Tích cực hành động để tạo dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi

05/02/2025 06:45

Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là giải pháp quan trọng để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo đà cho tăng trưởng, phát triển kinh tế. Để góp phần thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, các cấp, các ngành của tỉnh tích cực triển khai, hành động quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm tạo dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp.

Thời gian qua, việc thực hiện cải cách hành chính, giải quyết những “điểm nghẽn” về cơ chế, chính sách là vấn đề ưu tiên hàng đầu của tỉnh và cũng đã đem lại những kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.

Chỉ trong năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành 92 quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính ban hành mới; sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên rà soát, đánh giá việc thực hiện thủ tục hành chính, chú trọng rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục liên quan đến môi trường kinh doanh, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh; tăng cường kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính. Qua đó, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện, góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) trên địa bàn tỉnh.

Xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu được tỉnh quan tâm thực hiện. Ảnh: TH

 

Năm 2024, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung đẩy mạnh việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Đến nay, tỷ lệ số hóa hồ sơ và kết quả giải quyết thủ tục hành chính của 3 cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh đạt 78,46%, tăng 28% so với năm 2023 và cao hơn tỷ lệ bình quân chung của cả nước là 11,4%.

Ông Ngô Việt Thành- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng nhằm thu hút tối đa, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, tỉnh chủ động tiếp xúc, làm việc với nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án trên địa bàn. Trong năm 2024, các cấp, các ngành của tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết dứt điểm 27/35 vấn đề khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp tiếp tục được quan tâm đầu tư hoàn thiện để có thêm mặt bằng mới thu hút đầu tư. Các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp cũng được triển khai mạnh mẽ.

Năm 2024, thu hút đầu tư của tỉnh đạt kết quả khả quan với 16 dự án đăng ký đầu tư, tổng vốn đăng ký khoảng 1.205 tỷ đồng. Ước cả năm, toàn tỉnh có 360 doanh nghiệp mới được thành lập, tăng 24% so với cùng kỳ; thành lập thêm 29 hợp tác xã, nâng tổng số hợp tác xã trên địa bàn là 320 hợp tác xã, tăng 19,85% so với cùng kỳ.

Theo kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2025 tỉnh ta đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt từ 10% trở lên (phấn đấu đạt 19,79% để đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ XVI); thu ngân sách nhà nước trên địa bàn từ 5.000 tỷ đồng trở lên; thành lập mới từ 300 doanh nghiệp trở lên; tổng vốn đầu tư toàn xã hội từ 32.700 tỷ đồng trở lên, trong đó vốn đầu tư khu vực tư nhân 26.800 tỷ đồng.

Để góp phần thực hiện mục tiêu trên, UBND tỉnh xác định công tác cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

Các cấp, ngành luôn chú trọng cải cách nhằm cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh: T.H

 

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2025, tỉnh ta đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu là tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh. Trong đó, chú trọng cải thiện các chỉ số về phát triển bền vững, năng lực đổi mới sáng tạo, chính phủ điện tử, về “Quyền tài sản”, hiệu quả logistics, năng lực phát triển du lịch, an toàn an ninh mạng; khuyến khích đổi mới, sáng tạo; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, nâng cao hiệu quả các dịch vụ hỗ trợ giúp tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập, giảm tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Bên cạnh đó, tiếp tục giữ vững, phát huy những kết quả đạt được cũng như khắc phục hiệu quả các hạn chế tại các lĩnh vực, nội dung, tiêu chí, chỉ số thành phần của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương chủ động, tháo gỡ triệt để các rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác nhau của các quy định pháp luật. Đồng thời, thực hiện nghiêm việc cập nhật, công khai, tham vấn dự thảo quy định kinh doanh trên Cổng Tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh, rà soát cắt giảm, đơn giản hóa các  thủ tục hành chính; xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra để đảm bảo không trùng lặp, chồng chéo, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển hiệu quả hệ thống dịch vụ phát triển kinh doanh, vườn ươm doanh nghiệp.

Việc xây dựng, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch và thuận lợi cho các thành phần kinh tế sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư vào địa bàn,  tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.            

Thiên Hương

Chuyên mục khác