04/08/2022 06:03
Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, công ty của anh Nghĩa bước vào quá trình phục hồi với bộn bề nỗi lo, khi dịch bệnh Covid- 19 vẫn diễn biến phức tạp, chuỗi cung cầu đứt gãy, sản phẩm làm ra tồn đọng, doanh nghiệp không thu hồi được vốn.
Đặc biệt, sau "cú đánh bồi" từ đợt dịch Covid- 19 thứ tư giáng xuống, "cơ thể" doanh nghiệp đang mệt mỏi, mới kịp thở một hơi ngắn, chưa thể hồi sức sau làn sóng Covid lần thứ nhất và thứ hai, càng trở nên “ốm yếu” hơn.
Lúc ấy, tôi gần như mất phương hướng. Công ty sản xuất cầm chừng vì không có đầu ra, chủ cố gắng tự bảo vệ mình. Mọi ý định về sản xuất kinh doanh dừng lại, tôi phải tính đến các phương án thu hồi nguồn vốn- anh Nghĩa chia sẻ.
Rất may là tình hình dịch bệnh được kiểm soát, Chính phủ và địa phương điều chỉnh chiến lược, thực hiện triệt để “bình thường mới”. Với nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế phục hồi được triển khai, anh Nghĩa đã mạnh dạn và nắm bắt cơ hội để bắt tay vào khôi phục sản xuất, đem lại thành công cho doanh nghiệp.
Chỉ trong vòng 3 tháng, hoạt động sản xuất kinh doanh gần như trở lại thời kỳ chưa có dịch Covid-19. Sản phẩm tiêu thụ mạnh, giá cả ổn định, anh Nghĩa quyết định đầu tư thêm một dây chuyền sản xuất để đón đầu cho mùa xây dựng cuối năm.
Khi bắt tay vào khôi phục sản xuất, tôi không nghĩ tình hình sẽ tốt như thế này. Nhưng ngay sau đó, với những dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ, cùng các chính sách hỗ trợ hữu hiệu từ Nhà nước, tôi nhận thấy mình có thể làm tốt hơn- anh Nghĩa tự tin nói.
Có thể nói, hơn hai năm qua, dịch bệnh Covid-19 đã tác động đến mọi hoạt động của đời sống kinh tế- xã hội, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp, từ phía cung đến phía cầu, từ sản xuất đến tiêu dùng, từ công nghiệp đến dịch vụ, du lịch, bất kể lớn hay nhỏ.
Tuy nhiên, thời gian gồng mình chống dịch, dù chịu nhiều thiệt hại, cũng là lúc doanh nghiệp tư duy lại về con đường phát triển mới. Đã có nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, phải giải thể hoặc phá sản thời gian qua, nhưng cũng có không ít doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trụ vững, phát triển bởi khả năng thích nghi tốt nhất.
Qua khảo sát của Sở Kế hoạch và Đầu tư, một số doanh nghiệp đã có kinh nghiệm trong việc điều chỉnh thời gian làm việc, duy trì số lượng nguồn nhân lực, công nhân làm việc trong doanh nghiệp, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực để chuẩn bị sẵn sàng cho bước tiến hậu dịch.
Một số doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã tận dụng tốt cơ hội này để tiếp cận, khai thác tốt thị trường nội địa.
Nhiều doanh nghiệp đã chủ động thích ứng với những đổi thay bất lợi, bảo đảm duy trì sản xuất kinh doanh trong tình hình mới, như cắt giảm chi phí gián tiếp; rà soát, tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu thay thế; tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội kinh doanh mới; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh.
|
Và đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp đã tích lũy được đủ kinh nghiệm để có thể đối phó hiệu quả với những tình huống khủng hoảng y tế; nâng cao khả năng thích ứng, chủ động chuyển đổi hình thái kinh doanh để trụ lại, thậm chí tận dụng cơ hội để bứt phá.
Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2002, đã có 208 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (tổng vốn điều lệ hơn 3.934 tỷ đồng); 85 doanh nghiệp hoạt động trở lại, 17 hợp tác thành lập mới (tăng 13,3% so với cùng kỳ); chỉ có 33 doanh nghiệp giải thể.
Khảo sát mới đây cũng cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ ở mức 26%, trong đó chỉ có 6% doanh nghiệp thua lỗ lớn, 20% còn lại cho biết lỗ chút ít .
Trước khó khăn của các doanh nghiệp, UBND tỉnh triển khai các chương trình, kế hoạch để hỗ trợ giúp doanh nghiệp phát triển; tập trung thực hiện các chính sách, giải pháp của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương; ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ; thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
|
Sự khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần đưa tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2022 (theo giá so sánh 2010) ước đạt 7.307 tỷ đồng, tăng 9,69% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2021 (6,54%). Kim ngạch xuất khẩu tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ với giá trị ước đạt 148 triệu USD, bằng 54,8% kế hoạch và tăng 35,4% so với cùng kỳ.
Ngành du lịch của tỉnh đã có nhiều khởi sắc và tăng trưởng mạnh mẽ. Uớc tính trong 6 tháng đầu năm 2022, thu hút được 700.000 lượt khách, đạt 77,8% kế hoạch và tăng gần gấp 03 lần so với cùng kỳ năm trước; tổng doanh thu ước đạt 180 tỷ đồng, đạt 72% kế hoạch.
Đã thu hút 15 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 1.362,6 tỷ đồng. Một số nhà đầu tư, tập đoàn có tiềm lực như Sun Group, Hùng Nhơn, Him Lam, Nutifood, ... đã đến khảo sát và tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh.
Như phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp (tổ chức ngày 25/7/2022), mức độ thành công không chỉ được xác định bởi những gì đạt được, mà còn từ những trở ngại chúng ta đã vượt qua. Và những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất cũng là lúc thể hiện bản sắc của tinh thần vượt khó, sự đoàn kết, bản lĩnh, ý chí của công đồng doanh nghiệp.
Nhiều người từng nghĩ rằng, với tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, việc khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ vô cùng khó khăn. Nhưng rõ ràng ý chí và quyết tâm, sự hỗ trợ, đồng hành của chính quyền và các ngành chức năng đã đem lại sức mạnh để cộng đồng doanh nghiệp làm tốt, và có thể làm tốt hơn.
Hồng Lam