Tìm lời giải cho bài toán xử lý ô nhiễm môi trường

07/04/2023 06:03

Vấn đề rác thải, nước thải sinh hoạt và chất thải công nghiệp đang ngày càng được dư luận quan tâm. Trước vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lộc- Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường chia sẻ một số thông tin về thực trạng và các giải pháp nhằm xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường.

PV: Thưa ông, môi trường là một trong những mối quan tâm hàng đầu hiện nay, vậy ông có thể cho biết thực trạng môi trường trên địa bàn tỉnh ta hiện nay?

Ông Nguyễn Văn Lộc: Qua kết quả quan trắc môi trường hàng năm trên địa bàn tỉnh cho thấy, chất lượng các thành phần môi trường (đất, nước, không khí) trên địa bàn tỉnh vẫn khá tốt, chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm. Các nguồn nước thải công nghiệp cơ bản được kiểm soát về lưu lượng và chất lượng thông qua hệ thống quan trắc tự động liên tục kết hợp với quan trắc môi trường. Các vấn đề môi trường thông qua kiến nghị của người dân và phản ánh của báo chí đều được cơ quan chuyên môn kiểm tra, xử lý kịp thời, không để xảy ra các điểm nóng về ô nhiễm môi trường, gây bức xúc.

Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế-xã hội khiến lượng chất thải phát sinh ngày càng gia tăng, trong khi nguồn lực đầu tư, cơ sở hạ tầng xử lý còn hạn chế, nhận thức về bảo vệ môi trường của người dân chưa cao, công tác thu gom rác thải tại một số nơi chưa đảm bảo. 

Ông Nguyễn Văn Lộc- Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường. Ảnh: TH

 

Ước tính của Sở Tài nguyên và Môi trường, bình quân mỗi ngày, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt thải ra môi trường khoảng 290 tấn. Hiện tại 9/10 huyện, thành phố có bãi xử lý chất thải rắn tập trung với tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt khoảng 86%. Tuy nhiên, hình thức xử lý chủ yếu là chôn lấp; việc chôn lấp tại một số bãi rác chưa đảm bảo yêu cầu về môi trường. Tại một số khu vực nông thôn chưa có đội thu gom hoặc thu gom rác thải chưa thường xuyên, hầu hết chất thải sinh hoạt do người dân tự thu gom, xử lý gây ra  ô nhiễm môi trường cục bộ.

Chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh và được thu gom với khối lượng khoảng 1.298,3tấn/năm, được xử lý bằng phương pháp tái chế tại chỗ. Việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn công nghiệp tại các cơ sở công nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp vẫn còn diễn ra tự phát, chưa được quản lý chung.

Ngoài ra, các vấn đề về mùi hôi phát sinh từ các cơ sở sản xuất công nghiệp đặc thù (mủ cao su, tinh bột sắn), mùi hôi từ các trang trại chăn nuôi/khu chăn nuôi nhỏ lẻ của các hộ gia đình, cá nhân cũng chưa được xử lý triệt để.

PV: Thực tế trên cho thấy, dù đã được quan tâm, nhưng việc xử lý chất thải rắn vẫn còn nhiều bất cập, chủ yếu áp dụng công nghệ chôn lấp trực tiếp; vậy chúng ta có biện pháp nào để hạn chế hình thức xử lý này?

Ông Nguyễn Văn Lộc: Theo Kế hoạch số 1448/KH-UBND (ngày 7/5/2021) của UBND tỉnh triển khai lộ trình và giải pháp xử lý rác thải đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh, hiện nay, các huyện có bãi chôn lấp rác thải không hợp vệ sinh đã tiến hành xây dựng lộ trình đóng cửa bãi rác ô nhiễm môi trường.

Cụ thể, thành phố Kon Tum đã chuyển giao bãi xử lý rác thải cũ cho Nhà máy xử lý và tái chế rác thải tỉnh Kon Tum của Công ty TNHH Song Nguyên Kon Tum xử lý; huyện Đăk Hà chuyển giao cho Nhà máy xử lý chất thải rắn của Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ Môi trường DH xử lý; huyện Đăk Tô tiến hành cải tạo, xử lý ô nhiễm bãi xử lý rác thải cũ, đồng thời, đưa vào vận hành bãi xử lý rác thải từ năm 2020; huyện Ngọc Hồi thực hiện đóng cửa bãi rác cũ trong năm 2023 và đưa dự án xử lý rác thải liên hợp vào hoạt động; dự kiến, đến năm 2024 thực hiện song song dự án Khu xử lý chất thải rắn liên hợp và dự án Nhà máy liên hợp xử lý chất thải rắn của Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ môi trường An Thiện, huyện Đăk Glei đang triển khai xây mới bãi xử lý rác thải hợp vệ sinh.

Huyện Sa Thầy và Kon Rẫy đã tạm dừng việc tiếp nhận rác thải của bãi rác cũ, đóng cửa bãi rác từ năm 2020, từ năm 2021-2025, toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt của các địa phương này được chuyển giao về các Nhà máy xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh để xử lý theo phương thức đấu thầu. Huyện Kon Plông đang tiến hành khảo sát, lựa chọn vị trí xây dựng bãi rác phù hợp và thực hiện cải tạo, xử lý ô nhiễm, phục hồi môi trường bãi rác tại thôn Kon Vơng Kia 2.

PV: Thưa ông, để xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh, về lâu dài, tỉnh ta cần có những giải pháp căn cơ, cụ thể nào?

Ông Nguyễn Văn Lộc: Trong thời gian tới, UBND các huyện, thành phố cần chủ động thực hiện xã hội hóa để đầu tư nhà máy xử lý rác bằng công nghệ tiên tiến thay thế dần cho công nghệ chôn lấp.

Về phía ngành Tài nguyên – Môi trường, hiện tại, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định về quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh, trong đó có nội dung về phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo đúng quy định.

Sở cũng tiếp tục phối hợp với các địa phương phổ biến, tuyên truyền kết hợp với tăng cường kiểm tra, giám sát để nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân. Chú trọng việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện phân loại rác tại nguồn, tích cực thực hiện hiệu quả tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thùy Hương (Thực hiện)

Chuyên mục khác