Tiếp nối mạch nguồn cách mạng

29/04/2017 19:21

Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi có dịp trở lại các xã thuộc vùng căn cứ cách mạng trên địa bàn tỉnh. Sau 42 năm giải phóng, kế thừa sức mạnh “thép” và ý chí cách mạng, các địa phương đang dần chuyển mình trong công cuộc đổi mới, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, đời sống người dân không ngừng được nâng lên…

Những ngày này về xã Đăk Ui (huyện Đăk Hà), chúng tôi cảm nhận không khí sản xuất vui tươi, phấn khởi ở một vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Trên những con đường bê tông rộng rãi, thoáng đãng, những ngôi nhà khang trang đã mọc lên san sát. Những thôn làng trù phú nằm xen giữa những cánh đồng lúa trải dài, những triền đồi ngút ngàn cà phê, cao su, bời lời...

Tôi còn nghe người dân trong xã khoe về cánh đồng lúa 7 tấn/ha, những rẫy cà phê trĩu quả; những tổ hợp cùng hỗ trợ nhau làm kinh tế như: tổ hợp tác chăn nuôi gia súc, tổ hợp tác sản xuất lúa nước, tổ hợp tác sản xuất cà phê... Một nông thôn mới ở Đăk Ui đang thay da đổi thịt từng ngày, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện.

Nông thôn Đăk Ui đang thay da đổi thịt từng ngày. Ảnh: T.H

 

Bà con ở đây bây giờ ai cũng hào hứng làm kinh tế để được giàu có; thế nhưng, trong ký ức của những người già, họ vẫn không thể nào quên được những năm tháng chiến tranh hào hùng và hằng ngày họ vẫn kể để nhắc nhở, giáo dục con cháu về truyền thống quê hương.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, người dân Đăk Ui đã đoàn kết, một lòng đi theo Đảng, anh dũng kiên cường chiến đấu chống quân địch, lập nên nhiều chiến công oanh liệt. Đồng bào Xê Đăng nơi đây đã tích cực tham gia xây dựng “làng chiến đấu” để đánh địch càn quét, cương quyết đấu tranh chống âm mưu “dồn dân, lập ấp”, làm thất bại âm mưu “tố cộng, diệt cộng”, bảo vệ phong trào cách mạng, bảo vệ dân làng; ở làng nào cũng có “rẫy cách mạng” đảm bảo cho cán bộ, bộ đội và du kích có lương thực để chiến đấu...

Sau ngày thống nhất đất nước, người dân xã Đăk Ui lại từng bước khắc phục vết thương chiến tranh, bắt tay vào xây dựng đời sống mới. Phát huy tinh thần quê hương cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Đăk Ui đã dựa vào tiềm năng, lợi thế về đất đai, phát huy tinh thần lao động cần cù, bền bỉ để tạo nên bước chuyển mình trên mọi lĩnh vực. Người dân tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, mở rộng diện tích trồng cây công nghiệp, nhờ đó đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo thống kê của UBND xã Đăk Ui, toàn xã hiện có trên 1.800ha diện tích gieo trồng, trong đó có gần 570ha lúa, 800ha mỳ, hơn 240ha cà phê, 150ha cao su và 750ha bời lời; tổng đàn gia súc gần 4.000 con...

Tại huyện Đăk Hà, Ngọc Réo cũng là một trong những xã vùng căn cứ cách mạng đang vươn mình trỗi dậy. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, địa bàn này đã trở thành chỗ dựa cho các đội công tác hoạt động trong vùng địch hậu; phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương chống lại âm mưu dồn dân lập ấp của địch, góp phần vào chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh năm 1972, chiến thắng Măng Đen năm 1974, giải phóng tỉnh năm 1975.

Phát huy truyền thống anh hùng trong chiến đấu, những năm qua, người dân trên địa bàn xã Ngọc Réo đã khắc phục mọi khó khăn, đoàn kết trong lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hoá. Đến nay, toàn xã có trên 500ha cao su, 486ha bời lời, 126ha cà phê và 142ha lúa; tổng đàn gia súc gần 2.000 con...

