Tín dụng ưu đãi đang “bắt sóng” ở Đăk Hà

12/04/2019 13:10

Từ ngày 1/3, mức cho vay tối đa tại một số chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội được nâng lên 100 triệu đồng; thời hạn cho vay cũng được nâng lên 120 tháng. Quyết định này đang được hộ nghèo cả nước nói chung và ở huyện Đăk Hà nói riêng hồ hởi đón nhận, nhất là ở các địa phương cơ sở có xu hướng phát triển cây công nghiệp đang cần một nguồn vốn lớn để đầu tư.

Anh bạn tôi đùa vui rằng, đến huyện Đăk Hà mà bàn chuyện xung quanh cây cà phê thì cả ngày cũng không hết. Mà quả thật vậy, ở địa phương này, cây cà phê trở thành cây trồng chủ lực, đầu tư trồng cà phê, cây cà phê “cát cứ” từ vườn nhà đến nương rẫy xa xôi, trải màu xanh bạt ngàn, hút mắt. Với những người nông dân ở huyện Đăk Hà thì hơn chục năm qua, nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội được ví như “dòng nước mát” giúp cho hàng nghìn hécta cà phê luôn tươi tốt và cho hoa trái, mang lại thu nhập bền vững cho người dân.

Ông U Bình ở thôn 1A, xã Đăk Ui nhờ vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, qua hơn 10 năm chăm chỉ làm ăn phát triển kinh tế, gia đình ông đã thoát nghèo năm 2017.

Khảo sát cà phê ở Đăk Hà

 

Ông Bình kể, ban đầu gia đình ông chỉ vay 2 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội để trồng cà phê hồi năm 2007. Từ nửa hécta cà phê, qua nhiều lần thu hoạch rồi lại trả ngân hàng, lợi nhuận thu được ông gom góp phát triển diện tích loại cây trồng này, đến nay diện tích cà phê của gia đình ông Bình đã là 2ha. Nhờ gắn bó với cây cà phê, gia đình ông chính thức thoát nghèo từ năm 2017. Sau đó, ông Bình tiếp tục được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 50 triệu đồng chương trình hộ mới thoát nghèo để đảm bảo thoát nghèo được bền vững.

Hiện nay ngoài 2ha cà phê, ông Bình còn trồng thêm bời lời, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nếu trừ các chi phí nhân công, phân bón thì thu nhập từ hai loại cây trồng trên mỗi năm được gần 100 triệu đồng.

Ông Ngô Hồng Hưng – Chủ tịch UBND xã Đăk Ui hiểu hơn ai hết về nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội đã góp phần tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo của địa phương mình.

Chia sẻ về ý nghĩa của nguồn vốn ưu đãi này, ông Hưng khẳng định: Vốn ưu đãi thực sự mang lại hiệu quả cho bà con nông dân trong việc phát triển sản xuất, từng bước giảm nghèo, vươn lên có đời sống kinh tế khá giả. Nhu cầu vay vốn của bà con trong xã cũng ngày càng tăng và nay đã đạt dư nợ 36 tỷ đồng. Việc tăng mức cho vay và nâng thời hạn cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đã đáp ứng nguyện vọng của đa số người dân vùng khó khăn, để có thể đầu tư tốt hơn vào sản xuất.

Chị Mai Thị Lý - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đăk Mar cho biết: Chúng tôi đánh giá cao vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong xã khi tham gia làm ủy thác cho Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, cùng với cán bộ tín dụng kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn, hướng dẫn cách thức sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế gia đình cho các hộ nghèo, hộ chính sách. Nhiều chị em phụ nữ ở các làng Đăk Mút, Kon Kơ Lôk đã sử dụng hiệu quả đồng vốn phát triển vườn cà phê của gia đình. Đơn cử như trường hợp gia đình các chị Y Nhải, Y Kher ở thôn Đăk Mút; chị Y Nhe làng Kon Kơ Lôk xã Đăk Mar, chỉ với mức vay 30 triệu đồng, các chị đã tạo ra được vườn cà phê trên 1ha, chăn nuôi bò, mở rộng diện tích trồng mì ở vùng bán ngập lòng hồ thủy điện Plei Krông… giúp gia đình cải thiện đời sống, từng bước vươn lên thoát nghèo. Nếu nâng mức vay lên 100 triệu đồng/hộ thì cơ hội bứt phá vươn lên của người nghèo ở Đăk Hà sẽ nhiều hơn.

Ông Nguyễn Văn Chung - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đăk Hà cho biết, đến nay vốn vay ưu đãi của huyện đạt mức 349 tỷ đồng, với 9.234 hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn (tương đương 54,61% tổng số hộ dân trong toàn huyện). Ở huyện Đăk Hà người dân có xu hướng phát triển cây cà phê và cây cao su, mà hai loại cây trồng này có thời gian sinh trưởng dài và cần một nguồn vốn lớn để đầu tư. Theo nhiều hộ dân, trong điều kiện diện tích cây trồng ngày càng tăng thêm, giá cả vật tư, cây giống cũng tăng thì mức vay 50 triệu đồng chỉ đủ mua một lần phân bón, mua cây giống về ươm trồng, chưa kể còn phải đầu tư thêm trang thiết bị như máy bơm nước để tưới tiêu… Và với những cây trồng phải 7 đến 10 năm mới cho thu hoạch thì sau 5 năm - thời điểm phải chấm dứt khoản vay, không ít hộ dân phải “bán non” sản phẩm để trả nợ hoặc vay “nóng” bên ngoài. Do đó, việc nâng mức cho vay lên tối đa 100 triệu đồng và thời hạn vay tối đa 10 năm đã kịp thời đáp ứng nguyện vọng của bà con. Ngay trong tháng 3/2019, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đăk Hà đã thẩm định và nâng mức cho vay 9 hộ nghèo ở xã Đăk Hring lên 100 triệu đồng/hộ.

Đến nay, có thể khẳng định, vốn tín dụng chính sách góp phần giúp cho hầu hết người nghèo và các đối tượng chính sách khác tại huyện Đăk Hà có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình, mang lại hiệu quả cao. Việc nâng mức cho vay tối đa đối với chương trình hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Ngân hàng Chính sách xã hội càng củng cố lòng tin của nhân dân đối với chính sách của Đảng và Nhà nước, giúp họ yên tâm bám đất, bám làng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để phát triển kinh tế gia đình. Những chính sách tín dụng ưu đãi đang “bắt sóng” khá nhịp nhàng với hơi thở cuộc sống. Đây cũng được coi như một giải pháp để cùng các loại hình tổ chức tín dụng khác của ngành ngân hàng góp phần đẩy lùi tín dụng phi chính thức.         

Bài và ảnh: Dương Lê

Chuyên mục khác