03/11/2017 06:39
Cát tự nhiên đang dần cạn kiệt
Là người công tác trong lĩnh vực quản lý khoáng sản lâu năm, anh Nguyễn Cường - Phó trưởng Phòng Khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường) nắm rất rõ tiềm năng, dự báo trữ lượng đến thực trạng khai thác, tiêu thụ cát tự nhiên trên địa bàn tỉnh. Cũng vì vậy, rất đáng tin cậy khi anh cho rằng, với nhu cầu sử dụng cát xây dựng ngày càng lớn như hiện nay, cát tự nhiên đang dần cạn kiệt.
|
Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản tỉnh Kon Tum đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 71/2014/QĐ-UBND ngày 22/12/2014 (điều chỉnh, bổ sung tại Quyết định số 21/2016/QĐ-UBND ngày 24/5/2016), toàn tỉnh có 88 điểm mỏ cát xây dựng với tổng diện tích 2.799ha, trữ lượng khoảng 27,6 triệu m3.
Với trữ lượng dự báo như trên, trong điều kiện chúng ta đang phát triển hạ tầng rất nhanh và mạnh, nhu cầu về vật liệu cát không ngừng tăng cao, không bao lâu nữa, chúng ta sẽ phải đối mặt với nguy cơ cung không đủ cầu - anh Cường nhận định.
Trong khi đó, quá trình đi thực tế để viết bài, chúng tôi nhận ra một thực trạng đáng lo ngại là việc khai thác, sử dụng cát tự nhiên đang khá lãng phí. Việc thiếu một quy hoạch khai thác cát khoa học, khai thác quá mức cho phép và trái phép đang gây thất thoát, lãng phí tài nguyên.
Bên cạnh đó, nhiều công trình (từ lớn đến nhỏ) lại lãng phí một lượng cát tự nhiên rất lớn vào việc san lấp mặt bằng. Theo ý kiến của nhiều chủ đầu tư, dùng cát san lấp sẽ thuận lợi khi thi công hạ tầng, mặt bằng đẹp hơn, ổn định hơn, khi xây dựng cũng dễ dàng... Và tất nhiên, với lượng tiêu thụ lớn, đây là một trong số những nguyên nhân chính khiến nhu cầu cát tăng cao, dẫn tới tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra phức tạp.
Vật liệu nào thay thế cát tự nhiên?
Ngày 9/6/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 46/NQ-CP, trong đó yêu cầu Bộ Xây dựng đề ra giải pháp sản xuất vật liệu thay thế cát tự nhiên để hạn chế tình trạng khai thác cát lòng sông. Như vậy, tìm vật liệu thay thế cát tự nhiên trong xây dựng đã trở thành vấn đề cấp thiết trong bối cảnh cát tự nhiên ngày càng khan hiếm như hiện nay.
Ở tỉnh ta, cũng đã đến lúc cần chủ động triển khai việc tìm kiếm vật liệu thay thế cát tự nhiên, ứng dụng rộng rãi trong hoạt động san lấp mặt bằng, xây dựng, không để “nước đến chân mới nhảy”.
Theo anh Nguyễn Cường, hiện nay đã có các loại nguyên liệu thay thế cát tự nhiên, như: cát nghiền từ sỏi đá, tro, xỉ, thạch cao... đáp ứng được các công năng của cát. Tùy theo mục đích mà sử dụng các loại nguyên liệu khác nhau để thay thế cát, ví dụ để xây dựng công trình, sản xuất bê tông thì người ta dùng cát nghiền từ đá, để san ủi mặt bằng thì sử dụng tro, xỉ, thạch cao...
Một số địa phương như Bà Rịa Vũng Tàu, Phú Yên... đã sử dụng một phần cát nhân tạo trong xây dựng. Cát nhân tạo là loại cát được nghiền từ đá, có cỡ hạt gần tương tự với cát tự nhiên, đảm bảo các yêu cầu về tính chất cơ lý, hóa và có thể thay thế hoàn toàn hoặc một phần cát tự nhiên trong bê tông và vữa xây dựng.
