Tiết kiệm trong chi tiêu ngân sách nhà nước

12/04/2022 13:06

Thực hiện chủ trương tiết kiệm trong chi tiêu ngân sách nhà nước (NSNN) của Đảng và Nhà nước, thời gian qua, Tỉnh ủy-HĐND-UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương quản lý chặt chẽ chi ngân sách; đẩy mạnh khoán chi hành chính; đấu thầu, đặt hàng trong cung ứng dịch vụ công; cắt giảm dự toán đối với những nhiệm vụ chi thường xuyên đã giao từ đầu năm nhưng đến hết năm ngân sách theo quy định vẫn còn dự toán. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, chống lãng phí, tiêu cực và đóng góp vào phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Ông Hồ Văn Đà, Trưởng Ban KTNS HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với các cơ quan Tài chính, Kho bạc, Kế hoạch và Đầu tư về chi tiêu NSNN. Ảnh: TN

 

Chỉ tính riêng trong năm 2021, nhờ tăng cường kiểm soát, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách tài chính chặt chẽ, hiệu quả, toàn tỉnh tiết kiệm chi thường xuyên với số tiền 120.918 triệu đồng. Trong đó, tiết kiệm chi thường xuyên 10% với số tiền là 84.518 triệu đồng để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định; thực hiện cắt giảm 50% kinh phí hội nghị, đi công tác và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên còn lại năm 2021 theo Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 8/6/2021 của Chính phủ là 36.400 triệu đồng để bổ sung dự phòng ngân sách tỉnh tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Công tác kiểm soát chi thường xuyên, chi đầu tư xây dựng cơ bản, chương trình mục tiêu quốc gia theo đúng quy trình, chế độ; kiên quyết từ chối các khoản chi không đúng chế độ, quy định, không đủ hồ sơ, thủ tục thanh toán.

Năm 2021, Kho bạc Nhà nước tỉnh đã từ chối quyết toán 10 hồ sơ với số tiền 805 triệu đồng. Số khoản chi chưa đủ thủ tục, yêu cầu bổ sung theo quy định 17.246 hồ sơ, số tiền 609,765 triệu đồng; gồm chi thường xuyên 16.567 hồ sơ với số tiền 336,815 triệu đồng, chi đầu tư 679 hồ sơ với số tiền 272,950 triệu đồng.

Các đơn vị sự nghiệp được giao quyền tự chủ về biên chế và kinh phí đã xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ trên nguyên tắc xác định nguồn thu, nhiệm vụ chi, chấp hành đúng chế độ, định mức Nhà nước quy định; thực hiện chi tiêu và khoán chi theo quy chế chi tiêu nội bộ; sử dụng kinh phí hiệu quả, tiết kiệm, đề ra các biện pháp tiết kiệm chi tiêu NSNN.

Đối với các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, UBND tỉnh đã giao quyền tự chủ đạt 100% (49/49 đơn vị). Ở cấp huyện, thành phố, tổng số đơn vị thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kinh phí quản lý hành chính 280 đơn vị (kể cả cấp xã, phường, thị trấn); trong đó đã giao quyền tự chủ 266 đơn vị, đạt 95%, có 14 đơn vị chưa thực hiện cơ chế tự chủ, chiếm tỷ lệ 5%. Giao tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập 477 đơn vị; trong đó thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP 421 đơn vị, Nghị định số 141/2016/NĐ-CP 55 đơn vị, Nghị định số 54/2016/NĐ-CP 1 đơn vị.

Năm 2021, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tiết kiệm được 136,258 tỷ đồng - trong đó tiết kiệm trong lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí NSNN 99,831 tỷ đồng; tiết kiệm trong đầu tư xây dựng cơ bản 32,889 tỷ đồng; tiết kiệm của các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh 3,538 tỷ đồng.

Công tác quản lý, sử dụng NSNN, mua sắm tài sản công được quản lý, kiểm soát chặt chẽ từ khâu lập dự toán đến thực hiện dự toán và quyết toán NSNN. Thực hiện chi tiêu đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định, từng bước hạn chế việc bổ sung kinh phí ngoài dự toán. Công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng được tăng cường, nhiều công trình trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ nhằm hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; qua đó đã phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm; đồng thời kiến nghị khắc phục những bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật hiện hành, góp phần nâng cao hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng NSNN, quản lý đất đai, quy hoạch, mua sắm tài sản công trên địa bàn của tỉnh.

Để nâng cao hiệu quả việc tiết kiệm trong chi tiêu NSNN, trong thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động sắp xếp các nhiệm vụ chi phù hợp dự toán được giao; UBND các huyện, thành phố điều hành chi phù hợp với khả năng thu ngân sách trên địa bàn. Các đơn vị tăng cường quản lý chi NSNN, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả. Thực hiện rà soát, sắp xếp, cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi thường xuyên chưa thực sự cấp thiết; không ban hành các đề án, chương trình, chính sách mới làm tăng chi ngân sách khi chưa xác định được nguồn đảm bảo.

Bên cạnh đó, tỉnh chủ động thực hiện việc kiện toàn, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh đảm bảo thu gọn đầu mối nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công. Đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ và nâng mức độ tự chủ của các đơn vị sự nghiệp ở mức tự chủ cao hơn; tăng cường xã hội hóa, khai thác, mở rộng nguồn thu dịch vụ, sự nghiệp, phấn đấu thực hiện giảm tối thiểu 2,5% chi hỗ trợ trực tiếp từ NSNN.

Cùng với các giải pháp trên, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, tăng cường vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc sử dụng ngân sách phải đảm bảo đúng đối tượng, đúng chế độ, có hiệu quả và tiết kiệm. Đồng thời, tổ chức công khai việc sử dụng ngân sách, mua sắm, sử dụng tài sản công; công khai các nguồn vốn huy động, các quỹ có nguồn huy động đóng góp của nhân dân; công khai việc quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội, hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên... theo quy định hiện hành.       

Thảo Nguyên

Chuyên mục khác