08/06/2018 06:59
Dù không nằm trong chương trình 30a của Chính phủ, nhưng huyện Kon Rẫy có tỷ lệ hộ nghèo cao (xấp xỉ huyện nghèo) và có nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế-xã hội. Toàn huyện hiện còn 2.585 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 37,85% và 767 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 11.52%. Chuyện sinh kế của hộ nghèo để thoát nghèo là câu chuyện dài, bà con rất cần được học nghề, có kiến thức để trồng trọt, chăn nuôi…, nhưng cần nhất là vốn, với mức vay ưu đãi.
Theo ông Nguyễn Bá Phương- Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kon Rẫy, trong quá trình triển khai chính sách tín dụng ưu đãi, đơn vị đã kết hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên đưa vốn đến từng hộ dân thông qua 106 tổ tiết kiệm và vay vốn...Tổng nguồn vốn của đơn vị đến ngày 31/3/2018 đạt 192,980 tỷ đồng, tăng 11,105 tỷ đồng so với đầu năm. Tổng dư nợ đạt 185,846 tỷ đồng, với 6.496 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn. Chất lượng tín dụng ngày càng được nâng lên, nợ quá hạn và nợ khoanh trên địa bàn chiếm 0,31% tổng dư nợ. Mặc dù mức vay chưa cao, nhưng phù hợp và cơ bản đáp ứng nhu cầu cho các hộ đầu tư phát triển sản xuất, giúp nhiều gia đình trong huyện giảm nghèo bền vững và không ít hộ vươn lên khá giả...
|
Nhớ lại hành trình thoát nghèo của mình, chị Y Lê Na ở làng Kon Săm Luh, xã Đăk Tờ Re bộc bạch: Được cha mẹ chia cho hơn 1 ha đất khi “ra riêng”, vợ chồng tôi đã mạnh dạn chuyển sang trồng cao su. Nhưng trong lúc bế tắc, thiếu nguồn vốn để chăm sóc vườn cây cao su ban đầu, nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi thực sự là “cứu cánh” để gia đình tôi vượt qua khó khăn, có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Giờ gia đình tôi có vườn cây cao su, bời lời, thu nhập chưa khá, nhưng ổn định, lo được con cái học hành, bà con trong làng ai cũng mừng cho gia đình tôi biết tính toán làm ăn.
Anh A Hoàng, làng Kon Skôi, xã Đăk Ruồng, không giấu được niềm vui khi có khách ghé thăm nhà. Anh Hoàng chia sẻ: Trước đây làng mình nghèo và có số hộ nghèo cao, con cái cũng bỏ học theo lên nương rẫy nhưng giờ chỉ còn chưa đến 20% hộ nghèo. Kể từ khi tiếp cận được các chính sách của Đảng, Nhà nước cùng những kiến thức mà nhiều đoàn công tác giảm nghèo của huyện tuyên truyền, gia đình tôi mạnh dạn vay vốn tín dụng ưu đãi để làm ăn. Có vốn tôi khai hoang đất rẫy, trồng 3 ha mì và 2 ha bời lời; kết hợp với mô hình nuôi dê, bò. Mỗi năm gia đình tôi có thu nhập gần 100 triệu đồng…
Bà Đinh Thị Hồng Thu- Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy khẳng định, những năm gần đây, huyện đang tạo ra những động lực và định hướng để giúp dân làm ăn, giảm nghèo và nâng cao đời sống. Ngoài việc tiếp tục tạo điều kiện cho người dân phát triển các cây trồng chiến lược như cao su, bời lời, cây chuối tiêu, mì cao sản, bò sinh sản…, huyện còn đẩy mạnh công tác xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Mặc dù mỗi gia đình hộ nghèo có cách làm riêng, nhưng điểm chung của họ là bắt nguồn từ những đồng vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, cùng những nỗ lực chăm chỉ làm ăn để thoát nghèo. Thực tế ở Kon Rẫy có nhiều hộ có tư duy nhạy bén, dám nghĩ dám làm để vươn lên, nhưng hạn hẹp về nguồn vốn.
Cũng theo bà Đinh Thị Hồng Thu, để thoát nghèo bền vững, các hộ nghèo, hộ cận nghèo ở huyện Kon Rẫy rất cần được tiếp sức từ các nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội. Mức vay và thời hạn cho vay phải tăng lên, để khắc phục tình trạng thiếu vốn sản xuất ở cơ sở. Qua đó, ngân hàng sẽ cùng huyện tiếp tục tích cực thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội tại địa phương; nâng cao thu nhập, tạo điều kiện để hộ nghèo từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, vươn lên khá giả.
Dương Lê