Bước đầu đánh giá, chất lượng công trình đều bảo đảm thiết kế kỹ thuật; hiệu quả kinh tế bằng hoặc cao hơn việc sử dụng cát xây dựng thông thường. Đặc biệt, đối với những vùng không có cát tự nhiên, phải vận chuyển từ nơi khác đến, chi phí đội cao hơn giá trị thực của cát thì việc tận dụng được nguồn nguyên liệu tại chỗ (đá) để sản xuất cát nhân tạo sẽ mang nhiều lợi ích và khắc phục được tình trạng thiếu cát.
Cần “song kiếm hợp bích”...
Trên thực tế, việc sử dụng cát nhân tạo (đá xay) trong xây dựng đã được người dân ở một số xã khó khăn về nguồn cung cát tự nhiên áp dụng mấy năm nay. Trong chuyến công tác mới đây vào xã Ngọc Wang (huyện Đăk Hà), chúng tôi khá bất ngờ khi thấy gia đình anh Võ Thanh Tùng (thôn 7, xã Ngọc Wang) sử dụng đá xay để trộn bê tông làm sân phơi cà phê.
Anh Tùng cho biết, do cát khan hiếm, chi phí vận chuyển cao, nên khi thấy có người sử dụng đá xay trộn bê tông có chất lượng và hiệu quả kinh tế, anh liền học theo.
|
“Ai dè, tốt thật chú ơi, bê tông đảm bảo độ chịu lực tốt, bền, lại tiết kiệm chi phí hơn. Hiện tôi mua với giá 150.000 đ/m3 đá xay, chỉ cần trộn với xi măng, như vậy giảm hẳn khoản tiền mua đá 1x2”- anh Tùng khoe.
Tuy nhiên, trường hợp như anh Tùng vẫn là chuyện hiếm. Tâm lý chung cũng như thói quen của người tiêu dùng vẫn hướng về cát tự nhiên. Dạo một vòng quanh các công trình xây dựng ở thành phố Kon Tum, không khó để thấy, cát tự nhiên vẫn được ưa chuộng và dùng phổ biến, chưa có công trình nhà dân sử dụng cát nhân tạo.
Ông C, một chủ thầu khá có tiếng ở thành phố Kon Tum đã tỏ ra ngạc nhiên khi tôi hỏi ông đã bao giờ sử dụng cát nhân tạo chưa. “Chưa bao giờ sử dụng. À, mà cát nhân tạo là gì vậy?”- ông hỏi lại.
Ông NVQ ở phường Trường Chinh (thành phố Kon Tum) thì cho biết: Tôi có nghe nói đến cát nhân tạo nhưng còn băn khoăn vì cát đó chưa được sử dụng rộng rãi lại chưa có chứng nhận chất lượng sản phẩm. Cả đời gom góp xây một cái nhà nên thôi cố mua cát tự nhiên cho yên tâm.
Thực tế trên cho thấy, để cát nhân tạo có chỗ đứng, cần “song kiếm hợp bích”, tức là đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi thói quen người tiêu dùng, đồng thời có chính sách cụ thể, hiệu quả về tìm kiếm và sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên.
Trước hết, cần xây dựng và ban hành hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng và quy định, hướng dẫn rõ ràng đối với các chủng loại vật liệu mới thay thế cát để áp dụng trên địa bàn, tùy theo từng địa phương có nguồn vật liệu thay thế sử dụng.
Mặt khác, quy định cụ thể về việc công trình xây dựng buộc phải sử dụng vật liệu mới thay thế ở một tỷ lệ nhất định. Trong quá trình thẩm định hồ sơ thiết kế, dự toán phải kiểm tra chặt chẽ nguồn vật liệu cát đưa vào công trình; không thẩm định hoặc từ chối thẩm định đối với các công trình sử dụng cát đổ bê tông, xây, tô để san lấp mặt bằng, nền công trình; sử dụng không hợp lý nguồn khoáng sản cát; sử dụng chủng loại vật liệu cát đưa vào công trình không hợp lý.
Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ sản xuất cát nhân tạo, góp phần giải quyết tình trạng thiếu nguồn cung cấp cát, hạn chế việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường…
Thành Hưng