Tổ khuyến nông cộng đồng

04/08/2023 13:02

Sự ra đời của mô hình tổ khuyến nông cộng đồng được kỳ vọng đem lại bước đột phá quan trọng cho hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh. Và thực tế đã cho thấy đây là tổ chức gần dân nhất, là nòng cốt tạo sinh kế và thúc đẩy giảm nghèo bền vững.

Tháng 3/2022, Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng” được Bộ NN&PTNT triển khai thí điểm tại 13 tỉnh thuộc 5 vùng nguyên liệu lớn.

Mục tiêu cơ bản của Đề án là củng cố hệ thống khuyến nông cơ sở theo hướng mở rộng đa chức năng dịch vụ, phục vụ tái cơ cấu ngành và phát triển nông thôn; đa dạng các hoạt động khuyến nông  phục vụ phát triển vùng nguyên liệu, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng nông sản.

Và vui thay, Kon Tum nằm trong số 13 tỉnh tham gia thực hiện Đề án!

Không nghi ngờ gì nữa, việc được tham gia Đề án là cơ hội để hoạt động khuyến nông trên địa bản tỉnh có bước đột phá quan trọng.

Tổ khuyến nông cộng đồng xã Đăk Mar tư vấn hộ nông dân sản xuất cà phê bền vững... Ảnh: TH

 

Ngày 29/8/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành quyết định thành lập thí điểm 2 tổ khuyến nông cộng đồng vùng nguyên liệu cà phê tại hai xã Đăk Mar và Hà Mòn, huyện Đăk Hà.

Nhiệm vụ của tổ khuyến nông cộng đồng khá nhiều, nhưng tựu trung lại là chuyển giao công nghệ, khuyến nông; hỗ trợ, tư vấn phát triển HTX; hỗ trợ thị trường và liên kết chuỗi giá trị; đào tạo nông dân số.

Thành viên tổ khuyến nông cộng đồng chủ yếu là lãnh đạo xã, cán bộ công chức xã, khuyến nông viên, đại diện các hội, đoàn thể ở địa phương, hợp tác xã, doanh nghiệp.

Ông Lê Trọng Hảo- Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Mar (huyện Đăk Hà), Tổ phó Tổ khuyến nông cộng đồng xã Đăk Mar cho hay, từ khi thành lập, tổ đã phát huy khá tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận liên kết với nông dân, với các vùng nguyên liệu một cách dễ dàng hơn.

Tổ đã tăng cường tư vấn, hỗ trợ người dân áp dụng quy trình sản xuất cà phê đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường. Tạo cầu nối giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cà phê hợp tác sản xuất, bao tiêu sản phẩm nhằm nâng cao giá trị ngành hàng cà phê- ông Lê Trọng Hảo chia sẻ.

Theo thống kê từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh, chỉ trong năm 2022, 2 tổ khuyến nông cộng đồng vùng nguyên liệu đã kết nối doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc cung ứng hơn 400 tấn cà phê nhân; tổ chức 5 lớp tập huấn chương trình sản xuất cà phê bền vững theo bộ quy tắc 4C cho 180 hộ nông dân từ nguồn kinh phí hỗ trợ của doanh nghiệp.

Điều đáng ghi nhận là việc hình thành tổ khuyến nông cộng đồng trên địa bàn tỉnh được triển khai linh hoạt, không khuôn mẫu, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương.

... và thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Ảnh: T.H

 

Như ở huyện Đăk Hà, thủ phủ cà phê của tỉnh, đã thành lập tổ khuyến nông cộng đồng vùng nguyên liệu cà phê. Chính điều này đã đem lại cơ hội để tổ khuyến nông cộng đồng phát huy tốt vai trò, hiệu quả của mình.

Vì phù hợp với yêu cầu thực tế địa phương và nhu cầu của người dân, nên các tổ khuyến nông cộng đồng đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng nông sản và thu nhập cho nông dân- ông Lê Trọng Hảo đánh giá.

Cũng chính từ hiệu quả của tổ khuyến nông cộng đồng đem lại trên thực tiễn nên tháng 10/2023, chính quyền xã Đăk Mar đã thành lập thêm một tổ khuyến nông cộng đồng nữa, với đa dạng nhiệm vụ hơn.  

Ở phạm vi toàn tỉnh, ngoài 2 tổ khuyến nông cộng đồng vùng nguyên liệu cà phê huyện Đăk Hà do Sở NN&PTNT thành lập, đến nay đã có thêm 55 tổ khuyến nông cộng đồng cấp xã, với sự tham gia của 469 thành viên.

Sau 1 năm hoạt động, các tổ khuyến nông cộng đồng đã cho thấy đây là tổ chức gần dân nhất, là nòng cốt tạo sinh kế và thúc đẩy giảm nghèo bền vững, thông qua việc cung cấp nhiều công năng để đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo các nhóm hoạt động: Tư vấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tư vấn hỗ trợ hình thành HTX nông nghiệp, phát triển thị trường, liên kết sản xuất, tư vấn, hướng dẫn chuyển đổi số trong các HTX và hộ nông dân.

Đồng thời, giúp nâng cao hiệu quả hệ thống khuyến nông cơ sở gắn với địa bàn xã để thực hiện tốt công tác khuyến nông; đa dạng các hoạt động khuyến nông đáp ứng nhu cầu sản xuất và góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Tất nhiên, cũng có những tồn tại, khó khăn nhất định trong hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng. Đó là việc thực hiện các nhóm nhiệm vụ liên kết thị trường, tư vấn HTX, đào tạo nông dân số còn hạn chế.

Các thành viên trong tổ còn hạn chế về kiến thức chuyên môn để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của tổ; trang thiết bị và kinh phí làm việc để tổ thực hiện nhiệm vụ còn thiếu (phương tiện đi lại, thiết bị đào tạo).

Lẽ dĩ nhiên, một mô hình mới sẽ không tránh khỏi những tồn tại, hạn chế và khó khăn cần khắc phục. Nhưng qua khảo sát tại các địa phương có tổ khuyến nông cộng đồng, hầu hết ý kiến đều ghi nhận đây là một mô hình hay, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của địa phương, doanh nghiệp và nông dân, cần được nhân rộng.

Quá trình triển khai, ngành chức năng và chính quyền cần xây dựng một hệ thống giải pháp cụ thể nhằm đảm bảo phát huy vai trò, hiệu quả tổ khuyến nông cộng đồng. Trong đó, cần quan tâm đến yếu tố đặc thù của địa phương để tránh sự rập khuôn, hình mẫu cho các tổ khuyến nông cộng đồng.

Quan tâm tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức cho cán bộ khuyến nông cộng đồng về HTX, thị trường và liên kết sản xuất, về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc để có thể đảm nhiệm tốt các chức năng, nhiệm vụ của tổ khuyến nông cộng đồng.

Nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ nguồn kinh phí ban đầu cho các tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả; có tài liệu hướng dẫn cho tổ hoạt động.

Thành Hưng

Chuyên mục khác