14/10/2023 06:18
|
Việc xây dựng và phát huy vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân ngày càng được Đảng và Nhà nước quan tâm. Nhiều chủ trương, chính sách giải pháp được đưa ra và thực thi, đã tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân không ngừng lớn mạnh.
Đặc biệt, Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Nghị quyết 09 đã tạo ra sự nhất quán và xuyên suốt về mặt chủ trương, chính sách, hệ sinh thái cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động ngày càng thuận lợi hơn, trong đó đáng kể là nhận thức của xã hội về vai trò của doanh nghiệp và môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, đã góp phần quan trọng vào sự phát triển, lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp như hiện nay.
Đối với tỉnh, trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND-UBND tỉnh luôn xác định đội ngũ doanh nhân có vai trò quan trọng, doanh nghiệp là lực lượng chủ lực, động lực quan trọng, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, ổn định đời sống của nhân dân.
Phương châm “chính quyền đồng hành, gắn bó, chia sẻ cùng cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân” và “lấy doanh nghiệp làm trung tâm” được quán triệt và tuân thủ nghiêm túc, ngày càng đi vào thực chất.
Với sự quan tâm đặc biệt từ Đảng, Nhà nước và của tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh Kon Tum ngày càng lớn mạnh và có những đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh của địa phương.
Bằng chứng là, theo số liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, trong khoảng 20 năm trở lại đây, bình quân hằng năm tỉnh ta có khoảng 190 doanh nghiệp tư nhân đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký trung bình 2.500 tỷ đồng.
Tính riêng giai đoạn 2016-2020, có tới 1.674 doanh nghiệp được thành lập mới. Năm 2022 có 335 doanh nghiệp thành lập mới, đạt 108% kế hoạch và tăng 11,3% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký khoảng 6.350 tỷ đồng, đạt 116,3% kế hoạch.
9 tháng năm 2023 (tính đến ngày 20/9) có 308 doanh nghiệp thành lập mới; tổng vốn đăng ký khoảng 2.476 tỷ đồng. Có 79 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 34,71% so với cùng kỳ năm trước.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 3.900 doanh nghiệp đang hoạt động; 261 hợp tác xã, 1 liên hiệp hợp tác xã và hàng chục nghìn hộ kinh doanh.
Kết quả điều tra của Cục Thống kê trong quý III/2023 cho thấy, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tương đối thuận lợi, phần lớn các doanh nghiệp đã vượt qua giai đoạn khó khăn, có 37,50% doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp và 30,6% doanh nghiệp thuộc ngành xây dựng đánh giá tình hình tốt hơn. Phần lớn doanh nghiệp dự báo tình hình lạc quan hơn trong các tháng cuối năm.
|
Đội ngũ doanh nhân tỉnh đã có những đóng góp to lớn, quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh trên nhiều phương diện.
Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân không chỉ thực hiện tốt đường lối, chính sách, pháp luật, nhất là về lĩnh vực kinh tế, mà còn tích cực xây dựng, góp ý, giám sát, phản biện, quyết định chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chính quyền địa phương; một số doanh nhân là đại biểu HĐND các cấp.
Đội ngũ doanh nhân cũng luôn thể hiện trách nhiệm xã hội, nhiều doanh nhân đã và đang tích cực tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chương trình vì cộng đồng, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đặc biệt, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đội ngũ doanh nghiệp nêu cao tinh thần chia sẻ, đồng hành; vượt qua khó khăn, tự lực, tự cường, hỗ trợ lẫn nhau, nỗ lực thích ứng linh hoạt để duy trì sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.
Hầu hết doanh nhân có ý thức làm ăn chân chính, bản lĩnh, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để đổi mới, phát triển; thể hiện vai trò chủ lực quản lý, tổ chức các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội.
Trong đó, một số doanh nghiệp, doanh nhân đang nổi lên ở lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và dược liệu. Họ là những người tiên phong tạo ra nhiều việc làm, sinh kế cho người lao động, qua đó góp phần thúc đẩy giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội.
