bón hữu cơ, phòng chống sâu và bệnh hại bằng các biện pháp vi sinh, tưới nước bằng hệ thống tự động, nhất là “nói không” với thuốc bảo vệ thực vật đã tạo ra sản phẩm trái cây “sạch” vừa ngon ngọt, vừa đảm bảo chất lượng.

Năm nay là năm thứ ba, HTX Đoàn Kết ổn định thu hoạch khoảng 10ha các loại cây có múi (bưởi, cam, quýt), ổi mà không phải lo về “đầu ra cho sản phẩm”. Sắp tới, với việc chính thức đưa vào thu hoạch sau thời gian thu bói khoảng 2ha chôm chôm và 8ha sầu riêng, nỗ lực giữ vững thương hiệu sản phẩm OCOP trái cây của HTX càng thêm hứa hẹn.   

Cùng với một số trái cây của HTX Đoàn Kết, có thể kể đến là sản phẩm chanh không hạt của HTX Nông nghiệp và dịch vụ thương mại Đăk Wơk Yốp (xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy); các sản phẩm như bơ Hass, mít Thái, ổi Nữ hoàng, quýt đường của HTX Nông nghiệp và Thương mại dịch vụ Ia Chim (làng Klâu Ngol Ngó, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum) hay quýt đường của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ, thương mại Rạng Đông (Khối 7, huyện Đăk Tô); mít Chan rai của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ, thương mại Ya Ly (thị trấn Sa Thầy)...

Tuy chưa nhiều, song đáng mừng là các sản phẩm OCOP trái cây của tỉnh được công nhận đều từng bước khẳng định “thương hiệu”, được người tiêu dùng ưa chuộng, ổn định đầu ra, góp phần định hướng mô hình sản xuất bền vững của hộ gia đình, hợp tác xã.

Theo số liệu tổng hợp, toàn tỉnh hiện có gần 6.400ha cây ăn quả các loại. Chỉ tính riêng một số loại cây ăn quả phổ biến như cam, xoài, chuối, chanh dây, sầu riêng... thì đã có gần 2.000ha cho thu hoạch. Phấn đấu mở rộng diện tích cây ăn quả lên khoảng 10.000ha vào năm 2025, chỉ riêng vụ trồng mới năm nay, các địa phương trong tỉnh đã chuẩn bị điều kiện để xuống giống 3.000ha. Theo hướng phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh, điều dễ nhận ra là, cho đến nay, các sản phẩm trái cây OCOP được công nhận còn khiêm tốn và chủ yếu là sản phẩm 3 sao, chưa có sản phẩm được xếp hạng cao hơn.

Thực tế, bên cạnh các hộ sản xuất và HTX đang tập trung nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí, tiêu chuẩn để đăng ký công nhận sản phẩm OCOP, thì số đơn vị, cơ sở, gia đình có nhu cầu đầu tư sản xuất một cách bài bản, nhằm “đủ sức” tham gia chương trình có ý nghĩa này cũng có xu hướng gia tăng. Tuy vậy, việc quan tâm xây dựng sản phẩm trái cây OCOP không phụ thuộc vào kết quả mở rộng diện tích vùng nguyên liệu, mà quan trọng hơn và mang tính quyết định là phải đáp ứng yêu cầu chất lượng sản phẩm. Điều đó được tạo ra trên cơ sở đáp ứng quy trình sản xuất hàng hóa theo yêu cầu của Chương trình OCOP.

Từ thực tế phát triển cây ăn quả nói chung và xây dựng sản phẩm OCOP cho trái cây tại địa bàn tỉnh thời gian qua, có thể nhận thấy: Để phát triển một cách bền vững các nội dung này, trước hết, rất cần một quy hoạch chung cũng như kế hoạch cụ thể phát triển cây ăn quả, tránh tình trạng phát triển tự ý, ồ ạt dẫn đến có thể đi vào “vết xe” bài toán tiêu thụ sản phẩm như đã từng xảy ra với một số hàng hóa nông sản trước đây.

Tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP rất quan trọng. Với trái cây tươi có đặc thù tập trung thu hoạch, tiêu thụ trong một thời điểm, khoảng thời gian nhất định, điều đó càng cần thiết. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu chất lượng sản phẩm OCOP, tạo uy tín cho thương hiệu của mỗi mặt hàng trái cây, điều kiện bắt buộc với các chủ thể là cần đầu tư thâm canh cây ăn quả theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sạch, hay ở mức độ cao hơn như ứng dụng công nghệ cao sản xuất theo tiêu chuẩn Viet Gap, GlobalGap...

Để khắc phục tình trạng diện tích trồng cây ăn quả còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa thực sự hiệu quả; cần chủ động xúc tiến kế hoạch xây dựng “cánh đồng mẫu lớn” trong lĩnh vực này, đồng thời với mạnh dạn đầu tư hình thành vùng sản xuất cây ăn quả tập trung ở những nơi có điều kiện. 

 Trên cơ sở xây dựng mô hình HTX kiểu mẫu, nên chăng, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh và các huyện, thành phố không chỉ đặt vấn đề mở rộng thêm các sản phẩm, mà chú trọng hơn đến định hướng “nâng tầm” sản phẩm OCOP trái cây, nhằm tạo ra những thương hiệu thực sự có sức cạnh tranh, có sức vươn xa ngoài địa bàn tỉnh. Trong đó, cốt lõi là chú trọng xây dựng, hình thành và phát triển các chuỗi giá trị cho sản phẩm OCOP trái cây, góp phần nâng cao thu nhập trên một diện tích canh tác của các chủ thể đầu tư trồng trọt trong thời kỳ hội nhập.  

Thanh Như

Chuyên mục khác