Tiên phong khai thác mủ cao su bằng ép khí ethylene

22/04/2019 13:05

Phương pháp khai thác mủ cao su bằng ép khí ethylene không mới, đã được áp dụng ở các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Quảng Trị từ mấy năm trước; tuy nhiên, ở tỉnh ta, tháng 8/2018, phương pháp này mới được anh Nguyễn Thiện Tú – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đăk Hà, cũng là một nông dân trồng cao su triển khai áp dụng lần đầu tiên. Kết thúc vụ khai thác vừa qua, phương pháp này đã đem lại hiệu quả cao hơn nhiều so với phương pháp khai thác mủ cao su truyền thống.

Đứng trên vườn cao su diện tích 5ha (ở thôn 6, xã Ngọk Wang) đang áp dụng phương pháp khai thác mủ mới của mình, anh Nguyễn Thiện Tú cho biết: Ethylene thực chất là một loại hóc môn thực vật có trong cây cao su. Trong quá trình cây cao su bị khai thác thì hóc môn ethylene sẽ ngày càng giảm theo số lượng da cây mất đi. Cách đây 20 năm, Malaysia đã ứng dụng khí ethylene cho cây cao su giúp mủ ra nhiều hơn, nhưng do ứng dụng này kết hợp với việc cạo mủ truyền thống có những bất cập, nên cách đây khoảng 8 năm, Thái Lan đã cải tiến và loại bỏ hoàn toàn việc cạo mủ truyền thống sang việc ép khí, khoan và chọc lấy mủ.

Anh Tú chia sẻ, việc ép khí (bơm khí ethylene vào cây cao su) được thực hiện bởi dụng cụ gồm: nắp chóp, túi giữ khí, ống bơm khí. Sau khi đóng nắp chóp và bơm khí, các hóc môn ethylene sẽ thẩm thấu vào vỏ cây trong khoảng thời gian 24 tiếng đồng hồ. Sau thời gian này, anh sẽ dùng máy khoan cầm tay khoan 1 lỗ trong bán kính 20 – 30cm xung quanh nắp chóp để gắn ống nhựa nhỏ có đường kính 1,5ly vào để mủ cao su chảy ra.

Theo anh Tú, vì mủ chảy rất chậm trong thời gian dài (từ 10 – 14 tiếng), nên anh có thể chọc mủ vào buổi chiều, sáng ngày hôm sau đi trút mủ. Đặc biệt, anh không còn phải vất vả đi cạo mủ vào rạng sáng như trước kia và khi mùa mưa tới anh vẫn thu hoạch mủ cao su bình thường.

“Cái hay của phương pháp khai thác này là cách lấy mủ ít tiếp xúc với bề mặt thân nên cây sẽ không bị mất da cây, cho gỗ tốt, hạn chế được bệnh khô miệng và nấm. Từ đó, tăng thời gian khai thác lên hơn 50 năm so với 20 năm khai thác theo phương pháp cạo mủ truyền thống” - anh Tú nói.

Để có thể áp dụng phương pháp này, năm ngoái, anh Tú tự vào các tỉnh Bình Dương, Bình Phước học hỏi kinh nghiệm và bỏ ra số tiền hơn 25 triệu đồng mua 1.500 bộ áp khí (15 triệu đồng), 3 bình gas chứa ethylene (1 triệu đồng/bình), khoan cầm tay (chạy bằng pin, trị giá 500 ngàn đồng), ống chọc mủ, máng hứng mủ, váy che mưa… để phục vụ khai thác mủ thí điểm trên diện tích 3ha.

Dù được áp dụng từ tháng 8/2018 (lúc này mùa vụ thu hoạch mủ cao su đã trải qua 1/2 thời gian) nhưng phương pháp khai thác mủ cao su bằng ép khí ethylene đã đem lại hiệu quả rất cao. Với phương pháp này, 1 lần chọc mủ trên diện tích 1ha cao su, anh Tú đã thu hoạch được 110kg – 120kg mủ (hơn rất nhiều so với 50 – 60kg của phương pháp cạo mủ truyền thống).

Anh Tú cho hay, để hiệu quả được tăng cao, 10 ngày mới được đóng nắp chóp và bơm khí lại. Mỗi lần bơm khí chỉ được chọc lấy mủ 3 lần. Có nghĩa, việc chọc mủ được giãn sang 3 - 4 ngày 1 lần (D3, D4) so với cạo mủ 2 ngày 1 lần (D2) của phương pháp cũ để cây có thời gian tái tạo và phục hồi lại tuyến mủ.

“Ngoài hiệu quả về năng suất, phương pháp này còn đem lại những lợi ích khác. Với phương pháp cũ, nhân công cạo mủ phải có trình độ cao, còn với phương pháp này, kỹ thuật khai thác được đơn giản hóa với việc chỉ cần đóng nắp chóp cách mặt đất 20cm, mỗi lần gắn cách nhau 10 – 20cm, đồng thời, mỗi lần khoan chọc mủ chỉ cần sâu hơn 1cm, khoan lần lượt từ trái qua phải… Hơn nữa, với phương pháp cạo mủ truyền thống, chi phí cho 1 lượt cạo mủ trên diện tích 1ha khoảng 1 triệu đồng; còn với phương pháp mới, phí nhân công, cùng các chi phí khác được cắt giảm rõ rệt” - anh Tú nói.

Anh Tú đang giới thiệu phương pháp khai thác mủ cao su bằng ép khí ethylene cho một hội viên Hội Nông dân huyện Sa Thầy. Ảnh ĐT

 

Thành công với phương pháp khai thác mủ cao su này, anh Tú đã chia sẻ đến các hội viên, nông dân trồng cao su trên địa bàn huyện Đăk Hà áp dụng và đạt hiệu quả cao như hộ: Hoàng Văn Ngọc ở thôn 6, xã Ngọk Wang; A Vải thôn Kon Gung, xã Đăk Mar…

Không những vậy, nhiều lượt hội viên, nông dân ở các huyện Ngọc Hồi, Đăk Tô, Kon Rẫy, Sa Thầy… khi biết được thông tin, cũng đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.

Anh Nguyễn Văn Giang – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ngọc Hồi chia sẻ: Biết anh Tú ứng dụng thành công phương pháp khai thác mủ cao su bằng ép khí ethylene, cũng như hiệu quả mà phương pháp này đem lại, cuối năm 2018, Hội Nông dân huyện đã tổ chức cho hơn 30 cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn huyện đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Hiện tại, các hội viên, nông dân trồng cao su trên địa bàn xã Đăk Kan đang chuẩn bị triển khai thực hiện ứng dụng phương pháp này trên diện tích cao su của mình để phục vụ cho mùa khai thác mủ cao su sắp tới.

Có thể thấy, việc ứng dụng thành công phương pháp khai thác mủ cao su bằng ép khí ethylene của anh Nguyễn Thiện Tú đã tạo tiền đề để các hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh học tập, làm theo, mở hướng đi mới, đem lại nhiều lợi ích cho người trồng cao su trước những biến động về giá cả, thị trường mủ cao su như hiện nay.

          Đức Thành

Chuyên mục khác