Đã xuất hiện một lực lượng doanh nhân trẻ, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, khởi nghiệp thành công các mô hình kinh doanh mới, sáng tạo.
Phát huy truyền thống "chia ngọt, sẻ bùi", "tương thân, tương ái", cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp có nhiều hoạt động hỗ trợ người dân, cộng đồng, đóng góp lớn vào Quỹ vắc xin phòng Covid-19 và ủng hộ vật tư, trang thiết bị y tế cho các cơ sở y tế, thể hiện tinh thần trách nhiệm, nghĩa cử cao đẹp của doanh nghiệp, doanh nhân.
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận thì phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ta đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, khoảng 70% doanh nghiệp có mức vốn điều lệ từ 5 tỷ đồng trở xuống; 19% doanh nghiệp với mức vốn điều lệ từ 5 - 20 tỷ đồng, 8,3% doanh nghiệp vừa, có số vốn điều lệ từ 20 - 100 tỷ đồng, còn lại là doanh nghiệp lớn với số vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên.
Bên cạnh đó, còn một số hạn chế, tồn tại, như vẫn còn tình trạng doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn phi pháp, thiếu trách nhiệm xã hội; văn hóa kinh doanh chưa đồng nhất, thiếu liên kết.
Bởi đặc thù nghề nghiệp, tôi thường gặp gỡ, trao đổi với nhiều doanh nhân. Trong các lần trò chuyện, cũng có những phàn nàn rằng, các quy định pháp luật còn phức tạp; chưa được hỗ trợ kịp thời khi có khó khăn, vướng mắc, hoặc chậm chạp trong hỗ trợ tháo gỡ.
Một số doanh nghiệp phàn nàn về mức độ công khai, minh bạch thông tin đấu thầu. Không ít doanh nghiệp cho biết cần hỗ trợ trong vay vốn.
Nhưng nhiều doanh nghiệp nhấn mạnh rằng, cùng với vai trò được đề cao hơn, thì trách nhiệm của doanh nghiệp, doanh nhân cũng được xác định rõ ràng và nâng cao.
Tôi rất ấn tượng với câu nói của một chủ doanh nghiệp: Các cuộc trao đổi với chính quyền đã không chỉ dành cho việc than vãn, kêu khó, kể khổ mà đã là những dịp để doanh nhân đóng góp sáng kiến, hiến kế cho lãnh đạo địa phương, nhất là trong thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Không chỉ đòi hỏi từ chính quyền và cộng đồng, doanh nghiệp, doanh nhân cũng ý thức rõ trách nhiệm của mình với xã hội về chất lượng sản phẩm, dịch vụ; trách nhiệm với Nhà nước về nghĩa vụ bắt buộc phải tuân thủ; trách nhiệm chia sẻ với cộng đồng - trong khả năng có thể được.
Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều khó khăn, cũng như quá trình chuyển đổi số đang được thúc đẩy mạnh mẽ hiện nay, cộng đồng đoanh nghiệp, doanh nhân càng nhận thức đúng, đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò của mình. Từ đó nâng cao năng lực quản trị cho doanh nghiệp, chủ động thích ứng, tận dụng cơ hội.
Trong điều kiện thách thức lẫn cơ hội đan xen, quản trị tốt là yếu tố quyết định, giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh, mang lại lợi nhuận, tạo lợi thế cạnh tranh và giá trị bền vững cho chính họ.
Tất nhiên, quá trình chuyển đổi không đơn giản mà gặp nhiều khó khăn, thử thách, rất cần sự kiên định, quyết tâm. Con người, đạo đức doanh nghiệp cùng trách nhiệm xã hội sẽ là “chìa khóa” để cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân phát triển bền vững.
Và cuối cùng, như lời đồng chí Lê Ngọc Tuấn- Chủ tịch UBND tỉnh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp, các ngành luôn quan tâm khuyến khích, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, khát vọng làm giàu chân chính, tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân phát huy vai trò, làm giàu cho mình và cho xã hội.
Hồng Lam