Tín hiệu vui trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

13/09/2019 13:06

Chỉ sau 3 năm thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ta có những bước phát triển đáng kể.

Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững dựa trên cơ sở ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chế biến nhằm tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội là yêu cầu trong phát triển kinh tế nông nghiệp hiện nay. Nhận thức rõ vấn đề này, trong 3 năm qua, tỉnh ta tích cực triển khai thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến. Dù khoảng thời gian thực hiện chưa nhiều, nhưng những thành công bước đầu mở ra tín hiệu vui, cho thấy đây là hướng đi đúng đắn, đầy triển vọng.

Theo đó, thời gian qua, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng cánh đồng lớn, thực hiện nông nghiệp ứng dụng công nghệ nhằm hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng xuất và thu nhập trong lĩnh vực nông nghiệp…

Các ngành chức năng, các địa phương hỗ trợ và hướng dẫn người dân đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa; ứng dụng công nghệ sinh học, tin học hóa, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, công nghệ nhà kính, công nghệ đèn LED, internet vạn vật... giúp tiết kiệm chi phí trong sản xuất, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Nhờ đó, chỉ sau 3 năm thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có những bước phát triển đáng kể.

Sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng và đánh giá cao. Ảnh: TH

 

Trồng trọt là lĩnh vực gặt hái được nhiều thành công nhất. Diện tích các loại cây trồng sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao ngày càng tăng về quy mô và sản lượng. Đến nay, tổng diện tích sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 7.600 ha, trong đó diện tích rau, củ quả, hoa đạt khoảng 277 ha; diện tích cây cà phê khoảng 7.057  ha; diện tích cây ăn quả 202 ha. Nhiều kỹ thuật, công nghệ sản xuất hiện đại được các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và nông dân các địa phương áp dụng vào quá trình sản xuất như công nghệ chuyển gene trong chọn tạo giống cà chua, cà tím, ớt chuông; công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật đối với cây lan kim tuyến, sâm dây, đương quy; công nghệ tưới tiết kiệm đối với cây cà phê, tiêu; ứng dụng vật liệu mới như ứng dụng nano, bạt phủ trong giữ ẩm đất…

Trong chế biến, khoảng 90% doanh nghiệp, cơ sở đầu tư sử dụng máy móc, công nghệ tiên tiến trong quá trình chế biến các sản phẩm nông nghiệp. Tiêu biểu như việc sử dụng máy bắn màu để loại quả xanh, nhân đen, công nghệ Enzym tách nhớt trong quá trình chế biến cà phê nhân; sử dụng rang xay cà phê bằng điện hoặc gas có cài các chế độ tự động để kiểm soát chất lượng nhằm cho ra những sản phẩm cà phê chế biến tinh và sâu như cà phê bột, cà phê chồn. Hay như việc ứng dụng công nghệ Xyclong ướt để tách tro ra khỏi khói thải, sử dụng hệ thống thiết bị lọc bùn bằng lưới lọc inox giúp giảm mức độ ô nhiễm khí thải và nước thải đạt tiêu chuẩn cho phép trước khi thải ra môi trường trong chế biến đường... Nhờ đó, các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh ngày càng nâng cao được sức cạnh tranh, thị trường tiêu thụ được mở rộng trong phạm vi cả nước; một số sản phẩm đã được xuất khẩu ra nước ngoài như cà phê xuất khẩu sang Singapore, Bỉ, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Mexico...; mì xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; Hàn Quốc...

Những mô hình chăn nuôi hiện đại ngày càng được nhân rộng. Ảnh: TH

 

Trong những năm gần đây, hình thức sản xuất chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao có xu hướng tăng về số lượng và quy mô. Trong đó, tiêu biểu như việc áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo để phát triển đàn bò lai trên địa bàn toàn tỉnh. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có 2.500 con bò cái sinh sản được áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo và đã có gần 1.600 con bê lai được sinh ra; qua đó, góp phần cải tạo cơ cấu giống, tăng năng suất, chất lượng đàn bò.

