Tiếp sức cho HTX nông nghiệp

15/12/2023 13:01

Được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước thông qua những chủ trương, chính sách cụ thể, Hợp tác xã (HTX) nói chung, HTX nông nghiệp nói riêng, đã phát huy tốt vai trò “bà đỡ” của mình. Tuy nhiên, để HTX phát triển bền vững trong giai đoạn mới, vẫn cần sự tiếp sức mạnh mẽ.

Số liệu được công bố tại Hội thảo khoa học “Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum” do Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh phối hợp với Sở NN&PTNT, Liên minh HTX và UBND huyện Ngọc Hồi tổ chức, đến tháng 9/2023, toàn tỉnh có 261 HTX, Liên hiệp HTX, trong đó có 180 HTX nông nghiệp, chiếm trên 68%.

Với những đặc điểm khác biệt so với các thành phần kinh tế khác, như hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp; là tổ chức kinh tế gắn với hộ nông dân, các HTX nông nghiệp có đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương gắn với xây dựng nông thôn mới, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho lao động nông thôn.

HTX nông nghiệp góp phần khắc phục sự nhỏ lẻ, manh mún và tự phát trong sản xuất. Ảnh: HL

 

Số liệu thống kê của UBND tỉnh cho thấy, đến tháng 9/2023, các HTX nông nghiệp thu hút gần 3.000 thành viên tham gia. Cuối năm 2022, doanh thu bình quân khoảng 1.035 triệu đồng/HTX; lợi nhuận bình quân sau thuế khoảng 250 triệu đồng/HTX; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX khoảng 40 triệu đồng/người.

Đa số HTX nông nghiệp đã thực sự là mô hình kinh tế của nông dân; là chỗ dựa tin cậy cho thành viên; giúp cho nhiều hộ đồng bào DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm.

Đặc biệt, trong vài năm gần đây, các HTX nông nghiệp đã thể hiện được vai trò trong tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, thu hút  bà con nông dân ngoài HTX tham gia tích cực vào các chuỗi liên kết giá trị.

Từ đó góp phần thúc đẩy thay đổi tư duy sản xuất cũ, hướng tới sản xuất quy mô lớn, áp dụng cơ giới và công nghệ, nhằm tăng năng suất, sản lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Mặc dù có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế nông thôn cũng như đem lại nhiều ích lợi xã hội khác, nhưng số lượng HTX nông nghiệp hoạt động ổn định và có hiệu quả chưa cao. Nhiều HTX nông nghiệp chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường, chưa thực sự tạo được sức hút xã viên tham gia và đóng góp xây dựng HTX.

Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, hoạt động sản xuất kinh doanh chưa theo kịp cơ chế thị trường; việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân, HTX và các doanh nghiệp còn hạn chế dẫn đến nhiều rủi ro trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách phát triển HTX nông nghiệp, và việc thực thi các chính sách ấy đã có tác động tích cực tới sự phát triển của HTX nông nghiệp như góp phần tăng số lượng HTX; tạo điều kiện cho HTX ổn định hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đem lại thu nhập cho thành viên và các hộ liên kết.

HTX nông nghiệp phát huy vai trò ''bà đỡ'' cho thành viên và hộ nông dân liên kết. Ảnh: HL

 

Tuy nhiên, theo đại diện Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh, những chính sách ấy cũng bộc lộ những bất cập khi triển khai, tác động bất lợi cho sự phát triển của HTX nông nghiệp.

Trong đó nổi lên là các chính sách chủ yếu tập trung vào hỗ trợ, ưu đãi mà chưa quan tâm nhiều tới việc xây dựng môi trường hoạt động thuận lợi cho HTX nông nghiệp; một số chính sách thiếu đồng bộ, chưa đầy đủ; chưa phù hợp nhu cầu thực tế của HTX.

Quá trình thực thi chính sách, một số cơ quan quản lý nhà nước chưa thực sự quan tâm đến HTX; chậm xử lý những tồn tại, vướng mắc trong quá trình chuyển đổi sang HTX kiểu mới; chưa bố trí đủ vốn hoặc chưa bố trí vốn tập trung tổ chức thực thi, làm giảm hiệu quả của chính sách đó.

Kế hoạch số 4205/KH-UBND ngày 1/12/2023 của UBND tỉnh về củng cố, kiện toàn, phát triển các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2025 đề ra mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 250 HTX nông nghiệp; các HTX nông nghiệp hoạt động ổn định, hiệu quả, đúng quy định.

Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và HTX, phấn đấu có khoảng 50% HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. Ưu tiên hỗ trợ HTX ở vùng đặc biệt khó khăn, trên 80% dân số là đồng bào DTTS.

Nhiều ý kiến cho rằng, quá trình triển khai Kế hoạch, các cấp, các ngành cần tiếp tục quan tâm, quản lý, khuyến khích và tạo động lực để HTX nông nghiệp phát triển bền vững.

Trong đó bao gồm hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến và thương mại sản phẩm; tạo điều kiện tiếp cận vốn để mua sắm trang thiết bị, máy móc phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Hỗ trợ để HTX nâng cao năng lực hoạt động, thực hiện tốt liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm.

Đẩy mạnh hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số, xây dựng mô hình nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong điều kiện của nền kinh tế thị trường, cũng cần tính toán đến xu hướng sáp nhập các HTX nhỏ thành HTX lớn đa chức năng và liên hiệp HTX để tăng năng lực thực hiện vai trò “bà đỡ” cho nông nghiệp, nông thôn.                  

Hồng Lam

Chuyên mục khác