12/11/2020 13:04
Kể lại câu chuyện người dân trả đất để Ban Quản lý Vườn Quốc gia Chư Mom Ray trồng lại rừng, ông A Thun (ở làng Đăk Đê, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy) cho biết, cách đây gần 5 năm, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Chư Mom Ray phối hợp với chính quyền huyện Sa Thầy vận động 15 hộ dân làng Đăk Đê, xã Rờ Kơi chuyển tới nơi khác sinh sống. Các hộ tự nguyện trả lại 7,3ha đất rẫy đang sản xuất cho Ban Quản lý Vườn Quốc gia Chư Mom Ray. Không chỉ trả lại 7,3ha đất, người dân trong làng còn tham gia trồng lại rừng.
Bà con ai cũng thích trồng rừng vì được hưởng lợi. Nhà nước trả tiền cho mình chăm sóc rừng, rừng phát triển tốt, mình cũng có cuộc sống tốt hơn - ông A Thun tâm sự.
Nhận thấy lợi ích thiết thực mà rừng mang lại cho cuộc sống, 38 hộ dân làng Đăk Đê đều tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Các hộ dân trong làng chia làm 2 nhóm: Nhóm 1 gồm 25 hộ nhận quản lý bảo vệ 739ha rừng, Nhóm 2 gồm 13 hộ nhận quản lý bảo vệ 250ha rừng. Với đơn giá chi trả dịch vụ môi trường rừng mỗi hécta một năm trên 700 nghìn đồng, các hộ dân có thêm thu nhập cải thiện đời sống. Anh A Sur - một người dân trong làng cho biết: “Gia đình mình khó khăn, lấy tiền đó mua gạo ăn. Còn nhiều nữa thì mua quần áo cho các con đi học, mua giày dép. Không chỉ riêng gia đình mình, cả làng cũng mong muốn bảo vệ rừng”.
|
Trên địa bàn xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy), cùng với 21.000ha rừng thuộc sự quản lý của Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, còn có 3.000ha rừng và đất lâm nghiệp do UBND xã quản lý. Toàn xã có 6 cộng đồng với 213 hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng để hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng.
Nhận thức rõ lợi ích mà rừng mang lại cho cuộc sống, không chỉ tham gia bảo vệ rừng, người dân và cộng đồng sinh sống gần Vườn Quốc gia Chư Mom Ray cũng tích cực phối hợp với Ban Quản lý Vườn Quốc gia khoanh nuôi tái sinh tự nhiên và trồng lại rừng. Với cách làm này, nhiều loại gỗ quý như trắc, cẩm lai, giáng hương… đã được bảo vệ và trồng lại để bảo tồn nguồn gen và làm phong phú thêm tài nguyên rừng.
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ia H'Drai được UBND tỉnh giao quản lý trên 30.330ha rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn 2 xã Ia Tơi và Ia Dom, huyện Ia H'Drai. Trong đó, diện tích đất có rừng tự nhiên trên 29.300ha và diện tích đất không có rừng trên 1.000ha.
Mùa mưa vừa qua, tại khoảnh 2, tiểu khu 761 thuộc địa bàn xã Ia Tơi, Công ty triển khai mô hình trồng rừng thử nghiệm 5ha cây bạch đàn cự vĩ (DH32-29). Ngoài ra, tại khoảnh 7, tiểu khu 711 thuộc địa bàn xã Ia Dom, Công ty phối hợp với Viện Dược liệu Hà Nội trồng thực nghiệm 0,5ha sâm cau dưới tán rừng.
Ông Ngô Văn Hải - Giám đốc Công ty cho biết: “Trước đây do nguồn kinh phí hạn hẹp, Công ty chỉ tập trung vào việc quản lý bảo vệ diện tích rừng tự nhiên. Năm 2020, từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng cùng khoản chi khác, Công ty đã dành một khoản kinh phí để thực hiện mô hình trồng rừng thử nghiệm và trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Kỳ vọng đây sẽ là hướng đi mới của doanh nghiệp, góp phần giảm nghèo cho người dân và ổn định an ninh trật tự khu vực biên giới”.
Tính đến cuối năm 2019, tổng diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng của tỉnh Kon Tum là trên 387.700ha. Năm 2020, diện tích này tiếp tục được mở rộng, đối tượng cung ứng dịch vụ môi trường rừng cũng tăng 1 chủ rừng là tổ chức, 4 cộng đồng và 19 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân. Hiện toàn tỉnh có 32 chủ rừng là tổ chức, 3.474 hộ gia đình, cá nhân, 47 cộng đồng dân cư và 75 UBND xã, thị trấn.
Ông Hồ Thanh Hoàng - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cho biết, năm 2020 mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, song việc huy động nguồn thu từ 66 đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng của Quỹ vẫn đạt kế hoạch đề ra. Đến đầu tháng 10/2020, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã giải ngân cho các chủ rừng là 207 tỷ đồng, gồm thanh toán trên 133 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng còn lại của năm 2019 và tạm ứng trên 73 tỷ đồng của năm 2020. Dự kiến đến hết ngày 31/12/2020, Quỹ tiếp tục giải ngân khoảng 150 tỷ đồng tạm ứng của năm 2020 cho các chủ rừng. Đây là nguồn tài chính quan trọng để các chủ rừng trong tỉnh tiếp tục quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Với quyết tâm phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, cùng với tăng cường bảo vệ trên 610.000ha rừng hiện có, 5 năm qua, toàn tỉnh Kon Tum trồng mới được 2.900ha rừng. Cùng với đó có trên 2.100ha rừng tự nhiên cũng đã được phục hồi nhờ việc khoanh nuôi bảo vệ. Đến nay, độ che phủ rừng của tỉnh đã đạt 63%, tăng 0,37% so với cách đây 5 năm. Đây là những tín hiệu vui trong phục hồi và làm giàu tài nguyên rừng của địa phương.
Khoa Điềm