Đến Ngọc Réo hôm nay, chúng tôi không chỉ thấy có lúa rẫy, lúa nước, mì; mà còn thấy rất nhiều vườn cà phê, cao su, bời lời bạt ngàn, xanh mướt - tín hiệu của sự ấm no trên vùng đất này. Trong xã đã xuất hiện những tấm gương điển hình trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi như hộ A Sớt (thôn Kon Stiu), A Ngup (thôn Kon Krôk)… với thu nhập từ 120 -150 triệu đồng/năm.

Chia tay Đăk Ui và Ngọc Réo, chúng tôi đến một xã vùng Đông Trường Sơn của huyện Kon Plông trước đây cũng là căn cứ địa cách mạng của tỉnh - xã Pờ Ê.

Diện mạo mới ở các thôn làng. Ảnh: T.H

 

Trong các năm qua, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đã đồng sức, đồng lòng xây dựng nông thôn Pờ Ê ngày càng khởi sắc. Pờ Ê hôm nay đang khoác lên mình chiếc áo mới, những con đường đất ngày nào giờ đã được bê tông hoá phẳng lỳ từ xã đến làng, rồi từ làng này qua làng khác, từ xóm này qua xóm kia, ra đến tận ruộng, rẫy của bà con; lưới điện phủ kín các thôn, làng; trường học được đầu tư xây dựng khang trang. Đặc biệt, ở các thôn làng, mặc dù vẫn là những nếp nhà sàn truyền thống nhưng tất cả được làm rất to, đẹp, chắc chắn.

Sự đổi thay trong đời sống của người dân nơi đây còn được Chủ tịch UBND xã - Nguyễn Đức Thọ khái quát bằng những con số tổng quan như: toàn xã hiện có 364ha lúa nước, 140ha bắp, 256ha mì, hơn 100ha cà phê, gần 600ha keo lai... Cùng với cây trồng, Pờ Ê còn chú trọng phát triển chăn nuôi, nhất là phát triển đàn trâu, bò bởi đây là thế mạnh của địa phương. Đàn trâu của xã hiện có khoảng 1.200 con, đàn bò khoảng 250 con, đàn heo trên 1.000 con... Bên cạnh đó, nhiều gia đình còn xây dựng được các mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại và cộng đồng mang lại hiệu quả kinh tế cao như: nuôi heo địa phương ở thôn Vi Klâng 1; trồng cà phê ở thôn Vi Klâng II và Vi Pờ Ê II; xây dựng chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh ở thôn Vi Ktàu...

Ông Nguyễn Đức Thọ chia sẻ: Người dân trong xã rất có ý chí và tinh thần vượt khó. Điều này có lẽ đã được hun đúc từ trong kháng chiến. Trước đây, đồng bào các dân tộc ở đây đã tin tưởng và đoàn kết một lòng đi theo Đảng, nuôi giấu, bảo vệ cán bộ, từng bước xây dựng phong trào, đấu tranh chống giặc. Chiến tranh kết thúc, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền xã, người dân Pờ Ê lại chung sức, đồng lòng khắc phục hậu quả chiến tranh xây dựng cuộc sống ấm no. Đổi thay lớn nhất là bà con đã thực hiện định canh, định cư, giãn dân, tách hộ lập vườn, khai hoang ruộng nước; đưa những loại cây có giá trị kinh tế cao vào trồng, giúp nhau phát triển kinh tế. Nhờ đó, kinh tế của mỗi gia đình và địa phương đang được nâng lên từng ngày.

Vững thời chiến, mạnh thời bình, tiếp nối mạch nguồn cách mạng, những vùng quê ấy đang vững bước trên con đường đổi mới. Tin tưởng rằng, với những thành tựu đã đạt được về kinh tế, xã hội, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương này sẽ tiếp tục đoàn kết, chung sức xây dựng quê hương ngày thêm trù phú và đầy sức sống.

Thiên Hương

Chuyên mục khác