Tìm tương lai sáng cho mía đường - Kỳ II: Thăng trầm “đời mía”

14/04/2021 13:04

Cây mía, với nhiều hộ gia đình các xã, phường Đoàn Kết, Hòa Bình, Kroong, Ngọc Bay, Thống Nhất, Lê Lợi (thành phố Kon Tum)…, từng là “cứu cánh”, là niềm hy vọng đổi đời, làm giàu, nhưng cũng có khi là gánh nặng nợ nần.

Những câu chuyện vui

Đó là cả một câu chuyện dài. Ẩn chứa bên trong mồ hôi, nước mắt và nụ cười của những nông dân chân lấm tay bùn.

Mới giữa buổi sáng mà nắng đã gắt gao. Những quầng nắng hừng hực tỏa xuống cánh bãi rộng mênh mông. Không một gợn mây, không một làn gió, không khí như sôi lên. Ông Nguyễn Văn Minh cắm cúi vun gốc mía, như ông đã làm mấy chục năm qua.

Tiếng cuốc sắt nạo sồn sột trên đất phù sa trong nắng nóng nghe nhức nhối. Sau vài động tác, gốc mía đã được vun cao. Từng lớp đất bạc bay lên mỗi khi lưỡi cuốc hạ xuống. Đất dính đầy tay, bám cả lên khuôn mặt đẫm mồ hôi.

Tôi trồng mía từ năm 1996 - gạt mồ hôi đang nhỏ tong tong, ông Minh nói qua hơi thở: Cứ như duyên nợ vậy, cây mía cho gia đình tôi những bữa cơm no, giúp vợ chồng tôi làm nhà, mua tivi, xe máy; nuôi con cái ăn học nên người.

Tôi vẫn nhớ những năm 2004-2007, mía trúng mùa, được giá. Ngay từ khi bước vào vụ sản xuất, Công ty Đường Kon Tum đã ký hợp đồng với hộ gia đình trồng mía thu mua toàn bộ mía nguyên liệu với giá bảo hiểm tại ruộng, nên bà con yên tâm lắm, chịu khó đầu tư, bỏ công chăm sóc - ông Minh kể lại.

Bà con nông dân thu hoạch mía. Ảnh: H.L 

 

Nhờ được đầu tư chăm sóc tốt nên năng suất mía trong toàn vùng nguyên liệu đều đạt từ 60 tấn/ha trở lên. Nhiều vùng nguyên liệu mía ở các xã Đoàn Kết, phường Thống Nhất, phường Nguyễn Trãi (thị xã Kon Tum) đạt năng suất 120 tấn/ha. Với năng suất cao cộng với giá thu mua mía nguyên liệu ổn định, hộ gia đình trồng mía có lãi từ 20 triệu- 30 triệu đồng/ha. Nhiều hộ gia đình ở xã Đoàn Kết, phường Thống Nhất, phường Nguyễn Trãi nhờ đầu tư chăm sóc tốt nên có lãi trên 40 triệu đồng/ha.

Hay như liên tiếp các niên vụ 2011-2012 và 2012-2013, trong khi các loại nông sản như cao su, mì đua nhau rớt giá, khiến người sản xuất và kinh doanh khốn đốn, thì mía vẫn được doanh nghiệp thu mua cao hơn theo giá bảo hiểm. Mỗi ha, người trồng mía thu lời 35-55 triệu đồng.

Cây mía lên ngôi, nhiều người trồng mía ở tỉnh Kon Tum lời to và trở thành tỷ phú. Có tiền, gia đình ông Minh mạnh dạn đập bỏ ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, làm nhà mái Thái; mua sắm vật dụng phục vụ sinh hoạt đắt tiền.

Nhắc lại thời “hoàng kim” của mía đường, tôi nhớ lại cuộc gặp gỡ với một “tỷ phú” phất lên từ trồng mía ở xã Ngọc Bay (thành phố Kon Tum) - chị Nguyễn Thị Trinh. Không có đất như những người khác, niên vụ 2012-2013, chị Trinh “liều” thuê gần 50ha đất bãi dọc sông Đăk Bla với giá 10 triệu đồng/ha/năm để trồng mía (các loại giống MI, Quế Đường 15…).

Ngay trong vụ đầu, năng suất mía bình quân đạt 70-90 tấn mía cây/ha (tùy theo từng chân đất), sau khi trừ chi phí, chị Trinh lãi khoảng 1,5 tỷ đồng. Một khoản thu nhập mà theo chị là “không có cây trồng nào có thể đem lại được”.

Trước sức hút của cây mía, nhiều hộ gia đình người Ba Na, Xơ Đăng ở thành phố Kon Tum cũng mạnh dạn chuyển diện tích đất bãi ven sông Đăk Bla sang trồng mía và có thu nhập khá cao. Đây cũng là tiền đề để hình thành nên vùng chuyên canh mía rộng lớn chạy theo lưu vực sông Đăk Bla, trải dài từ Đăk Blà về Kroong, từ Đăk Rơ Wa, Chư Hreng, về Ia Chim.

Thế mạnh của bà con là có đất, không phải đi thuê. Chỉ cần có 1ha đất, nếu trồng mía, đã thu lãi 35-55 triệu đồng mỗi vụ, sau khi trừ các khoản đầu tư. Điều đáng nói là, trước vụ thu hoạch, Công ty Cổ phần Đường Kon Tum đều đưa ra giá thu mua mía nguyên liệu cho cả niên vụ, đảm bảo cho người trồng luôn có lãi. Chính vì vậy đã khuyến khích bà con gắn bó với cây mía.

