12/02/2019 17:55
Bám sát chủ đề, các địa phương trong tỉnh đã tập trung vào các nội dung ra quân đầu năm như: xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo các công trình hạ tầng nông thôn (làm đường giao thông, nạo vét kênh mương...); triển khai các mô hình về phát triển sản xuất, khai hoang, cải tạo đồng ruộng... nâng cao năng suất và chất lượng sản xuất; các hoạt động về cải tạo cảnh quan và bảo vệ môi trường nông thôn (dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, trồng cây xanh tại các trục đường...).
Để hoạt động ra quân đầu năm đạt hiệu quả cao, mỗi huyện và thành phố Kon Tum đều chọn 1 địa điểm để tổ chức Lễ ra quân làm điểm phát động phong trào xây dựng nông thôn mới với các công trình thiết thực, ý nghĩa, cụ thể: thành phố Kon Tum với công trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn thôn Kon Hngo Ktu (xã Vinh Quang); huyện Đăk Hà với công trình làm đường giao thông nông thôn thôn Đăk Tin (xã Đăk Ngọk); huyện Đăk Tô với công trình làm đường giao thông nông thôn thôn Đăk Dé (xã Đăk Rơ Nga); huyện Ngọc Hồi với công trình phát dọn, nạo vét kênh mương nội đồng thôn Măng Tôn (xã Bờ Y); huyện Đăk Glei với công trình phát dọn, vệ sinh môi trường và nạo vét kênh mương tại thôn Peng Seil (xã Đăk Pét); huyện Tu Mơ Rông với công trình làm đường đi vào khu sản xuất ở thôn Măng Dương 1, 2 (xã Ngọc Lây); huyện Sa Thầy với các công trình làm đường giao thông nông thôn thôn Hòa Bình, triển khai phát triển sản xuất tại thôn Nghĩa Tân, thu gom rác thải và vệ sinh môi trường tại các thôn trên địa bàn xã Sa Nghĩa; huyện Kon Rẫy với công trình xây dựng đường nội thôn Kon Lung (xã Đăk Tờ Lùng); huyện Kon Plông với công trình làm đường đi khu sản xuất thôn Vi KTàu (xã Pờ Ê); huyện Ia H’Drai với công trình làm đường giao thông nông thôn tại thôn 7 (xã Ia Tơi).
Đúng 8 giờ sáng 12/2, các địa phương trong tỉnh đồng loạt tổ chức lễ phát động ra quân đầu năm, tạo khí thế thi đua sôi nổi và kêu gọi được sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn cùng chung tay, phấn đấu đạt các mục tiêu Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đề ra.
|
Tính đến nay, toàn tỉnh có 14 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, trong đó có 13/86 xã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 5 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, 22 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí, 43 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí, chỉ còn 3 xã đạt dưới 5 tiêu chí; bình quân đạt 10,2 tiêu chí nông thôn mới/xã.
Đến nay, hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn tiếp tục được cải thiện, phục vụ thiết thực hơn cho đời sống sinh hoạt và sản xuất cho người dân nông thôn. Thông qua cơ chế đầu tư đặc thù đối với các công trình, dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã khuyến khích, vận động được người dân tham gia tích cực hơn vào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Hiện, toàn tỉnh đã có 24 xã đạt tiêu chí giao thông (đạt 27,9%), 73 xã đạt tiêu chí thủy lợi (đạt 84,9%), 70 xã đạt tiêu chí về điện (đạt 81,4%), 36 xã đạt tiêu chí về trường học (đạt 41,9%), 30 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa (đạt 34,9%), 59 xã đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn (đạt 68,6%),…
Nhằm tạo điều kiện phát triển sản xuất, tạo sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, tỉnh đã đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, tăng thu nhập cho người dân.
Trong năm 2018, đã phát triển được một số mô hình sản xuất tiêu biểu như: Mô hình chế phẩm sinh học trong sản xuất cà phê vối; mô hình sản xuất cà phê sạch vì sức khỏe cộng đồng; mô hình sản xuất rau sạch; mô hình trồng sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm dưới tán rừng; mô hình phát triển cây dược liệu... và hình thành một số cánh đồng lớn như cánh đồng sản xuất mía công nghệ cao (30 ha) tại xã Ia Chim (thành phố Kon Tum), cánh đồng lớn sản xuất lúa thơm (32 ha) tại xã Đăk La (huyện Đăk Hà), cánh đồng trồng ngô lấy thân (30 ha) tại xã Măng Bút (huyện Kon Plông)...
Thông qua việc hỗ trợ phát triển sản xuất, đến nay, toàn tỉnh đã có 19,8% số xã đạt tiêu chí thu nhập, 24,4% số xã đạt tiêu chí về hộ nghèo, 91,9% số xã đạt tiêu chí lao động có việc làm, 36% số xã đạt tiêu chí về tổ chức sản xuất.
Công tác bảo vệ môi trường nông thôn luôn được chú trọng. Tại các thôn, làng đã đưa nội dung bảo vệ môi trường ở khu dân cư vào hương ước, quy ước của thôn. Một số địa phương đã thành lập các tổ thu gom rác thải, vận động các hộ gia đình đào hố rác vệ sinh, xây dựng các thùng rác đựng vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật tại các cánh đồng… Tính đến nay, tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt khoảng 86,5%; số xã đạt tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm đạt 29,1%.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới được chú trọng triển khai trên địa bàn toàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã có 47 xã đạt tiêu chí về văn hóa (đạt 54,7%).
Tình hình an ninh chính trị trên địa bàn các xã tiếp tục được giữ vững, không để xảy ra tình huống đột biến, bất ngờ; tệ nạn xã hội cơ bản đã giảm xuống, đời sống nhân dân được ổn định. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 66 xã đạt tiêu chí về quốc phòng và an ninh (đạt 76,74%).
Năm 2019, tỉnh Kon Tum phấn đấu có thêm 3 xã đạt nông thôn mới gồm Đăk Cấm, Vinh Quang (thành phố Kon Tum) và Đăk Môn (Đăk Glei).
Để thực hiện đạt kế hoạch đề ra, bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỉnh Kon Tum đặc biệt quan tâm, chỉ đạo các địa phương ưu tiên bố trí nguồn lực, đồng thời tăng cường huy động nguồn vốn từ cộng đồng và doanh nghiệp cho xây dựng nông thôn mới; tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng hóa công tác thông tin truyền thông, công tác giáo dục chính trị tư tưởng để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và trong các tầng lớp nhân dân về xây dựng nông thôn mới; tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tiếp tục xây dựng, triển khai thực hiện các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, trước mắt tập trung đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật - công nghệ cao…
Bài, ảnh: Tú Quyên