Tìm lời giải cho vùng đất bán ngập

13/12/2017 13:18

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 17 công trình thủy điện lớn và nhỏ đã xây dựng hoàn thành đưa vào vận hành hòa vào lưới điện quốc gia. Các công trình này, đặc biệt là các thủy điện lớn đã tạo ra các lòng hồ có tiềm năng về du lịch, khai thác và nuôi trồng thuỷ sản, trồng cây ngập nước…

Tuy nhiên, đến nay việc khai thác vùng bán ngập của các lòng hồ vẫn chưa hiệu quả cao; nhiều diện tích đất bị xói mòn, rửa trôi, chưa tạo cảnh quan môi trường sinh thái tự nhiên.

Hàng năm, để dự trữ nguồn nước cung cấp cho các tổ máy của các công trình thủy điện hoạt động đúng công suất, các hồ chứa nước của các công trình thủy điện đã thực hiện việc tích nước trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến hết mùa mưa vào khoảng cuối tháng 12 để đạt đến cao trình mực nước dâng bình thường.

Sản xuất trên vùng bán ngập lòng hồ thủy điện Ya Ly. Ảnh: L.S

 

Cùng với việc tích nước là hoạt động xả nước diễn ra từ tháng 3 đến tháng 8 năm sau. Chính trong khoảng thời gian nước rút này, các hồ chứa của các công trình thủy điện tạo ra hàng nghìn héc ta đất phù sa màu mỡ, như lòng hồ của thủy điện Ya Ly, Plei Krông, Sê San 4 và Đăk Đrinh có thể phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Theo tính toán của các kỹ sư nông nghiệp, năng suất các loại cây trồng trên vùng bán ngập thường đạt bình quân 5,5 tấn/ha/vụ đối với cây lúa và 6 tấn/ha đối với cây bắp. Đây quả là năng suất lý tưởng đối với ngành sản xuất nông nghiệp ở tỉnh miền núi như Kon Tum. Việc khai thác tốt quỹ đất này còn góp phần giải quyết nguồn lương thực tại chỗ, giải quyết một phần về thiếu đất sản xuất, đồng thời giảm được sức ép về tình trạng phá rừng, làm nương rẫy trái phép vốn đang là vấn đề cấp bách hiện nay. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn tài nguyên này hàng năm chưa được khai thác hết.

Theo giáo sư, tiến sỹ Trần Thục - Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn quốc gia về biến đổi khí hậu, trên vùng bán ngập của các lòng hồ, nên bố trí cây trồng hàng năm cho hợp lý nhằm tận dụng được diện tích đất đai màu mỡ vùng bán ngập và tạo ra sản phẩm nông nghiệp ổn định, phát triển các loại cây rừng ngập nước như đước, tràm, sú, vẹt, dừa nước... Việc trồng rừng trên vùng bán ngập các lòng hồ sẽ có tác dụng như hạn chế được tình trạng sản xuất tự phát trong vùng bán ngập, không theo đúng các quy định an toàn cho lòng hồ, tạo ra một đai rừng phòng hộ dọc theo bờ hồ. Đai rừng này có tác dụng cắt ngang dòng chảy bề mặt và giảm tác động của sóng đánh vào bờ do đó hạn chế được sự bồi lắng lòng hồ; đồng thời tạo môi trường cho chim cá và động vật thủy sinh cư trú, tạo cảnh quan phục vụ du lịch sinh thái vùng lòng hồ. Hơn nữa, rừng bán ngập còn tạo ra một lượng lớn lâm sản cung cấp cho các nhà máy chế biến, thay thế một phần diện tích rừng đã được chuyển đổi để xây dựng hồ chứa nhằm duy trì mức độ che phủ của rừng ở mức an toàn, làm phong phú thêm thảm thực vật và tránh rủi ro trong sản xuất cho người dân sống ở vùng ven hồ.

Dương Lê

Chuyên mục khác