Mía không chỉ… ngọt

Nhưng bên những vụ mía ngọt thường luôn có những mùa “mía đắng”. Cây mía giúp ông Minh, chị Trinh và nhiều nông dân có tiền xây nhà, mua xe, nuôi con cái học hành. Cũng cây mía khiến không ít người trong số họ lâm cảnh nợ nần.

Mới qua một vụ mùa thắng lợi, đùng một cái, niên vụ 2014-2015 trở thành nỗi ám ảnh của người trồng mía. “Giá mía đột nhiên xuống thấp, do nhà máy ế hàng, tồn kho tăng, giảm công suất ép. Người trồng mía lao đao, mía để mọc cờ trên bãi, bỏ thì thương mà vương thì tội" - ông Minh kể.

Còn anh P. (một người từng phải bán đất để trả các khoản nợ do thuê hơn 50ha đất để trồng mía) ngậm ngùi nhớ lại: Khác với không khí phấn khởi của niên vụ trước, vụ mía 2014-2015 trầm lắng lắm. Dù Công ty Cổ phần Đường Kon Tum cam kết thu mua với nông dân là 850 đồng/kg (loại 10 chữ đường), nhưng được chia làm 3 thời điểm: Đầu vụ giá 800 đồng/kg, giữa vụ 850 đồng/kg và cuối vụ 900 đồng/kg. Với mức giá này, người trồng mía gần như không có lời, thậm chí là lỗ vốn nếu không khéo tính toán, bởi chi phí đầu tư như phân bón, thuốc trừ sâu, nhân công… đều tăng.

Cánh đồng mía phường Lê Lợi, thành phố Kon Tum. Ảnh: Quang Vinh

 

Gần đây nhất, niên vụ 2018-2019, giá đường tiếp tục tụt dốc. Do chịu sức ép từ  giá đường, nên giá thu mua mía nguyên liệu cũng giảm theo, tác động trực tiếp đến đời sống của người trồng mía.

“Công thuê làm đất 20 triệu đồng/ha; thuê nhân công chặt mía 220.000 đồng/công/ngày; công phụ vun gốc, đánh lá; chi phí phân bón, thuốc và vật tư nông nghiệp đầu tư cho mía… Tính sơ sơ, nông dân phải đầu tư gần 50 triệu đồng/ha mía mới; đối với mía lưu gốc cũng phải mất từ 30-35 triệu đồng/ha. Niên vụ này, nhà máy mua với giá 830.000 đồng/10 CCS, giảm 120.000 đồng so với trước, trong khi chữ đường trung bình của bà con chỉ đạt 7 - 8 CCS, như vậy may lắm là huề vốn" - anh Thành (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum) kể.

Chưa kể đến những yếu tố khác ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người trồng mía, trong đó có tình trạng không nhập được mía cho nhà máy vì nhiều nguyên nhân. Theo ông Minh, mía đến tuổi không chặt được, trổ cờ rồi khô dần trong nắng ảnh hưởng đến sản lượng, chữ đường. Mía chặt xong, nhưng nhà máy chưa nhập ngay, phơi nhiều ngày trên đồng, bị hao hụt rất nhiều cũng gây thiệt hại.

Nỗi lo lớn nhất là “bà hỏa” luôn rình rập bãi mía đang khô khốc dưới nắng, gió mùa khô. Đến bây giờ tôi vẫn chưa thể quên được khuôn mặt thất thần, đen nhẻm bởi khói bụi của anh Ngô Văn Phòng (tổ 4, phường Nguyễn Trãi, thành phố Kon Tum) bên ruộng mía bị lửa thiêu rụi trong vài tiếng đồng hồ.

Vụ cháy xảy ra khoảng 16h ngày 12/2/2018  tại cánh đồng Ô Chuối, phường Nguyễn Trãi, thành phố Kon Tum. Do đồng mía hanh khô, ngọn lửa bùng phát mạnh cộng với gió lớn khiến lửa lan nhanh, thiêu rụi gần 20ha mía, trong đó, gia đình anh Phòng có hơn 4ha. Không chỉ thiệt hại trong niên vụ 2017-2018, mà còn ảnh hưởng xấu đến vụ sau. 

Cũng vì giá mía nguyên liệu xuống thấp nên nhiều hộ gia đình bỏ trồng mía, chuyển sang trồng những loại cây ngắn ngày khác, dẫn đến diện tích trồng mía liên tục bị thu hẹp. Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2018, toàn tỉnh chỉ còn 1.314 ha mía, giảm gần 400ha so với năm 2017.

Bước sang niên vụ 2019-2020, tổng diện tích mía nguyên liệu thực tế chỉ còn 1.041ha. Dự báo niên vụ 2020-2021, diện tích mía được thu hoạch tiếp tục sụt giảm, chỉ còn 753,78ha, do có tới hơn 324ha phá gốc nhưng không trồng lại.

Tất nhiên, vẫn còn nhiều nông dân gắn bó với cây mía. “Tôi từng muốn bỏ cây mía bởi không kinh tế, nhưng suy nghĩ mãi lại thôi. Phần vì bỏ mía rồi không biết trồng cây gì; phần vì tôi cho rằng, cây mía vẫn đem lại thu nhập hơn những cây trồng khác” - ông Nguyễn Văn Minh nhắc đi nhắc lại trong cuộc trò chuyện.

Hồng Lam

Chuyên mục khác