Hình thức chăn nuôi theo quy mô trang trại áp dụng phương pháp chuồng nuôi khép kín, có hệ thống làm mát về mùa hè và sưởi ấm về mùa đông, hệ thống quạt thông gió, hệ thống xử lý chất thải... cũng ngày càng được nhân rộng. Bước đầu hình thành chuỗi liên kết chăn nuôi heo ứng dụng công nghệ cao giữa người dân và các công ty thức ăn chăn nuôi theo hình thức các doanh nghiệp đầu tư con giống, thức ăn, thuốc thú y, thuốc sát trùng, vắc xin tiêm phòng, hỗ trợ kỹ thuật và đảm bảo thị trường tiêu thụ, còn người dân đầu tư chuồng trại, công chăm sóc và thực hiện chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật. Đây là phương thức liên kết góp phần thúc đẩy việc phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, hiệu quả.

Lĩnh vực lâm nghiệp bước đầu thực hiện việc ứng dụng công nghệ sinh học trong gieo ươm cây giống; ứng dụng công nghệ GIS và viễn thám trong quản lý rừng, điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, cảnh báo nguy cơ cháy rừng; ứng dụng máy đục khắc gỗ 3D trong sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ; nâng cao giá trị rừng trồng thông qua hoạt động quản lý rừng bền vững tiến đến cấp chứng chỉ rừng...

Từ năm 2017 đến nay, tỉnh đã đầu tư 26,517 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen (xã Đăk Long, huyện Kon Plông) giai đoạn 1. Đến nay, Khu nông nghiệp này đang triển khai một số hạng mục như hệ thống điện, hệ thống cấp nước; hoàn thiện hơn 8.000m2 nhà kính để giới thiệu cho doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trồng thử nghiệm một số giống rau, quả như dưa leo bao tử, cà chua, dâu tây và một số loại cây dược liệu như: lan kim tuyến, sâm đương quy, sâm dây… Ngoài ra, huyện Đăk Hà và thành phố Kon Tum đã chọn được vị trí để triển khai xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Để thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, trong 3 năm qua, các cấp, các ngành đã đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng, giới thiệu địa điểm để các nhà đầu tư khảo sát lập dự án; trong đó ưu tiên cho các dự án quy mô lớn như: trồng, chế biến dược liệu; đầu tư vào các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng trang trại chăn nuôi kỹ thuật cao...

Tỉnh ta đã có nhiều chính sách khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: TH

 

Tỉnh cũng huy động tối đa các nguồn lực để hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân đầu tư cho sản xuất. Đến nay, toàn tỉnh có 27 dự án nông nghiệp áp dụng công nghệ cao còn hiệu lực đang được triển khai với tổng vốn đăng ký đạt 6.996,182 tỷ đồng; trong đó, có một số dự án lớn như: Dự án quản lý bảo vệ rừng, kinh doanh du lịch và nhân giống, trồng, phát triển cây dược liệu kết hợp chăn nuôi dê sữa công nghệ cao của Công ty cổ phần Dược liệu và Thực phẩm Măng Đen; dự án đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco Kon Tum - Măng Đen của Tập đoàn Vingroup; dự án đầu tư trang trại thực nghiệm rau, hoa, củ theo công nghệ Nhật Bản của Công ty Cổ phần Nông trại xanh Măng Đen; dự án đầu tư trang trại hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế của Công ty TNHH Biophap…

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng thẳng thắn nhìn nhận, việc thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đạt kết quả như kỳ vọng của tỉnh. Chính vì thế, tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án, Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Hòa yêu cầu trong thời gian tới ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải xây dựng bài bản chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ gắn với việc xây dựng mỗi xã một sản phẩm đặc trưng để nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, từ đó, tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho người dân. Các sở, ngành, địa phương, nhà đầu tư cần phải nghiên cứu thị trường để sản xuất ra các sản phẩm có giá trị, phù hợp với nhu cầu của người dân. Bên cạnh việc sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các ngành, các địa phương cũng cần phải nghiên cứu, triển khai các dự án sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ nhằm tạo ra các sản phẩm sạch đưa vào các siêu thị, nhà hàng và cung cấp cho thị trường. Các doanh nghiệp thực hiện dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải liên kết chặt chẽ với các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh để có nguồn nhân lực chất lượng và tạo ra các sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường...

Ứng dụng công nghệ mới, hiện đại vào sản xuất nông nghiệp đang là hướng đi tất yếu hiện nay. Để thực hiện thành công điều này đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía, đó là các nhà quản lý, nhà khoa học, các nhà doanh nghiệp và người nông dân.                

Thùy Hương

Chuyên mục khác