“Tối hậu thư” cho dự án Hồ chứa nước Đăk Pokei

07/06/2024 13:34

Mới đây, trong chuyến thăm và làm việc với huyện Kon Rẫy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn đã ra “tối hậu thư” đối với Dự án Hồ chứa nước Đăk Pokei. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo đơn vị quản lý yêu cầu nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phải hoàn thành giai đoạn 1 trước 30/6.

Dự án Hồ chứa nước Đăk Pokei được đầu tư tại Quyết định số 1211/QĐ-UBND ngày 31/10/2018 của UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi xây dựng công trình Hồ chứa nước Đăk Pokei và điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 65/NQ-HĐND ngày 11/11/2022 của HĐND tỉnh Kon Tum.

Dự án Hồ chứa nước Đăk Pokei có tổng mức đầu tư hơn 553 tỷ đồng, đầu tư thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 triển khai từ năm 2018 đến năm 2023 với tổng vốn đầu tư hơn 434 tỷ đồng (trong đó, vốn ngân sách Trung ương hơn 321 tỷ đồng và ngân sách địa phương là hơn 113 tỷ đồng), giai đoạn 2 là sau khi hoàn thành giai đoạn 1.

Dự án Hồ chứa nước Đăk Pokei được giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum (Ban Quản lý dự án) làm chủ đầu tư. Dự án do liên danh nhà thầu thi công là Công ty Cổ phần Trường Long, Công ty TNHH Tuấn Dũng và Công ty TNHH NewSun.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn kiểm tra thực tế tại dự án hồ chứa Đăk Pokei. Ảnh: PN

 

Mục tiêu của dự án giai đoạn I (từ 2018-2023) đảm bảo cung cấp nước tưới ổn định cho 1.600ha lúa nước, hoa màu, cây công nghiệp; cung cấp nước sinh hoạt cho 15.000 nhân khẩu xã Đăk Ruồng, Đăk Tờ Re, (huyện Kon Rẫy). Giai đoạn 2 (sau khi cân đối được nguồn) tiếp tục đầu tư các hạng mục còn lại để đáp ứng việc tưới thêm 400ha lúa nước, hoa màu, cây công nghiệp (trong đó, có 80ha lúa nước, 320ha hoa màu và cây công nghiệp) và cấp nước sinh hoạt cho 20.000 nhân khẩu khu vực xã Đăk Blà (thành phố  Kon Tum).

Theo Ban quản lý dự án, mặc dù chủ trương xây dựng từ cuối năm 2018 nhưng qua quá trình hoàn thành các thủ tục đến năm 2020 mới tiến hành đấu thầu xây lắp. Thế nhưng, sau đó, do dịch bệnh Covid-19 nên nhà thầu không triển khai thi công được. Khi dịch bệnh hết, Ban quản lý đã chỉ đạo nhà thầu thi công tập trung nhân lực, máy móc, thiết bị đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Đến nay, các hạng mục đã cơ bản hoàn thành như gói thầu thi công xây lắp các hạng mục nhà quản lý, đường thi công kết hợp quản lý cụm công trình đầu mối và hệ thống điện; đập, tràn xả lũ, cống lấy nước và công trình phục vụ thi công; hệ thống kênh chính và kênh chính Tây và một số hạng mục hệ thống kênh chính Đông…

Theo ông Lưu Văn Lợi- Phó Giám đốc Ban quản lý dự án, hệ thống kênh chính có tổng chiều dài hơn 2,6 km thì đến nay đã lắp đặt hoàn thành 1,9 km; còn khoảng 700m nữa thì các nhà thầu thi công đã tập kết đường ống dọc tuyến kênh và đang tập trung lắp đặt. Riêng đối với đập đầu mối thì đã cơ bản hoàn thành, nhà thầu thi công đang hoàn thiện mặt đường trên mặt đập, lắp hệ thống đèn chiếu sáng, hoàn thiện các nhà tháp van; lắp đặt hệ thống chiếu sáng trong đường hầm…

Dự án Hồ chứa nước Đăk Pokei. Ảnh: P.N

 

Cũng theo ông Lợi, sau khi Chủ tịch UBND tỉnh đi kiểm tra thực tế và ra “ tối hậu thư” đến ngày 30/6 phải hoàn thành đưa vào sử dụng giai đoạn 1 của dự án, Ban quản lý dự án đã mời các nhà thầu thi công lên làm việc và yêu cầu các đơn vị huy động nhân lực máy móc, thiết bị tranh thủ thời tiết thuận lợi, tăng ca, tăng kíp khẩn trương hoàn thành các hạng mục của giai đoạn 1. “Chúng tôi đã yêu cầu các nhà thầu thi công và nhà thầu cũng đã cam kết hết tháng 5 hoàn thiện toàn bộ hạng mục trên đập đầu mối để tích nước và tập trung lắp đặt hoàn thiện hệ thống kênh chính hoàn thành trước 30/6 đưa vào khai thác, sử dụng”- ông Lợi nói.

Cũng theo ông Lợi, hồ chứa nước Đăk Pokei có dung tích tới 8,6 triệu m3, đây là  nguồn tài nguyên nước vô cùng quý để phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân. Đặc biệt, dự án càng có ý nghĩa hơn đối với tình hình hạn hán, thiếu nước ngày càng nghiêm trọng hiện nay. Vì thế, để dự án phát huy hiệu quả, tỉnh ta cần tiếp tục cho chủ truơng đầu tư giai đoạn 2 để phục vụ cho khoảng 2.000 ha cây trồng và nước sinh hoạt cho 3.500 nhân khẩu như mục tiêu dự án ban đầu đặt ra.  

“Đối với một số hạng mục còn lại của giai đoạn 1 chưa thể  hoàn thành và giai đoạn 2, chúng tôi mong HĐND tỉnh, UBND tỉnh xem xét, đầu tư trong giai đoạn trung hạn 2025-2030 để dự án thực sự phát huy hiệu quả”- ông Lợi cho hay.   

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác