Tiềm năng, lợi ích và bất cập trong đầu tư xây dựng công trình thủy điện

08/08/2023 13:04

Bên cạnh những lợi ích lớn về kinh tế, quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội mà thủy điện mang lại, quá trình thực hiện các dự án thủy điện từ trước đến nay ở tỉnh Kon Tum vẫn còn những bất cập, hạn chế cần được quan tâm khắc phục.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh và liên tỉnh đã có 9 nhà máy thủy điện lớn được xây dựng và đi vào hoạt động với tổng công suất 2.313MW. Bên cạnh đó, tỉnh phê duyệt quy hoạch 81 vị trí thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất lắp máy 870,6MW, trong đó 28 dự án đã hoàn thành, có tổng công suất 329,4MW.

Việc triển khai đầu tư xây dựng các nhà máy thủy điện lớn, thủy điện vừa và thủy điện nhỏ đã góp phần quan trọng trong việc khắc phục tình trạng thiếu hụt năng lượng, đảm bảo an ninh nguồn năng lượng cho quốc gia và của tỉnh. Thủy điện đã góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp và tăng nguồn thu ngân sách của tỉnh. Cụ thể: Năm 2015 ngân sách tỉnh thu 504 tỷ đồng; năm 2018 là 799 tỷ đồng; năm 2021 là 898 tỷ đồng…

Nhà máy thủy điện Plei Krông. Ảnh: N.N.S

 

Ngoài việc tích nước phát điện, các hồ chứa nước đã góp phần điều tiết chống lũ, chống hạn cho vùng hạ lưu, cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt, cải thiện độ ẩm và điều hòa tiểu khí hậu; đồng thời tạo cơ hội cho phát triển một số ngành nghề, dịch vụ mới như: nuôi trồng thủy sản, đánh bắt cá, du lịch sinh thái, hoạt động dịch vụ. Các khu tái định cư được đầu tư xây dựng nhà ở khang trang, cơ sở hạ tầng đầy đủ tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng trong giao thương và phát triển các dịch vụ kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích lớn về kinh tế, quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội mà thủy điện mang lại thì quá trình thực hiện các dự án thủy điện vẫn còn những bất cập cần được quan tâm khắc phục. Đó là hầu hết các dự án thủy điện đều chiếm dụng diện tích rừng để xây dựng đập, hồ chứa, kênh dẫn. Trong khi đó việc trồng rừng thay thế không đủ so với diện tích rừng bị mất. Rừng bị mất đã làm cho lũ lụt dữ dội hơn và tàn phá nặng nề hơn.

Do lượng lớn phù sa bị giữ lại trước khi chảy qua tua bin nên các sinh cảnh ở hạ lưu bị suy giảm, không đủ lượng dinh dưỡng hữu cơ và vô cơ cung cấp cho các loài sinh vật, ảnh hưởng tới sự ổn định của hệ sinh thái. Bên cạnhđó, do việc tích và xả nước lòng hồ đã gây nên những thời đoạn sông khô nước, ảnh hưởng đến hệ sinh thái thủy sinh, làm cho một số loài bị suy giảm hoặc không tồn tại.

Thủy điện ảnh hưởng đến khai thác, sử dụng tài nguyên nước, khoáng sản, làm suy giảm môi trường, biến đổi khí hậu. Việc tích nước và xả nước khiến dòng chảy tự nhiên của sông bị phá vỡ. Mùa khô lưu lượng nước giảm làm ảnh hưởng đến cung cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu, giao thông, đánh bắt thủy sản. Ngược lại, mùa mưa bão lưu lượng nước lòng hồ chứa dâng cao và để đảm bảo an toàn hồ đập, phải vận hành xả nước gây ra ngập lụt cục bộ. Ngoài ra, hồ chứa còn lưu giữ một lượng lớn phù sa và cát khiến cho vùng hạ lưu bị suy giảm đáng kể lượng bùn, cát gây ảnh hưởng lớn đến khai thác phục vụ cho sản xuất.

Thủy điện còn ảnh hưởng đến môi trường kinh tế, đời sống của những hộ dân phải di dời. Hầu hết các công trình thủy điện đều tác động đến đất rẫy, đất trồng cây công nghiệp, đất ruộng nước nằm ven sông suối có độ ẩm, màu mỡ và nguồn thu rất quan trọng của các hộ dân. Thế nhưng đất đền bù lại không đúng chủng loại, diện tích ít hơn so với bị thu hồi, đời sống nơi ở mới cũng có sự khác biệt so với nơi ở cũ đã gây ra những khó khăn nhất định cho vùng tái định cư.

Mặc dù còn có những bất cập nhưng không thể phủ nhận nguồn năng lượng sạch, giá rẻ của các nhà máy thủy điện trên địa bàn của tỉnh đã mang lại nhiều nguồn lợi lớn cho tỉnh như: thu ngân sách, ổn định nguồn điện năng, cung cấp nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt, phát triển kết cấu hạ tầng, làm thay đổi bộ mặt vùng sâu, vùng xa.

Những bấp cập nêu trên không phải là bất khả kháng mà chỉ là hệ lụy từ những hạn chế về năng lực, trách nhiệm; sự phối hợp thiếu đồng bộ trong quá trình tổ chức thực hiện. Nếu các nhà quản lý, các doanh nghiệp, các cấp chính quyền quan tâm, cân nhắc kỹ lưỡng và thực hiện một cách đồng bộ, khoa học từ khâu quy hoạch, khảo sát, thiết kế, thi công đến công tác kiểm tra, giám sát, xử lý sai phạm thì nhất định những bất cập này sẽ được hạn chế và khắc phục. Khi ấy nguồn thủy năng sẽ thực sự là nguồn lực quan trọng giúp tỉnh phát triển ổn định và bền vững; giúp nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. 

Nguyễn Ngọc Sơn                                                                           

Chuyên mục khác