28/07/2019 06:08
Bà Ngô Thị Cúc- Trưởng ban Kinh tế - Xã hội (Hội Nông dân tỉnh) cho biết: Nhằm nâng cao nhận thức của hội viên, nông dân đối với chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về khởi nghiệp; tạo cơ hội cho hội viên, nông dân gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh, quản lý, tìm kiếm thị trường, quảng bá và xây dựng thương hiệu sản phẩm; đồng thời, tư vấn, giới thiệu cho hội viên, nông dân có việc làm ổn định, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Hội đồng Tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh dự kiến tổ chức Hội nghị Nông dân khởi nghiệp vào tháng 9/2019. Đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, được Hội Nông dân tỉnh lần đầu tổ chức.
Theo đó, Hội nghị sẽ diễn ra các hoạt động: công bố và hỗ trợ vốn cho ý tưởng khởi nghiệp được xét duyệt; tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm; trưng bày hơn 50 sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, đáp ứng tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm của Hội Nông dân các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
“Để chuẩn bị cho hoạt động chính là công bố và hỗ trợ vốn cho ý tưởng khởi nghiệp được xét duyệt, Ban Kinh tế - Xã hội (Hội Nông dân tỉnh) đã hướng dẫn mỗi Hội Nông dân huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh xây dựng, lựa chọn 1 ý tưởng khởi nghiệp. Hiện tại, Ban đã nhận được 9 hồ sơ ý tưởng khởi nghiệp (gồm 8 huyện và thành phố Kon Tum tham gia; riêng huyện Ia H’Drai không có ý tưởng tham gia). Công tác lựa chọn các ý tưởng khởi nghiệp khả thi, có khả năng thương mại hóa sản phẩm cao đang được tiến hành để gửi Hội đồng Tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh (thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư) xét duyệt”, bà Cúc nói.
Vui mừng, chờ đợi Hội nghị Nông dân khởi nghiệp năm 2019 diễn ra và hy vọng ý tưởng khởi nghiệp của mình sẽ được xem xét hỗ trợ vốn, chính là tâm trạng chung của nhiều hội viên, nông dân, khi mà từ nay, mọi người có thêm nguồn vốn hỗ trợ với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất, thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Anh Đinh Văn Nghĩa - Chủ tịch Hội Nông dân xã Diên Bình, người đại diện cho ý tưởng khởi nghiệp của Hội Nông dân huyện Đăk Tô cho biết, anh cùng 6 thành viên là hội viên, nông dân của xã thành lập mô hình “Nuôi thủy sản nước ngọt” tại đập Cầu Ri (thôn 4, xã Diên Bình) từ tháng 5/2019.
Khi được hỏi về cơ hội kinh doanh, anh Nghĩa phân tích, điểm mạnh của mô hình là các thành viên tham gia đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực nuôi thủy sản nước ngọt; nguồn nguyên liệu, thức ăn tại chỗ rất dồi dào và ổn định; sản phẩm thủy sản nước ngọt như: cá trắm, cá mè, cá chép, cá rô phi, cá diêu hồng… hiện nay được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Tuy nhiên, các thành viên tham gia mô hình chưa có kinh nghiệm hoạt động, quản lý điều hành sản xuất trong môi trường có tổ chức; chưa có kỹ năng tiếp thị, quảng bá sản phẩm. Để khắc phục điều này, các thành viên tham gia mô hình đã chịu khó đi học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình tương tự. Mô hình cũng hoạt động theo bộ máy có tổ trưởng, tổ phó và thủ quỹ.
Thuận lợi của mô hình là chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến lĩnh vực phát triển kinh tế của nông dân; hiện tại trên địa bàn huyện Đăk Tô chưa có mô hình nuôi thủy sản nước ngọt quy mô lớn; thị trường tiêu thụ sản phẩm phong phú (đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với 1 doanh nghiệp tại huyện Đăk Hà); giao thông thuận lợi.
Tuy nhiên, thách thức của mô hình là có thị trường tiêu thụ sản phẩm nhưng giá cả bấp bênh, không ổn định; giáp ranh với huyện Đăk Hà, nơi có nhiều mô hình nuôi thủy sản nước ngọt quy mô lớn, khả năng cạnh tranh trong tương lai cao.
Anh Nghĩa tâm sự, khi bắt đầu triển khai, mô hình mới huy động vốn được 300 triệu đồng. Anh rất mong ý tưởng được xét duyệt tại Hội nghị Nông dân khởi nghiệp sắp tới và được hỗ trợ nguồn vốn để đầu tư phát triển mô hình nuôi cá nước ngọt tại địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
|
Cũng giống như mô hình “Nuôi thủy sản nước ngọt” của anh Nghĩa, mô hình “Trồng nấm sạch” của Hội Nông dân huyện Ngọc Hồi được đánh giá là một trong những ý tưởng khởi nghiệp có tính khả thi cao, vì các thành viên tham gia đã có kinh nghiệm trong việc trồng nấm, đầu ra sản phẩm ổn định và chưa có đối thủ cạnh tranh.
Chị Phạm Thị Bình, người đại diện cho mô hình “Trồng nấm sạch” tại thôn Ngọc Hải (xã Bờ Y) cho biết, chị và 4 thành viên thành lập mô hình “Trồng nấm sạch” trên diện tích 3 sào từ năm 2017. Qua 3 năm triển khai, lợi nhuận của mô hình tăng dần theo từng năm; đã xây dựng được thị trường tiêu thụ tại xã Bờ Y và chợ Trung tâm huyện Ngọc Hồi. Nhờ tham gia mô hình “Trồng nấm sạch” này mà gia đình thành viên Trương Thị Thủy vươn lên thoát nghèo.
Chị Bình cũng cho hay, hiện nay nhu cầu mua và sử dụng nấm sạch như: nấm sò trắng, nấm linh chi, nấm mèo… rất lớn, do vậy việc đầu tư máy hấp phôi nấm, xây dựng thêm nhà giàn để tự chủ trong sản xuất và mở rộng mô hình là điều cần thiết. Để thực hiện việc này, chị mong mô hình được xét duyệt và được hỗ trợ vốn.
|
Có thể thấy nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh của hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh là rất cao. Việc Hội Nông dân tỉnh tổ chức Hội nghị Nông dân khởi nghiệp là bước đi cần thiết và đúng đắn, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều hội viên, nông dân. Từ đó, đóng góp tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Đức Thành